“Yêu” quá dày nên “yếu”, khó có con?

0
348

Người ta bảo rằng do vợ chồng tôi còn trẻ, mới cưới, quan hệ quá thường xuyên nên tinh dịch của tôi bị loãng, không có con được…

Bạn đọc Tr.Th.N. (27 tuổi, quận Thủ Đức, TP HCM) hỏi: 

Chúng tôi lấy nhau hơn 1 năm mà không có con. Tháng trước vợ tôi có đi khám và kết quả cho thấy cô ấy bình thường, vậy chắc hẳn nguyên nhân là do tôi? Một người thân trong gia đình bảo là do hai vợ chồng trẻ quan hệ quá thường xuyên (1-2 ngày quan hệ 1 lần) nên tinh dịch bị loãng, ít tinh trùng và khuyên tôi nhịn quan hệ 1-2 tuần rồi mới quan hệ 1 lần. Tôi có thử làm nhưng vẫn không có tin vui.

Có thật việc quan hệ nhiều khiến tôi “yếu” không, hay vì lý do gì khiến tôi vô sinh? Vợ tôi bằng tuổi tôi.

Ảnh minh họa

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, trả lời:

Vợ chồng bạn trong độ tuổi sinh đẻ (27), không áp dụng biện pháp tránh thai nào mà hơn 1 năm vẫn chưa có con thì được chẩn đoán là vô sinh nguyên phát, cần phải đi khám để tìm nguyên nhân và điều trị. Việc khám, xét nghiệm cần thực hiện trên cả 2 người và phải được thực hiện tại các cơ sở y tế có chuyên khoa vô sinh hiếm muộn với các xét nghiệm chuyên biệt dành cho nam và nữ.

Việc vợ bạn “âm thầm đi khám” và kết quả là “bình thường” thì chưa chắc đúng, do vậy bạn không thể kết luận nguyên nhân là do chính mình khi chưa được khám lâm sàng và làm xét nghiệm. Có những trường hợp 2 người đều “bình thường” nhưng vẫn không có con. Các thống kê nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn cho thấy khoảng 40% là do chồng, 40% do vợ, 10-15% do cả hai và 5-10% không rõ nguyên nhân.

Quan niệm cho rằng quan hệ tình dục nhiều làm tinh dịch bị loãng (ít tinh trùng) nên khó có con chỉ là suy diễn chủ quan, không có căn cứ khoa học.

Nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới chủ yếu là các bệnh lý ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của tinh hoàn khiến tinh trùng không đủ về số lượng và kém về chất lượng (di động kém, hình dạng bất thường…). Các bệnh có thể là bẩm sinh (dị tật bộ phận sinh dục, bệnh lý di truyền) hoặc do mắc phải (viêm tinh hoàn, chấn thương vùng sinh dục, giãn tĩnh mạch thừng tinh …). Ngoài ra, còn có rất nhiều yếu tố bệnh lý toàn thân hoặc do môi trường khác có thể ảnh hưởng đến chất lượng của tinh trùng như tình trạng nghiện rượu, thuốc lá, bệnh tiểu đường, thiếu máu, nhiễm độc hóa chất, tia xạ, stress, làm việc thường xuyên gần các nguồn nhiệt cao…

Vì vậy, việc bạn nên làm là cùng vợ đi khám để xác định rõ hơn nguyên nhân và có hướng can thiệp phù hợp, không tự tiện áp dụng những quan niệm mà mình chỉ “nghe nói”. Việc khám và điều trị vô sinh – hiếm muộn luôn cần có cả hai vợ chồng để có kết quả tốt nhất.