Người máy…máy người: Làm việc trong kỷ nguyên số cần trang bị những kỹ năng nào?

Trong vài năm trở lại đây, cán cân lao động giữa “máy móc và con người” đã có sự thay đổi đáng kể, nhất là khi dịch Covid-19 xảy ra. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số, chúng ta cần chuẩn bị gì để sẵn sàng thích ứng với môi trường đầy cạnh tranh trong tương lai là điều không phải ai cũng biết.

0
201

Trong vài năm trở lại đây, cán cân lao động giữa “máy móc và con người” đã có sự thay đổi đáng kể, nhất là khi dịch Covid-19 xảy ra. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số, chúng ta cần chuẩn bị gì để sẵn sàng thích ứng với môi trường đầy cạnh tranh trong tương lai là điều không phải ai cũng biết.

“Người máy – máy người”

Mới đây, theo thông tin từ trang AFP, hàng nghìn người đang tiêm vi mạch cho mình để có thể thực hiện mọi thứ từ mở khóa, thanh toán, đến các thông tin về chứng chỉ tiêm vắc xin. Được biết, họ sử dụng các vi mạch hay con chip có kích thước bằng một hạt gạo, được chèn dưới da, nhận dạng bằng tần số của sóng vô tuyến (RFID).

Patrick Kramer, giám đốc một công ty chuyên lĩnh vực bẻ khóa sinh học ở Đức đang quét chip để mở cửa. Ảnh: AFP

Được biết, công nghệ RFID đã tồn tại nhiều thập kỷ và trở nên phổ biến trên thị trường, đặc biệt ở Thụy Điển. Đại dịch làm tăng khả năng tương tác với công nghệ hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, nhiều người càng thích biến cơ thể mình thành máy móc.

Ở một khía cạnh khác, sự ra đời của các robot hình người thông minh được mô tả trong các bộ phim khoa học viễn tưởng không còn là câu chuyện của tương lai xa xôi mà ngày càng hiện hữu. Robot hay trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ đảm nhận các công việc khó mà nó đang dần ”lấn sân” lĩnh vực nghệ thuật – vốn là “lãnh địa” của con người trước đây. Nhiều robot có thể sáng tác nhạc, vẽ tranh, đóng phim…, thu hút sự chú ý trên thế giới.

Mới đây, Sophia – robot đầu tiên trên thế giới được cấp quyền công dân ở Ả Rập Saudi làm nhiều người bất ngờ khi cho biết bản thân muốn làm nhạc sĩ. Theo thông tin từ AP, cô nàng đang soạn một số tác phẩm âm nhạc trong dự án mang tên Sophia Pop. Theo đó, robot sẽ hợp tác với các nhạc công để sáng tác nhạc và viết lời bài hát. 

Cận cảnh gương mặt robot Sophia. Ảnh: Hanson Robotics.

Nổi tiếng không kém Sophia là Ai-Da, robot đầu tiên trên thế giới có thể vẽ trực tiếp những gì cô quan sát thấy với một cây bút chì trong tay. Năm 2019, robot Ai-Da tổ chức triển lãm nghệ thuật đầu tiên mang tên Unsecured Futures (tạm dịch: Tương lai bất định). 

Ai-Da và chân dung tự họa. Ảnh: PA.

Cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, có thể nói chúng ta đang sống trong thời kỳ có sự chuyển đổi mạnh mẽ về cách thức làm việc. Không chỉ vấn đề tự động hóa thay thế nhiều công việc của con người, mà thậm chí chúng ta hoàn toàn có nguy cơ thất nghiệp nếu như không có sự thích ứng với thời cuộc. Theo một khảo sát từ PwC, có 60% người lao động cho rằng tự động hóa sẽ khiến công việc của họ bị đe dọa trong tương lai. 40% còn lại cho rằng họ đã đang cải thiện các kỹ năng số và sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. 

Gen Z nên trang bị kỹ năng nào?

Gen Z (Generation Z – thế hệ Z) là cụm từ để nói đến nhóm người được sinh trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến 2012. Đây là thế hệ đầu tiên được tiếp xúc với Internet và các thiết bị kỹ thuật số từ nhỏ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, Gen Z (từ 15-24 tuổi) vào năm 2019 khoảng 13 triệu người. Và đến năm 2025, họ sẽ chiếm khoảng 1/3 lực lượng trong độ tuổi lao động ở nước ta. Câu hỏi đặt ra lúc này là bối cảnh mới, cách thức làm việc mới, “đối thủ” cạnh tranh mới, vậy các bạn trẻ cần chuẩn bị gì để thích nghi với thời cuộc là vấn đề được nhiều người quan tâm. 

Gen Z là thế hệ quen thuộc với công nghệ, ưa thích sử dụng công nghệ trong học tập. Ảnh: Pexels.

Trong cuộc cách mạng 4.0 như hiện tại, không ai dám chắc một vị trí công việc nào đấy sẽ tồn tại mãi mãi mà không bị thay thế. Ví dụ nếu như trước đây, nghề xe ôm truyền thống, chụp ảnh dạo, viết thư thuê… là những ngành nghề ăn nên làm ra. Thế nhưng trước làn sóng công nghệ, những nghề nghiệp này buộc phải rút lui hậu trường nhường chỗ cho các tân binh nếu như người làm nghề không có sự thay đổi để thích nghi với thời cuộc.

Chính vì vậy, ở môi trường làm việc năng động mới, Gen Z cần sự linh hoạt, sẵn sàng học hỏi các kỹ năng mới để thích nghi với thời cuộc. Theo lời khuyên của một số chuyên gia, bên cạnh việc học tập từ kho tài liệu khổng lồ là Internet thì việc đăng ký tham gia các khoa học thực tế, thực tập, làm việc tại các công ty cũng là các gợi ý hay ho.

Tự động hóa mặc dù có khả năng đe dọa tới nguồn việc làm của nhiều lao động phổ thông nhưng nó cũng góp phần mở ra nhiều ngành nghề, công việc mới. Vấn đề lúc này đó chính là việc chúng ta cần “nâng cấp” bản thân để phù hợp và thích nghi với sự thay đổi ấy. Việc kết hợp công nghệ, con người hoàn toàn có thể nâng cao hiệu suất, hiệu quả công việc.

Theo các chuyên gia, xu hướng toàn cầu hóa, đặc biệt là hậu đại dịch Covid-19 sẽ mở ra nhiều cơ hội trong vấn đề việc làm. Bạn hoàn toàn có thể làm việc ngay tại nhà mà không hề làm giảm năng suất lao động, khách hàng của bạn có thể là các công ty trong nước hoặc nước ngoài. Để đón nhận cơ hội này, bên cạnh vấn đề chuyên môn thì yếu tố ngoại ngữ, khả năng thích nghi và sáng tạo chính là chìa khoá để hòa nhập vào kỷ nguyên số. 

Có thể nói, kỷ nguyên số vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với nhiều người bởi ngoài kiến thức chuyên ngành cần trang bị nhiều kỹ năng khác, đồng thời phải chủ động tích lũy tri thức, làm chủ công nghệ, cập nhật kịp thời những ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật mới nhất để có thể cạnh tranh việc làm. Còn bạn, bạn thấy như thế nào về các nhận định trên, hãy chia sẻ cùng chúng tôi nhé!

Nguồn: Tổng hợp