Theo Korea Times, cái chết của người này phơi bày văn hóa phổ biến tại các công ty công nghệ thông tin (CNTT) lớn nhất Hàn Quốc, đang được chứng minh là có hại cho cá nhân cũng như tổ chức.
Liên quan đến sự việc, loạt bài đăng xuất hiện trên Blind, cộng đồng trực tuyến ẩn danh dành cho nhân viên văn phòng, cáo buộc một cấp trên ở Naver có hành vi bắt nạt tại nơi làm việc.
“Chúng tôi coi đây là vấn đề nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ cải thiện những khía cạnh cần thiết và cố gắng để ngăn những sự cố tương tự tái diễn”, Han Seong-sook, Giám đốc điều hành Naver, cho biết trong email gửi đến nhân viên.
Naver tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp tùy theo kết quả điều tra của cảnh sát và một ủy ban độc lập. Công đoàn Naver cũng thuê công ty luật để tiến hành cuộc điều tra riêng về vụ việc.
Công ty CNTT này cho biết họ đã chạy nhiều kênh để tiếp nhận khiếu nại, đồng thời tuân thủ các quy định bắt buộc nhân viên tham gia những chương trình về ngăn chặn nạn bắt nạt tại nơi làm việc.
Tin tức trên gây sốc vì Naver vốn được coi là một trong những nơi làm việc được tìm kiếm nhiều nhất trong giới lao động trẻ xứ kim chi bởi sự uy tín, chế độ đãi ngộ, phúc lợi hậu hĩnh, cũng như văn hóa tổ chức tiên tiến.
Tuy nhiên, công ty cũng nổi tiếng với khối lượng công việc quá tải và sự cạnh tranh nội bộ gay gắt.
Đây không phải lần đầu tiên nạn bắt nạt tại nơi làm việc xuất hiện tại công ty CNTT lớn. Tháng 4 vừa qua, Kakao trở thành tâm điểm chỉ trích sau khi một nhân viên tiết lộ trên Blind về ý định tự tử, xuất phát từ hệ thống đánh giá của công ty.
Các bài đăng khác trên cộng đồng cũng cho biết loạt khiếu nại về cấp trên cũng được xác định và trả đũa. Sau tranh cãi, Kakao đã chỉnh sửa một phần hệ thống của mình.
“Các công ty này sớm bùng nổ thành ‘gã khổng lồ’ dù chỉ mới khởi nghiệp vào cuối những năm 1990. Họ có thể có sẵn các hệ thống cần thiết, nhưng có vẻ như văn hóa tổ chức đang tụt hậu. Sự cố mới nhất ở Naver hay Kakao cho thấy công ty vẫn chưa áp dụng nền văn hóa thực sự theo chiều ngang”, một quan chức trong ngành CNTT cho biết.
Người này nói thêm vấn đề cũng nằm ở các thủ tục khiếu nại. “Trong nhiều trường hợp, danh tính của các nhân viên nộp đơn khiếu nại bị lộ ra ngoài. Điều này khiến những người khác không muốn tìm đến các kênh này”.
Một quan chức khác trong ngành cho biết: “Tất cả công ty trong lĩnh vực công nghệ đều sử dụng hệ thống đánh giá đồng nghiệp dành cho nhân viên. Công ty biết về thái độ của người đó dành cho tất cả đồng sự, nhưng không có biện pháp nào cải thiện cho đến khi sự cố xảy ra”.
Nguồn gốc đa dạng của nhân viên cũng được coi là yếu tố có thể góp phần vào sự chia rẽ và xung đột tại nơi làm việc.
Lao động có kinh nghiệm từ nhiều công ty khác nhau với các nền văn hóa khác nhau chiếm phần lớn các công ty công nghệ, do tỷ lệ doanh thu cao trong ngành. Các mối quan hệ dựa trên quê quán và trường cũ cũng được coi là yếu tố tạo ra sự chia rẽ trong môi trường công sở ở đây.
Năm 2019, Hàn Quốc ban hành luật cấm bắt nạt ở nơi làm việc. Tuy nhiên, số lượng đơn khiếu nại liên quan đến vấn đề này đã tăng lên 5.823 vào năm 2020 so với năm trước.
Theo Zing