Nếu trong trường hợp chẳng may bạn bị dương tính với Covid-19 thì không nên hoảng loạn. Trong đó, điều cần chú ý, với những ca bệnh diễn tiến nặng sẽ được cấp cứu tại chỗ và chuyển đến bệnh viện phù hợp. Với những F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ được đưa đến các bệnh viện dã chiến để cách ly và điều trị.
Đi cách ly, bệnh nhân nhiễm Covid-19 cần mang theo những gì?
Bệnh viện dã chiến số 4 ở TP.HCM được tận dụng từ khu tái định cư Vĩnh Lộc B – Bình Chánh. Do nơi đây đã bỏ trống khá lâu, nay mới được trưng dụng nên vấn đề xuất hiện một số thiếu sót, hạn chế là điều khó lòng tránh khỏi. Vậy nên, khi đến các bệnh viện dã chiến, các bệnh nhân nhiễm Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên chủ động những thứ sau để thuận tiện cho việc sinh hoạt.
Nước uống: Nên đem theo bình nước uống từ 1,5 – 5 lít/người. Mục đích nếu trong trường hợp bất ngờ di chuyển vào bệnh viện dã chiến trong đêm, khi các lực lượng chuyên trách chưa chuẩn bị kịp thì chúng ta có thể lo cho chính mình. Lúc nhiễm Covid-19, các bệnh nhân cần thiết phải uống nhiều nước.
Thức ăn (lương khô, mì gói, cháo gói, miến gói, đồ đóng gói…) và ấm đun sôi. Chúng ta cần chuẩn bị các vật dụng này bởi trong một ngày, bệnh viện dã chiến có thể đón nhận hàng ngàn bệnh nhân mắc Covid-19. Vậy nên sự sơ suất trong khâu phân chia suất ăn có thể xảy ra. Mặc dù bệnh viện sẽ cố gắng cung cấp đủ suất ăn nhưng chúng ta cũng phải chờ thêm thời gian. Vậy nên, hãy chuẩn bị sẵn thức ăn để chống đói.
Đồ dùng cá nhân và xà phòng cục: Ngoài các vật dụng vệ sinh thường gặp, các F0 cũng nên mang theo xà phòng cục để rửa tay thường xuyên trong suốt 21 ngày cách ly điều trị hoặc hơn.
Áo quần, chăn màn: Mang vừa đủ để dùng bởi có thể giặt giũ mỗi ngày.
Trên đây là một số vật dụng cơ bản các bệnh nhân nhiễm Covid-19 dạng nhẹ hoặc không có triệu chứng có thể chuẩn bị khi vào bệnh viện dã chiến. Sau 1-2 ngày ổn định nơi ở, nếu thiếu bất kỳ thứ gì chúng ta có thể nhờ người nhà chuyển vào trong.
Bệnh nhân Covid-19 triệu chứng nhẹ chăm sóc sức khỏe bản thân
Theo tờ Pháp luật và Bạn đọc, khi đưa các ca F0 vào bệnh viện dã chiến, đội ngũ y bác sĩ sẽ tiến hành thăm hỏi và video call để khám bệnh online và từ đây họ sẽ đánh giá tình hình. Nếu sức khỏe của các bệnh nhân nhiễm Covid-19 diễn biến nặng thì các bác sĩ có mặt thăm khám trực tiếp và xử lý tình huống. Được biết, tại các bệnh viện này không chỉ có bệnh nhân nhẹ mà có khả năng sẽ xuất hiện các ca bệnh bất ngờ chuyển biến xấu. Vậy nên, đội ngũ y bác sĩ phải căng mình để điều trị cho những trường hợp ưu tiên kể trên.
Trong điều kiện số ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng trong thời gian gần đây tại TP.HCM đặt lên áp lực không hề nhỏ cho đội ngũ y bác sĩ trong công tác chữa trị. Vậy nên, các bệnh nhân cần cố gắng chăm sóc và bảo vệ bản thân mình trong bệnh viện dã chiến. Trong đó, các bệnh nhân phải ghi nhớ tuyệt đối hạn chế tiếp xúc gần với các bệnh nhân khác dù chung phòng.
Bên cạnh đó, các bệnh nhân nhiễm Covid-19 cần vệ sinh cá nhân tốt, súc họng thường xuyên, cung cấp dinh dưỡng tốt, ngủ đủ giấc, tâm lý thỏa mái hạn chế stress và có thể tập thể dụng nhẹ. Ngoài ra, các F0 cũng cần theo dõi nhiệt độ cơ thể mình (>38 độ là sốt). Trong trường hợp bạn bị đau nhức cơ, đau đầu nhiều, đau họng, chảy mũi, buồn nôn, tiêu chảy… cần báo ngay đến nhân viên y tế để được hỗ trợ.
Những dấu hiệu cần đặc biệt chú ý vì nó cảnh báo bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nặng
Khi các bệnh nhân Covid-19 nhận thấy các dấu hiệu sau đây cần báo gấp cho nhân viên y tế:
– Thở nhanh.
– Cảm giác khó thở.
– Đau tức ngực.
– Nhìn thấy da niêm nhợt nhạt hơn so với bình thường.
Lưu ý, trên những bệnh nhân có cơ địa béo phì, người lớn tuổi (>65 tuổi), có bệnh nền: cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch… thì cần để ý sát hơn.
Khi tiếp nhận thông tin, các nhân viên y tế sẽ đánh giá tình trạng “thiếu oxy” hay không bằng cách đo SpO2. Nếu chỉ số dưới 93% thì có thể hiểu phổi của bệnh nhân nhiễm Covid-19 bị tổn thương, cần được hỗ trợ thở oxy qua mũi hoặc mask, hoặc cho thở oxy với áp lực dương và chuyển viện lên tuyến trên để được điều trị tiếp.
Theo BS.CK1 Nguyễn Cát Phương Vũ – Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM); BSCK1 Tống Hồ Tứ Phương, Khoa Tai Mũi Họng Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố.