Phụ nữ và Công nghệ thông tin: Đừng để định kiến tước đi cơ hội nghề nghiệp

Công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những ngành nghề vô cùng “hot” không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai, nhất là khi cách mạng 4.0 đang diễn ra rất mạnh mẽ. Chính vì vậy, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này càng ngày càng trở nên cấp thiết. Thế nhưng, đôi lúc chính những định kiến về nghề, về giới lại cản trở ước mơ của không ít cô gái.

0
201

Công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những ngành nghề vô cùng “hot” không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai, nhất là khi cách mạng 4.0 đang diễn ra rất mạnh mẽ. Chính vì vậy, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này càng ngày càng trở nên cấp thiết. Thế nhưng, đôi lúc chính những định kiến về nghề, về giới lại cản trở ước mơ của không ít cô gái.

Phụ nữ làm lập trình viên, tại sao không?

Trần Thị Phương Loan hiện đang làm tại một công ty game ở TP.HCM. Nói về lĩnh vực mình phụ trách, Loan chia sẻ: “Mình phụ trách phần đấu nối, tạo tài khoản, nạp tiền và các phần việc liên quan. Trong đó, mấu chốt là viết các phần mềm, ứng dụng, code website…đảm bảo mọi thứ thông suốt, theo đúng yêu cầu. Đây là những hạng mục khó, bởi sai một đi sẽ đi một dặm. Nhưng bù lại, tiền lương mình khá cao so với mặt bằng chung. Ngoài ra, mình còn nhận thêm việc code các dự án bên ngoài nên thu nhập rất ổn”.

Nghề nghiệp tưởng chừng chỉ dành cho cánh đàn ông nhưng trên thực tế đã có nhiều chị em phụ nữ Việt Nam gắn bó và thành công với nó rồi đấy! (Ảnh: CafeF)

Trong trung tâm kỹ thuật nơi Loan đang làm việc, số lượng nữ giới không nhiều. Thế nhưng, không hề thua kém phái mạnh, họ khẳng định tài năng và được giao nhiều hạng mục quan trọng. “Lập trình viên là một nghề đôi có vẻ như khô, khó. Thế nhưng, khi yêu rồi bạn sẽ thấy nó thú vị đến dường nào. Với sự cẩn thận, tỉ mỉ, nữ giới khi làm trong lĩnh vực này thường có những điểm cộng rất riêng. Thu nhập nghề này cũng khá cao, không bao giờ lo thiếu việc làm nếu như bạn giỏi”, Loan chia sẻ.

Thuật ngữ coder thường dùng để gọi những người làm công tác lập trình công nghệ thông tin. Họ chủ yếu viết ra các chương trình, ứng dụng, các website…trên nhiều nền tảng công nghệ khác nhau. Ngoài lập trình, ngành CNTT còn có vô số vị trí khác nhau nhằm tạo ra sản phẩm, tìm thị trường, nhân rộng mô hình. Thị trường lao động cũng rộng mở với nhiều cơ hội làm việc. 

Cư dân mạng từng xôn xao trước thông tin một cô gái sinh năm 1992 tại Cầu Giấy, Hà Nội có thu nhập 330 tỷ đồng/năm nhờ viết phần mềm cho Google Play và App Store . (Ảnh: Chụp màn hình)

Mặc dù là một ngành nghề “hot”, nhưng tỉ lệ lựa phái nữ chọn ngành nghề này không nhiều. Theo một số thống kê, trong những năm gần đây, tỷ lệ nữ giới làm việc trong ngành Công nghệ thông tin có xu hướng tăng, nhưng không đáng kể. Cụ thể, phái nữ chỉ chiếm dưới 20% nhân sự. Với riêng với nhóm lập trình, con số này chỉ là 6-7%. 

Đừng để định kiến về giới trở thành rào cản

Có kinh nghiệm 6 năm làm việc trong ngành công nghệ và khởi nghiệp, Nguyễn Huyền My, 26 tuổi, nhà đồng sáng lập dự án xã hội SheCodes Vietnam, cũng không ít lần đối mặt với định kiến con gái không thể hoặc không nên học Công nghệ thông tin.

Huyền My từng học kinh tế nhưng lại đam mê và quyết định theo đuổi lĩnh vực công nghệ. (Ảnh: H.M)

Công nghệ thông tin là ngành nghề khó, đòi hỏi sự sáng tạo, tư duy logic. Theo các nhà khoa học, cánh mày râu có lợi thế hơn vì họ có xu hướng phát triển tư duy bộ não tốt hơn. Bằng kinh nghiệm thực tế bản thân, Huyền My tin tưởng rằng, tư duy logic hoàn toàn có thể luyện tập được. Vậy nên, việc chọn ngành nghề này không hoàn toàn phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính mà mấu chốt là ở bản thân mỗi người. Bởi trên thực tế, có rất nhiều người nắm giữ vai trò trọng yếu trong các công ty công nghệ là nữ giới.

Nguyễn Huyền My cũng cho rằng, rào cản lớn nhất để các bạn nữ theo đuổi ngành nghề này đó chính là nỗi sợ hãi. “18-25 tuổi là thời điểm rất nhiều các bạn nữ định hướng nghề nghiệp, học tập, tạo dựng mạng lưới, tư duy và thành công. Nhưng vì những điều các bạn luôn được nhắc nhở từ rất sớm mà quên đi câu chuyện sống đúng bản thân mình, thử thách và phát triển dù có năng lực và tiềm năng rất lớn”, Huyền My chia sẻ trên tờ ZingNews.

Huyền My tin tưởng nhiều bạn nữ đam mê công nghệ và có đủ năng lực để theo đuổi ngành này. (Ảnh: H.M)

Việc thiếu cơ hội tiếp xúc với ngành, tâm lý từ nhà tuyển dụng cho rằng phái nữ có nhiều mối bận tâm….cũng là một trong những “rào cản” khi phái nữ đến với ngành Công nghệ thông tin. Thế nhưng trên thực tế, phụ nữ khi làm coder lại có những ưu điểm rất riêng.

“Khả năng lãnh đạo sẽ tuyệt vời hơn nữa khi phái nữ kết hợp được thế mạnh nữ tính, mềm mỏng của mình cùng xu hướng quyết liệt, mạnh mẽ của nam giới để phát triển sản phẩm nhanh chóng và đạt được những bước đi vững chắc”, Huyền My chia sẻ với nguồn tin kể trên.

Dám đam mê, dám dấn thân

Từ lâu, định kiến phụ nữ không phù hợp với ngành CNTT đã ăn sâu vào suy nghĩ nhiều người. Theo số liệu từ tập đoàn PWC tại Anh, chỉ 3% phụ nữ nói rằng IT là lựa chọn đầu tiên của họ. Trong khi đó, cũng có gần 80% sinh viên không thể nêu tên một phụ nữ nổi bật trong lĩnh vực CNTT và đáng buồn thay, chỉ 5% phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo trong ngành.

Samaira Mehta – Nữ coder nhí 10 tuổi sở hữu công ty riêng, nhận được lời mời làm việc của Google.

Trên thực tế, trong suốt giai đoạn thế chiến cho đến thập niên 80, phụ nữ chiếm phần lớn số lượng lao động trong ngành lập trình. Tỷ lệ này giảm dần cho đến đầu thập niên 90s. 

Hiện tại, theo báo cáo mới nhất, 30,9% tổng lực lượng lao động ở Google là phụ nữ, trong đó 21,9% giữ các vị trí công nghệ và 25,5% là lãnh đạo công ty. Còn lại với Facebook, tỉ lệ nữ giới chiếm 36% nhân sự toàn cầu, trong đó 22% giữ vai trò kỹ thuật và 30% giữ vai trò lãnh đạo. Con số của Twitter cũng tương tự, với 38% phụ nữ nói chung, 17% làm công việc kỹ thuật và 33% giữ vị trí lãnh đạo. 

Bà Mayer bắt đầu làm việc ở Google năm 1999 với tư cách nhân viên thứ 20 và là nữ lập trình viên đầu tiên. Cô mau chóng chứng tỏ được năng lực và được giao phụ trách mảng tìm kiếm.

Trong số đó, không thiếu những nữ lập trình viên giỏi giang. Marissa Mayer là một trong 20 kỹ sư đầu tiên ở Google trước khi trở thành nữ tướng của Yahoo từ năm 2012 – 2017. Jade Raymond, người phụ nữ đứng đầu bộ phận Google Stadia, từng có nhiều năm lập trình cho các dự án Sony Online. 

Có thể nói, lực lượng nữ giới làm việc trong ngành Công nghệ thông tin đã có sự tăng nhẹ. UX, UI Design; Nhà phát triển Front-end; Tester; .. những vị trí có thể giúp phụ nữ sử dụng hết năng lực của mình để tỏa sáng và phát triển. Nếu bạn có đam mê thì ngại gì không dấn thân vào lĩnh vực này!

Ngày 20/11 tới đây, diễn đàn Giới trẻ: Gỡ bỏ Định kiến – Khai phá Tiềm năng sẽ được tổ chức trực tuyến. Sự kiện này quy tụ nhiều diễn giả như Huyền My (Đồng sáng lập cộng đồng SheCodes Vietnam), Hương Đặng (Nhà sáng lập và điều hành Hopebox); Mandy Nguyễn (Giám đốc vận hành startup Vietnam Foundation)…