Câu chuyện người phụ nữ Việt ngày Tết: Mỗi người một hoàn cảnh nhưng ai cũng tảo tần

Cuộc sống đã thay đổi, người phụ nữ không còn phải chỉ gắn liền với căn bếp nhỏ. Trong ngày Tết Tân Sửu, hình ảnh người phụ nữ xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau từ mái ấm cho đến công việc. Thế nhưng, bất kỳ nơi đâu thì ánh mắt của họ đều gắn liền với lo toan, vất vả.

0
136

Hình ảnh người phụ nữ tất bật trong ngày Tết đã không còn xa lạ. Thế nhưng, cái tất bật ấy lại không giống nhau. Người lựa chọn vun vén gia đình nhỏ, kẻ lại vất vả ngược xuôi để mưu sinh. Dù ở hoàn cảnh nào thì người phụ nữ Việt vẫn toát lên vẻ đẹp tần tảo, nghị lực.

Chị Lê Thị Thu – người nổi tiếng với nghề làm bánh ở tỉnh Bình Định vẫn đang miệt mài với công việc. Trong một năm, đây là thời gian chị bận rộn nhất khi nhu cầu khách hàng ngày một tăng cao. Tuy nhiên, chị Lê Thị Thu lại cảm thấy hạnh phúc với sự vất vả hiện tại. “Quanh năm chịu khó làm tại nhà mấy tiếng đầu giờ sáng xem như kiếm tiền chợ hàng ngày cùng với nguồn thu từ nghề nông” – chị tâm sự.

Cũng giống như chị Lê Thị Thu, chị em ruột là bà Thái Ủy Cúc (70 tuổi) và bà Thái Ủy Hoa (59 tuổi) vẫn đang gìn giữ nghề làm bánh tết của gia đình. Hai bà là thế hệ thứ ba được thừa hưởng nghề này từ người mẹ ruột. Từng chiếc bánh ít lá gai, bánh in và bánh lon được hai bà chăm chút tỉ mỉ. “Ngày xưa, một mình mẹ tôi làm nuôi 5 đứa con khôn lớn, nay nghề đã tới thế hệ thứ 3. Qua bao mùa xuân, hương vị các món bánh không thay đổi nhiều, cả nhà vừa làm vừa hồi ức chuyện gia đình ngày trước, kể chuyện nhà hôm nay, thấy Tết như gần, ấm cúng hơn”, bà Cúc tâm sự. Họ là đại diện cho người phụ nữ nông thôn vun vén gia đình nhưng vẫn cố gắng mưu sinh để cuộc sống thêm sung túc.

Tại thành phố ồn ào, không ít người phụ nữ vẫn quyết định bám trụ không về quê để ăn Tết cùng gia đình. Họ lựa chọn ngày xuân cô đơn nơi đất khách để chắt chiu thêm từng khoản tiền gửi về gia đình. Trong căn nhà nhỏ ở ngoại thành TPHCM, chị Lê Thị Nguyệt đang buồn bã khi không thể trở về Nghệ An trong Tết Tân Sửu. Tình hình dịch COVD-19 đã khiến công việc trở nên khó khăn hơn. Dù rất muốn quay về sum vầy cùng gia đình nhưng chi phí tiền xe, quà cáp để về quê ăn Tết khiến chị không thể nào làm khác được. Hoàn cảnh của chị Nguyệt cũng là tình cảnh chung của nhiều nữ công nhân miền Bắc, miền Trung đang tha hương lập nghiệp ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… 

Các “nữ phu rác” cũng rơi vào hoàn cảnh đó nhưng theo một cách riêng. Họ quyết định ở lại thành phố vì trách nhiệm công việc. Ngõ đường, khu phố không thể thiếu đi những người phụ nữ này. Có lẽ họ cũng buồn bã khi chứng kiến hàng người kéo nhau vui vầy trong ngày Tết nhưng không ít người lại cảm thấy hạnh phúc vì bản thân mang đến vẻ đẹp cho cộng đồng.

Những nữ giáo viên bận rộn với công việc cũng chấp nhận đón Tết tại trường, đặc biệt là các cô giáo đang công tác trên vùng cao. Cô Lánh Thị Hằng, quê huyện Hà Quảng, Cao Bằng phải đi hơn 300km nếu muốn về quê đón Tết cùng bố mẹ, chồng con. Cô lựa chọn ở lại trường để đón Tết cùng các học sinh không về được nhà. “Lúc đầu nghĩ đến không về Tết chỉ khóc vì nhớ nhà và tủi thân. Nhưng vì trách nhiệm phòng chống dịch, sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội nên cũng dần nguôi ngoai và đỡ buồn” – một nữ giáo viên đã rơi nước mắt khi từ bỏ việc sum vầy cùng gia đình.

Họ là những câu chuyện nhỏ đại diện cho hình ảnh của nhiều người phụ nữ khác ở Việt Nam trong Tết Tân Sửu. Mỗi lời tâm sự đều mang lắng đọng lại sự buồn bã, hy vọng và hạnh phúc.