Ngày Tết của những người phụ nữ tại khu cách ly

Thêm một năm người Việt phải đón cái Tết không trọn vẹn khi thiếu đi sự bình yên giữa đại dịch. Trong một cái Tết đặc biệt cũng có những câu chuyện thật đặc biệt.

0
231

Ngày Tết càng cận kề, người phụ nữ Việt lại càng thêm bận rộn để vun vén mái ấm nhỏ. Thế nhưng, một số người lại quyết định không trải qua cái Tết cùng gia đình. Họ lựa chọn đến khu cách ly, không có người thân bên cạnh để đón thời khắc giao thừa. 

Cô Hào – một người phụ nữ được biết đến với công việc cô nuôi trong bệnh viện dã chiến tâm sự: “Mấy ngày đầu còn bị lạc đường, tuổi cao mắt lại kém, người nhà ai cũng phản đối việc tôi đi làm ở bếp ăn nhưng vì tinh thần chống dịch tôi vẫn quyết tâm phục vụ bệnh nhân, phục vụ các thầy thuốc. Sau quãng thời gian dài làm việc với cường độ liên tục, có người lả đi vì kiệt sức nhưng cũng chỉ nghỉ ngơi trong chốc lát, uống tạm hộp sữa rồi lại tiếp tục công việc đang dang dở”.

Cô Hào là một trong những người phụ nữ quyết định từ bỏ giây phút sum vầy để đón Tết tại khu cách ly. Thế nhưng, cô và rất nhiều người đang làm việc ở căn bếp bện viện dã chiến lại không cho điều đó là một thiệt thòi. Bởi vì tất cả đều xuất phát từ sự tự nguyện. Trong khu bếp dã chiến, hầu hết mọi người đều có độ tuổi trung niên. Thậm chí, còn có một cụ bà đã bước qua tuổi 70. Cụ quyết định không ăn Tết cùng con cháu để tự tay chuẩn bị các suất cơm cho những cán bộ, đội ngũ y bác sĩ và bệnh nhân trong bệnh viện dã chiến “không ngủ” này.

Họ từ bỏ cái Tết bình yên trong căn nhà để mang đến những bữa cơm Tết ấm cúng ở khu cách ly. Tết của những người tại đây rất đặc biệt. Họ cũng nổi lửa nấu bánh chưng. Thế nhưng, chiếc bánh chưng ấy lại không chỉ dành cho họ. Hơn 700 chiếc bánh chưng đã được chuyển đi cho những sinh viên xa nhà tham gia công tác chống dịch. 

“Con tôi đã lớn, có thể tự lo Tết ở gia đình. Vả lại tết của gia đình tôi cũng đơn giản. Tôi tin, chồng mình có thể làm được con gà, có chiếc bánh chưng để đón tết” – đây là câu nói của nữ hiệu trưởng đã quyết định viết đơn tự nguyện xin vào khu cách ly cùng các học sinh. Khi biết tin các em học sinh và giáo viên trường mình phải đi cách ly vì liên quan đến ca Covid-19, cô Lê Thị Tuyết Lan – Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Phương (Hà Nội) đã tự nguyện vào vòng ngoài khu cách ly để quán xuyến mọi việc. Hành động nữ hiệu trưởng này đã khiến nhiều người xúc động. “Lúc ấy tôi làm sao ngồi yên cho được, không biết học sinh bé nhỏ của mình ở trong ấy ra sao. Nghĩ đến đấy, tôi chỉ quyết định rất nhanh, theo cô trò vào khu cách ly rồi xử lý tiếp” –  Lê Thị Tuyết Lan chia sẻ.

Gác niềm riêng sau màu áo blouse trắng, những nữ bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch cũng quyết định không trở về quê ăn Tết. Bác sĩ Đỗ Thị Kim Oanh đã không thể sum vầy cùng 3 con nhỏ khi phải thực hiện nhiệm vụ. Chị phải giao ba cháu, trong đó cháu nhỏ nhất chỉ mới 19 tháng tuổi cho ông bà ngoại.

Sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM tình nguyện khộng về quê đón Tết để tham gia hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phòng chống dịch COVID-19. Minh Nguyệt – nữ sinh viên y tế công cộng 17 từng dự định về quân ăn Tết từ sớm, thế nhưng cô lại quyết định ở lại khi nghe tin Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đang cần lực lượng sinh viên hỗ trợ. “Đây là năm đầu tiên tôi đón Tết xa nhà. Những ngày qua, tôi được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm quý báu cho công việc sau này” – Minh Nguyệt tâm sự.

Những mẫu chuyện nhỏ về những người phụ nữ tự nguyện ở lại, không về tận hưởng không khí đoàn viên cùng gia đình đã lan tỏa nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội. Cái Tết thiếu hơi ấm gia đình nhưng lại đầy tình người. Câu nói “Tết này, con không về” trong năm nay đã mang một ý nghĩa khác, có chút tiếc nuối, nhưng lại đầy ý nghĩa.