Dù học chưa hết lớp 3 nhưng bà Trần Thị Thủy (sinh năm 1958 ở huyện Lạng Giang, Bắc Giang) khiến nhiều người nể phục khi một mình chèo lái doanh nghiệp phát triển ổn định trong suốt 20 năm qua. Câu chuyện về bà đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người về tinh thần khởi nghiệp và tấm lòng sẻ chia.
“Nữ đại gia chất đất”
Nhiều người ví cuộc đời của bà Trần Thị Thủy tựa như một cuốn phim với bao thăng trầm, biến cố mà không phải ai cũng có cơ hội trải qua. 13 tuổi bà đã đi lấy chồng. Thế nhưng, cuộc sống vô cùng khó khăn đối với nàng dâu trẻ tuổi này. Không có cơm ăn, hằng ngày bà phải đi mò cua bắt ốc để qua ngày qua tháng. Thậm chí, dù mang thai bà cũng chẳng hề nghỉ ngơi mà làm việc không ngơi tay. Vì vậy, cả 3 đứa con của người phụ nữ ấy đều đẻ rơi: đứa ở ngoài đường, đứa ở chuồng lợn và đứa ngoài ruộng.
Cuộc sống vốn nhiều khó khăn, đến năm 40 tuổi, Trần Thị Thủy vẫn là người nông dân chân lấm tay bùn. Thế nhưng, dù vất vả đến đâu nhưng người phụ này vẫn luôn giàu lòng thương người. Một lần nọ, bà đã ra tay cứu giúp hai thanh niên người Lạng Sơn gặp nạn. Nhà chẳng còn gì, bà đã mang con gà duy nhất kèm 2 bơ gạo ra đãi khách.
Cảm kích trước tấm lòng của người phụ nữ này, mẹ của hai thanh niên kể trên đã nhận bà Thủy làm con nuôi và mời lên Lạng Sơn chơi. Thấy khoai lang ở đây được giá, bà chính thức chuyển hướng sang làm “con buôn” khi mang nông sản nói trên từ Bắc Giang lên Lạng Sơn bán. Sau một thời gian tích góp bà lời được 1,5 cây vàng.
Và cứ thế, những chuyến hàng buôn của người phụ nữ ấy cứ đi đi về về giữa Bắc Giang và Lạng Sơn. Sau một thời gian bán buôn, đến năm 1990, bà sở hữu trong tay gần 100 triệu đồng. Từ số tiền này, bà quyết định đi mua ô tô để chở hàng. Thế nhưng, vì không rành giá cả, bà Trần Thị Thủy quyết định đến xin quét dọn ở bãi xe để “dò giá”. Lúc này, vì bán ế, ông chủ bảo bà nếu có tiền sẽ bán cho con xe đúng giá gốc 78 triệu. Nghe vậy, bà Thủy chồng đủ số tiền trên và ung dung đưa xe về nhà.
Đến những năm 2000, bà mở công ty sản xuất bình phun thuốc trừ sâu do chồng đứng tên. Thế nhưng, từ đây gia đình lục đục, vợ chồng người phụ nữ này ra tòa ly dị. Đã có thời điểm, “đại gia chân đất” nói trên có ý định quyên sinh. Sau một hồi suy nghĩ, bà quyết định phải sống tốt, gầy dựng sự nghiệp vẻ vang để không ai phải chê trách mình.
44 tuổi, bà Trần Thị Thủy lại khởi nghiệp lần 2. Sau 4 năm tích cóp, đến năm 48 tuổi, người phụ nữ này đã là chủ của một doanh nghiệp có diện tích gần 13.000m2, chuyển sang sản xuất mặt hàng nhựa và làm dịch vụ vận tải quá cảnh.
Mặc dù học chưa hết lớp 3, nhưng các phần mềm văn phòng như Excel, Word… bà đều thành thạo. Thậm chí, người phụ nữ này còn rất giỏi tiếng Trung. Không chỉ vậy, qua sự điều hành của bà Trần Thị Thủy, doanh nghiệp của bà phát triển bền vững.
Khi có tích lũy, bà Thủy đã mua lại Xưởng ép dầu thực vật để thành lập công ty Huyền Yến. Hai doanh nghiệp của bà đã tạo việc làm cho 140 lao động. trong đó có 80 lao động chính thức và 60 lao động thời vụ có thu nhập từ 5,5 đến 9,5 triệu đồng mỗi người/tháng.
Với sự nỗ lực không biết mệt mỏi của mình, doanh nghiệp của bà Trần Thị Bích Thủy luôn nhận được bằng khen về việc đóng thuế. Về hoạt động kinh doanh Công ty cũng đạt Cúp vàng “Doanh nghiệp hội nhập và phát triển” năm 2012 và Cúp vàng “Thương Hiệu” năm 2013.
Người phụ nữ giàu lòng nhân ái
Trong thời gian qua, bà Trần Thị Thủy có rất nhiều hoạt động thiện nguyện hướng đến cộng đồng như trao quà cho người dân bị lũ quét ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang); xây dựng 25 nhà đại đoàn kết, tặng hàng nghìn suất quà cho bà con miền Trung gặp thiên tai; nhận nuôi suốt đời một cựu chiến binh không nơi nương lựa, 1 vợ liệt sĩ cô đơn… Đáng chú ý, mỗi năm công ty luôn trích khoảng 200 triệu đồng lợi nhuận để tặng quà cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh, người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, bà Thủy bỏ 60 tỷ để xây dựng và phát triển trường mầm non cho hơn 50 trẻ em nghèo ở quê là con phụ nữ đơn thân.
Vào tháng 3/2020, bà Trần Thị Thủy đã mua 50 tấn gạo trị giá 600 triệu đồng để tặng Trung đoàn 831 (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang), Bộ Chỉ huy Quân sự Lạng Sơn và Quân Y viện Quân khu III làm nhiệm vụ cách ly phòng chống dịch. Tháng 10/2020 khi miền Trung bị bão lụt bà Thủy cùng một số công ty trên địa bàn quyên góp được 1.400 xuất quà và hơn 3 tấn quần áo vào cứu trợ nhân dân vùng bão lụt ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Lúc dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, bà Thủy còn mua 150.000 khẩu trang tặng một số xã, cơ quan của huyện Lạng Giang, Công an tỉnh hai tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn và Bộ đội biên phòng Lạng Sơn.
Giờ đây, dù đã là đại gia, nhưng bà Trần Thị Thủy vẫn “trung thành” với bộ quần áo nâu, đi chân đất. Được biết, nguyện vọng của bà khi qua đời là sẽ đem toàn bộ tài sản đi làm từ thiện. Có thể nói, câu chuyện của nữ tỷ phú Trần Thị Thủy đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người về việc lập nghiệp. “Đừng bao giờ mất hết hy vọng, hãy luôn cố gắng phấn đấu mỗi ngày và luôn hướng thiện, thành công sẽ theo đuổi bạn”, một độc giả bình luận.
Nguồn: Tổng hợp