Thực trạng chua xót ở Ấn Độ: Bệnh nhân Covid-19 cầm cự tại nhà bằng oxy mua tại “chợ đen” với giá cắt cổ, tán gia bại sản cũng vẫn phải cố

Khi các bệnh viện ở thủ đô New Delhi và nhiều thành phố khác hết giường, người dân Ấn Độ buộc phải tìm cách điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại nhà. Nhiều người đã tìm đến thị trường chợ đen, nơi giá các loại thuốc thiết yếu, bình oxy và máy thở đã tăng "chóng mặt".

0
178

Ngày 26/4, Ấn Độ đã ghi nhận ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới với con số 352.991 ca, đánh dấu ngày thứ 5 liên tiếp quốc gia này phải đối mặt với số lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19 tăng kỷ lục.

Bình oxy giá “cắt cổ” mà còn không có để mua

Anshu Priya không thể tìm được giường bệnh ở New Delhi hoặc vùng ngoại ô Noida cho bố chồng của mình trong khi tình trạng của ông tiếp tục xấu đi từng giờ. Anshu đã dành hầu hết ngày Chủ nhật (25/4) để tìm kiếm một bình oxy duy trì sự sống cho bố nhưng nỗ lực của cô đã trở nên vô ích.

Cuối cùng, Anshu đành phải tìm đến thị trường chợ đen. Cô đã trả một số tiền khổng lồ – 50.000 rupee (tương đương gần 15 triệu đồng) – để mua một bình oxy. Bình thường, giá của nó chỉ khoảng 6.000 rupee (1,8 triệu đồng). Thế nhưng, lo được cho bố chồng rồi thì mẹ chồng của Anshu cũng bắt đầu có dấu hiệu suy hô hấp, khó thở và cô biết mình không thể mua được một bình oxy như thế nữa.

Thực trạng chua xót ở Ấn Độ: Bệnh nhận Covid-19 cầm cự tại nhà bằng oxy mua trên "chợ đen" với giá cắt cổ, tán gia bại sản cũng vẫn phải cố - Ảnh 1.

Đây là một câu chuyện quen thuộc không chỉ ở New Delhi mà còn ở Noida, Lucknow, Allahabad, Indore và rất nhiều thành phố khác của Ấn Độ, nơi các gia đình đang tuyệt vọng tìm cách cứu chữa cho người thân mắc Covid-19. Nhưng hầu hết người dân Ấn Độ không đủ khả năng để mua oxy hay thuốc men từ chợ đen. Đã có một số báo cáo về những người chết trước cửa bệnh viện chỉ vì họ không có đủ tiền để xoay sở theo cách khác.

Phóng viên hãng tin BBC đã liên lạc với một số nhà cung cấp bình oxy và hầu hết họ đều yêu cầu tăng ít nhất 10 lần so với giá bình thường.

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở New Delhi, nơi không còn giường trong các phòng chăm sóc đặc biệt. Gia đình của những người điều kiện hơn một chút thì đang thuê y tá và bác sĩ tư vấn từ xa để giữ cho người thân của họ tiếp tục thở.

Nhưng khó khăn lớn cũng đến từ việc xét nghiệm máu cho đến chụp CT hoặc chụp X-quang.

Các phòng thí nghiệm đang hoạt động hết công suất và phải mất tới 3 ngày mới có kết quả. Điều này khiến các bác sĩ điều trị khó đánh giá mức độ tiến triển của bệnh. Kết quả chụp CT cũng được các bác sĩ sử dụng để đánh giá tình trạng của bệnh nhân nhưng phải mất vài ngày chỉ để… đăng ký lịch hẹn.

Các bác sĩ cho biết, những sự chậm trễ này đang khiến nhiều bệnh nhân gặp nguy hiểm. Các xét nghiệm RT-PCR cũng đang mất nhiều ngày. Một số bệnh nhân nhiễm Covid-19 không được nhập viện vì họ không có giấy xác nhận nhiễm Covid-19.

Giá thuốc tăng vọt, không cẩn thận còn mua phải thuốc “dỏm”

Anh Anuj Tiwari đã thuê một y tá để hỗ trợ điều trị cho anh trai mình tại nhà sau khi anh bị từ chối nhập viện tại nhiều bệnh viện.

Vì muốn cứu anh trai Tiwari đã phải trả một số tiền khổng lồ để mua một máy Oxygen Concentrator (máy tạo oxy – là một thiết bị có chức năng làm giàu oxy từ khí trời, làm đậm đặc và tăng nồng độ oxy, với nồng độ oxy ngõ ra khoảng 90-95%). Bác sĩ cũng yêu cầu anh chuẩn bị sẵn loại thuốc chống virus Remdesivir, loại thuốc đã được cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ở Ấn Độ và đang được các bác sĩ kê đơn rộng rãi. Tuy nhiên, lợi ích của loại thuốc này đến nay vẫn là chủ đề gây tranh cãi trên thế giới.

Thực trạng chua xót ở Ấn Độ: Bệnh nhận Covid-19 cầm cự tại nhà bằng oxy mua trên "chợ đen" với giá cắt cổ, tán gia bại sản cũng vẫn phải cố - Ảnh 3.

Tiwari không thể tìm thấy loại thuốc này trong bất kỳ cửa hàng thuốc nào và cuối cùng anh cũng phải tìm đến chợ đen. Tình trạng của anh trai anh vẫn tiếp tục nguy kịch và bác sĩ điều trị cho biết anh có thể sớm phải đến bệnh viện để tiêm Remdesvir.

“Không có giường. Tôi sẽ làm gì đây? Tôi thậm chí không thể đưa anh ấy đi bất cứ nơi nào nữa vì tôi đã bỏ ra rất nhiều tiền và trong túi chẳng còn bao nhiêu”, anh nói.

Tiwari nói thêm rằng: “Cuộc chiến tuyệt vọng nhằm cứu các bệnh nhân Covid-19 đã chuyển từ bệnh viện về nhà riêng và thách thức vẫn không dễ dàng hơn chút nào khi mà chúng tôi không thể dễ dàng tiếp cận nguồn oxy”.

Remdesivir bị thiếu hụt đến mức các gia đình của bệnh nhân đang điều trị tại nhà phải đổ xô đi mua. Họ muốn có thuốc trong trường hợp bệnh nhân phải nhập viện và có thể cần đến thuốc.

Phóng viên của BBC đã nói chuyện với một số đại lý trên thị trường chợ đen. Họ nói rằng nguồn cung đang khan hiếm và đó là lý do tại sao họ tính giá cao như vậy. Chính phủ đã cho phép 7 công ty sản xuất Remdesvir ở Ấn Độ và họ đã được yêu cầu tăng cường sản xuất. Nhưng thực tế thì một số lời hứa cung cấp đầy đủ thuốc men, thiết bị y tế từ chính phủ đã không cho thấy bất kỳ kết quả nào. Nhà dịch tễ học, Tiến sĩ Lalit Kant, nói rằng quyết định tăng cường sản xuất được đưa ra quá muộn và chính phủ lẽ ra phải chuẩn bị cho làn sóng thứ 2 này.

Ông nói: “Nhưng bằng cách nào đó, loại thuốc này có sẵn trên thị trường chợ đen, do đó, có một số rò rỉ trong hệ thống cung cấp mà các cơ quan quản lý không thể phát hiện ra. Chúng ta chẳng học được gì từ làn sóng đầu tiên”.

Thực trạng chua xót ở Ấn Độ: Bệnh nhận Covid-19 cầm cự tại nhà bằng oxy mua trên "chợ đen" với giá cắt cổ, tán gia bại sản cũng vẫn phải cố - Ảnh 4.

Một loại thuốc khác đang có nhu cầu rất lớn là Tocilizumab. Nó thường được sử dụng để điều trị viêm khớp nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có thể làm giảm nguy cơ tình trạng của bệnh nhân nhiễm Covid-19 diễn biến nặng, cần phải thở máy.

Các bác sĩ đa phần kê đơn thuốc này cho những bệnh nhân bị nặng. Nhưng nó đã biến mất khỏi thị trường. Cipla, công ty nhập khẩu và bán thuốc của Ấn Độ, đã phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Loại thuốc này thường có giá khoảng 32.480 rupee cho một lọ 400mg. Nhưng Kamal Kumar đã trả 250.000 rupee (tương đương 77 triệu đồng) để mua một liều thuốc cho cha mình. Anh nói rằng cái giá phải trả quá đắt nhưng anh không có lựa chọn nào khác.

Chuyên gia sức khỏe cộng đồng Anant Bhan nói rằng chính phủ lẽ ra nên sản xuất loại thuốc này với số lượng lớn vì không nhiều người có thể mua được thuốc ở chợ đen.

“Điều này cho thấy rằng các nhà chức trách đã không có kế hoạch trước. Họ đã không lường trước được làn sóng mới này và lên kế hoạch cẩn thận. Người dân đã bị bỏ rơi, phó mặc cho số phận của họ”.

Hiện nay, thuốc Remdesivir giả cũng đã xuất hiện trên thị trường chợ đen. Khi phóng viên BBC đặt câu hỏi với một đại lý rằng loại thuốc mà anh ta cung cấp có vẻ là giả vì công ty sản xuất nó không nằm trong danh sách các công ty được cấp phép sản xuất ở Ấn Độ, anh ta trả lời rằng đó “100% là thật”.

“Bao bì cũng đầy lỗi chính tả nhưng anh ta nhún vai và yêu cầu tôi đem nó đi thử nghiệm ở bất kỳ phòng thí nghiệm nào. Đến cái tên công ty này cũng chẳng tìm được trên Internet”.

Nhưng đi đến đường cùng rồi nên người dân sẵn sàng mua ngay cả những loại thuốc có vấn đề. Và một số người đã bị lừa. Trên mạng xã hội, người ta liên tục chia sẻ số điện thoại của những nhà cung cấp uy tín có thể cung cấp bất cứ thứ gì từ oxy đến thuốc men. Nhưng không phải tất cả những thông tin này đều được xác minh.

Một nhân viên công nghệ thông tin, người không muốn nêu tên, nói rằng anh ấy rất cần mua một bình oxy và anh đã được Twitter “chỉ đường dẫn lối”. Khi anh liên lạc với người đó, anh ta được yêu cầu đặt cọc 10.000 rupee (hơn 3 triệu đồng) như một khoản thanh toán trước. “Thời điểm tôi gửi tiền xong xuôi, người đó đã chặn số của tôi”, anh nói.

Sự tuyệt vọng đang khiến mọi người tin tưởng vào bất cứ thứ gì trong thời điểm cần thiết và điều đó dường như đang thúc đẩy thị trường chợ đen. Một số chính quyền tiểu bang đã hứa sẽ trấn áp hoạt động tiếp thị bán thuốc Remdesivir giá “cắt cổ” và một số vụ bắt giữ cũng đã được thực hiện. Nhưng thị trường chợ đen dường như vẫn không bị “lung lay”.

Tiwari cho biết những người như anh không có lựa chọn nào khác ngoài việc trả nhiều tiền hơn. “Có vẻ như chúng tôi không được chào đón ở bệnh viện, và bây giờ chúng tôi cũng không thể cứu những người thân yêu của mình ngay cả ở nhà”.

Theo Pháp luật và bạn đọc