OPEC+ kéo dài thời hạn cắt giảm sản lượng nhưng chỉ thêm 1 tháng thay vì 2 tháng như dự đoán đã kiềm chế giá dầu tăng. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc hồi phục tích cực tiếp tục hậu thuẫn giá các mặt hàng kim loại công nghiệp.
Giá dầu tăng trong phiên giao dịch vừa qua, có lúc chạm ngưỡng 40 USD/thùng – cao nhất kể từ tháng 3/2020, nhưng kết thúc phiên vẫn dưới ngưỡng 40 USD/thùng do thị trường dấy lên nghi ngờ về thời gian và quy mô cắt giảm sản lượng của OPEC và các đồng minh.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent kỳ hạn tháng 8 tăng 22 US cent, tương đương 0,6%, lên 39,79 USD/thùng, trong phiên có thời điểm đạt 40,53 USD, mức cao nhất kể từ 6/3/2020; dầu Tây Texas (WTI) kỳ hạn tháng 7/2020 tăng 48 US cent lên 37,29 USD/thùng.
Thông tin tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần vừa qua giảm hỗ trợ xu hướng giá tăng, song tồn trữ sản phẩm dầu lọc của nước này tăng hạn chế đà đi lên của mặt hàng này.
Saudi Arabia và Nga đã nhất trí kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm một tháng (ít hơn 1 tháng so với dự đoán của thị trường), nhưng không thể tiến hành cuộc họp về chính sách vào ngày hôm nay, 4/5, thay vì tháng 6 tới.
Olivier Jakob, nhà phân tích dầu thuộc Petromatrix, cho biết: “Giá đã ổn định trong tuần này vì thông tin cho rằng cuộc họp sẽ diễn ra sớm hơn”, và “Giá không bứt phá trong phiên vừa qua chắc chắn là do những thông tin mới nhất về OPEC.”
Thép cao nhất 9 năm
Giá thép cây tại Trung Quốc vừa lập kỷ lục cao nhất trong vòng hơn 9 năm do nhu cầu mạnh và tồn trữ trong nước giảm.
Thép cây kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn Thượng Hải phiên vừa qua có thời điểm tăng 1,5% lên 3.663 CNY (515,33 USD)/tấn, cao nhất kể từ tháng 2/2011, trước khi kết thúc ở mức tăng 0,7%.
Tồn trữ thép cây tại Trung Quốc đã giảm khoảng 40% kể từ giữa tháng 3/2020, cho thấy nhu cầu hồi phục tốt sau khi chính sách cách ly chống dịch Covid-19 được dỡ bỏ. Hoạt động xây dựng là chỉ báo về sự hồi phục của nền kinh tế này.
Nhà phân tích Hui Heng Tan của Marex Spectron ở Singapore cho biết: “Chúng tôi tiếp tục lạc quan về triển vọng nhu cầu trong ngắn hạn” và cho rằng nhu cầu thép giao ngay tại trung Quốc dự báo sẽ tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, thép cuộn cán nóng tại Trung Quốc giảm 1% trong phiên vừa qua, sau 4 phiên tăng liên tiếp, và thép không gỉ vững ở mức như phiên liền trước.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 0,4% trong phiên vừa qua do triển vọng nhu cầu tốt và lo ngại về nguồn cung ở Brazil.
Vàng giảm trên 2% khi kinh tế thế giới dần hồi phục
Giá vàng giảm hơn 2% trong phiên giao dịch vừa qua khi nhà đầu tư lại tìm tới những tài sản có độ rủi ro cao với hy vọng kinh tế thế giới sẽ hồi phục nhanh trở lại sau giai đoạn suy thoái do Covid-19.
Cuối phiên giao dịch, vàng giao ngay giảm 1,6% xuống 1.699,37 USD/ounce, trước đó trong cùng phiên có lúc giá chạm mức thấp nhất trong vòng gần 1 tháng là 1.688,89 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 8/2020 giảm 1,75% xuống 1.703,50 USD/ounce.
Phil Streible, chiến lược gia thị trường của Blue Line Futures tại Chicago, cho hay: “Xuất hiện tâm lý ưa mạo hiểm vào lúc này… thị trường chứng khoán Mỹ đang tăng mạnh”.
Dữ liệu từ Mỹ cho thấy nền kinh tế đang hồi phục dần, như: Số người mất việc giảm khi các doanh nghiệp mở cửa trở lại; số liệu từ Viện Quản lý nguồn cung cho thấy hoạt động của ngành dịch vụ Mỹ đã chạm đáy 11 năm vào tháng 5 vừa qua…
Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản vẫn có lợi cho giá vàng, như lãi suất thấp và các chương trình nới lỏng định lượng tiếp tục được duy trì, cho thấy trong dài hạn giá vàng vẫn có khả năng tăng.
Đồng cao nhất kể từ tháng 3 do nhu cầu của Trung Quốc hồi phục
Giá đồng trong phiên vừa qua đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2020 bởi triển vọng nhu cầu tăng từ Trung Quốc – nước tiêu thụ đồng hàng đầu thế giới – sau khi dữ liệu cho thấy lĩnh vực dịch vụ đang tăng mạnh mẽ trở lại.
Trên sàn London, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trong phiên vừa qua có thời điểm đạt 5.549,5 USD/tấn, cao nhất kể từ 13/3/2020. Tuy nhiên, về cuối phiên, giá giảm trở lại, kết thúc ở mức 5.118 USD/tấn (giảm 0,2%).
Giá đồng hiện đã cao hơn khoảng 26% so với mức thấp hồi tháng 3 vừa qua, được thúc đẩy bởi tiêu thụ tăng cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng và xây dựng của Trung Quốc, cùng với tiến trình hồi phục kinh tế toàn cầu khi các nước mở cửa trở lại.
“Nhu cầu đồng của Trung Quốc 2 tháng qua rất vững”, nhà phân tích Tim Wood-Dow của BMO Capital Market cho biết.
Đường thô cao nhất 2,5 tháng
Giá đường thô trên sàn New York đã lập kỷ lục cao nhất hai tháng rưỡi trong phiên vừa qua, được kích thích bởi thị trường chứng khoán thế giới bật tăng và đồng real Brazil tăng giá.
Đường thô kỳ hạn tháng 7/2020 tăng 0,4 US cent, tương đương 3,6%, lên 11,62 US cent/lb, cao nhất kể từ 13/3/2020. Đường trắng kỳ hạn tháng 8 trên sàn London tăng 5,6 USD (1,5%) lên 375,6 USD/tấn.
Các nhà đầu tư đường cho biết triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực đã thúc đẩy các quỹ mua đường vào.
Tuy nhiên, sản lượng tăng ở khu Trung Nam Brazil và sản lượng của Ấn Độ hồi phục đã hạn chế xu hướng giá tăng. FCStone dự báo cán cân cung – cầu đường sẽ chuyển từ thiếu hụt sang dư thừa.
Cà phê tăng
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 0,9 US cent (0,9%) lên 99,1 US cent/lb giữa bối cảnh sản lượng của Brazil năm nay dự kiến sẽ tiếp tục ở mức cao như năm ngoái. Robusta kỳ hạn tháng 7 cũng tăng 23 USD (2%) lên 1.202 USD/tấn.
Đậu tương tăng do xuất khẩu tốt
Giá đậu tương Mỹ tiếp tục tăng trong phiên vừa qua, lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần, do nhu cầu xuất khẩu mới sang Trung Quốc – thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới.
Đậu tương kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn Chicago trong phiên có thời điểm đạt 8,58 USD/bushel, và kết thúc ở mức 8,57-1/2 USD (giảm 7 US cent).
Bộ Nông nghiệp Mỹ xác nhận có 186.000 tấn đậu tương đã được bán cho khách hàng chưa xác định, và các nhà phân tích cho rằng rất có khả năng đó là các khách hàng Trung Quốc. Tình hình xuất khẩu đậu tương Mỹ vẫn suôn sẻ đã làm giảm bớt những lo ngại về việc nhu cầu đối với hàng xuất khẩu bị bế tắc sau khi Bắc Kinh thông báo tạm dừng mua một số nông sản Mỹ do bất đồng giữa 2 bên liên quan đến đặc khu hành chính Hongkong.
Thị trường tiền tệ cũng đang hậu thuẫn cho đậu tương Mỹ, khi giá trị đồng real Brazil tăng trở lại sau giai đoạn giảm kéo dài, giúp cho hàng hóa Mỹ tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Than tăng
Giá than sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện tại Trung Quốc tăng trong tuần vừa qua. Cụ thể, chỉ số giá than tại Vịnh Bột Hải (BSPI) – chỉ số giá than ở các cảng chính thuộc miền Bắc Trung Quốc – hiện ở mức 531 CNY (khoảng 74,7 USD)/tấn trong ngày 3/6/2020, tăng 1 CNY so với tuần trước.
Lượng than lưu kho ở các cảng Vịnh Bột Hải đã giảm mạnh.
Cao su lập “đỉnh” 2,5 tháng
Giá cao su trên sàn Tokyo tiếp tục đi lên trong phiên vừa qua, đạt mức cao nhất hai tháng rưỡi do nhà đầu tư lạc quan về triển vọng kinh tế thế giới hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Kết thúc phiên giao dịch vừa qua, hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2020 tăng 1,7 JPY (1,1%) lên 157 JPY/kg, mức cao nhất kể từ 18/3/2020.
Một trong những tín hiệu mới nhất về sự hồi phục kinh tế là lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc đã trở lại tăng trưởng trong tháng 5/2020, lần tăng đầu tiên kể từ tháng 1/2020.
Hạt tiêu giảm khỏi mức cao nhất 1 năm
Thị trường hạt tiêu thế giới đang trải qua những ngày biến động nhanh. Trên sàn Kochi (Ấn Độ), giá tiêu đen hiện ở mức 33.050 rupee/100 kg, trong khi đó trên sàn SMX (Singapore), giá ở mức 6.500 USD/tấn. Tại Việt Nam, cách đây một tuần giá tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 năm, khoảng 57.000 – 60.000 đồng/kg, nhưng sau đó giảm nhẹ trở về mức khoảng 53.000 – 54.000 đồng hiện nay.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 4/6
Theo: Trí Thức Trẻ