Sau các chương trình truyền hình thực tế về chủ đề mai mối như Million Dollar Matchmaker hay Indian Matchmaking, cùng với sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến những người độc thân khó gặp nhau hơn, dịch vụ mai mối “nóng” trở lại.
“Trước đây, có nhiều sự kỳ thị xung quanh dịch vụ mai mối. Bây giờ, nó lại được săn đón”, Eddie Hernandez, nhà tư vấn hẹn hò trực tuyến ở thành phố San Francisco (bang California, Mỹ), nói với New York Times.
Ngay cả số công ty cung cấp dịch vụ mai mối cũng tăng lên. “Chỉ riêng ở Bay Area, số công ty đã tăng gấp đôi so với 5 năm trước. Tôi luôn nhận được những lời mời chào dịch vụ từ thương hiệu rất mới và ngày càng cụ thể”, Eddie chia sẻ.
Một số người mai mối yêu cầu khoản tiền khổng lồ, từ 100.000 USD đến 250.000 USD. Thế nhưng, ngành này còn thiếu minh bạch.
Nhiều ông tơ bà nguyệt không có hoặc sẽ từ chối chia sẻ thống kê về tỷ lệ mai mối thành công của họ, với lý do “bảo vệ quyền riêng tư”. Các công ty dịch vụ mai mối cũng không được liệt kê trên các website đánh giá như Yelp.
“Thật khó để phân biệt lời nhận xét, đánh giá nào là thật và giả. Hơn nữa, trải nghiệm của những người dùng dịch vụ mai mối trả phí và miễn phí là hoàn toàn khác nhau”, Eddie nói.
Nhận được nhiều hơn số tiền bỏ ra
Alana Ketchel (39 tuổi), nhà tư vấn chăm sóc sức khỏe ở Denver (bang Colorado), trả 2.500 USD cho dịch vụ mai mối của công ty The Social: Modern Matchmaking. Dịch vụ có thời gian trong vòng 6 tháng, không giới hạn số đối tượng hẹn gặp.
“Mức giá của tôi khá linh hoạt và tùy thuộc vào những gì các khách hàng đang tìm kiếm, số bạn hẹn họ muốn tiếp cận và những chỉ dẫn họ cần”, Abby Rosenblum, người sáng lập công ty, cho biết.
Chia sẻ với New York Times về lý do chọn dịch vụ mai mối, Alana cho biết cô từng thử hẹn hò qua ứng dụng trực tuyến nhưng không đem lại kết quả. Do đó, nhà tư vấn sức khỏe hy vọng bà mối có thể giúp cô tìm được ý trung nhân.
Hơn nữa, cô cho rằng những người đàn ông được giới thiệu cũng sẽ nghiêm túc tìm tình yêu bởi bản thân đối tượng cũng đã “đầu tư tài chính” vào dịch vụ mai mối.
“Tôi đã trải qua 6 cuộc hẹn gặp khác nhau. Không ai trong số đó cảm thấy phí phạm thời gian vì họ đều mong muốn tìm được đối tượng phù hợp”, Alana chia sẻ.
Nhà tư vấn sức khỏe khẳng định với số tiền bỏ ra, cô được lợi nhiều hơn việc chỉ tìm bạn đời phù hợp. Trước khi tiến hành mai mối, cô được sắp xếp tham gia một buổi hẹn hò “giả” với một người đàn ông.
“Anh ấy chỉ ra rằng tôi luôn khoanh tay trước ngực tạo rào cản với đối phương, đồng thời khuyên tôi không nhất thiết phải thể hiện một số năng lượng gợi cảm mà đàn ông muốn nhận được. Cá nhân tôi thấy những góp ý đó rất đáng đồng tiền. Nó giúp tôi phát triển bản thân”, Alana kể lại.
Khó tìm tình yêu trong đại dịch
Tháng 9/2020, Mehdi Drissi (23 tuổi), kỹ sư phần mềm ở Norman (bang Oklahoma), trả 15.000 USD cho công ty Ambiance Matchmaking để được mai mối 12 đối tượng trong vòng 12 tháng.
Taylor Wade, nhà sáng lập kiêm giám đốc sáng tạo của công ty, cho biết: “Đó là mức giá của năm 2020. Sang năm 2021, chi phí dao động từ 25.000-100.000 USD dựa trên số lượng đối tượng và khu vực sinh sống mà khách hàng muốn tìm kiếm”.
Do ngày càng tìm được ít đối tượng hẹn hò online trong thời điểm đại dịch, Mehdi tìm kiếm đến dịch vụ mai mối theo lời giới thiệu của một người trên Reddit.
“Tôi thấy khoảng giá rơi vào tầm 500-1.500 USD/đối tượng và thường là một bạn hẹn/tháng. Vì vậy, tôi chọn gói dịch vụ 15.000 USD/12 tháng theo khuyến nghị. Công ty này cũng có đánh giá khá tích cực trên Yelp”, chàng trai nói.
Mehdi nói thêm: “Chất lượng của các đối tượng được mai mối tốt hơn nhiều so với Tinder. Với bạn hẹn đầu tiên, chúng tôi đi chơi 3 buổi cùng nhau, nhưng tiếc là không chung nhiều sở thích để tiếp tục mối quan hệ”.
Công ty mai mối như “làm cho có”
Maggie (35 tuổi), cựu cố vấn trang phục ở New York, từng có trải nghiệm không mấy vui vẻ trong lần đầu tiên thử hẹn hò qua mai mối.
Anh trai Maggie đăng ký dịch vụ mai mối Do Thái như một món quà. Tôi nghe nói nó dành riêng cho những người Do Thái nhưng phía công ty cam kết sẽ tìm cho tôi một người không quá sùng đạo.
Tuy nhiên, các đối tượng được giới thiệu cho Maggie đều là những người sùng đạo và bảo thủ, khiến cô gái phát hoảng, yêu cầu công ty hoàn tiền cho anh trai.
Mặc dù vậy, Maggie vẫn quyết tâm thử dịch vụ mai mối lần thứ hai thông qua công ty It’s Just Lunch.
“Đầu tiên, tôi trao đổi với người đại diện công ty về lịch sử tình trường của tôi và cả những yêu cầu, mong muốn. Sau đó, họ phân cho tôi một nhà mai mối phù hợp”, cô kể lại.
“Thông thường, với mức giá 1.000 USD, khách hàng như tôi sẽ được giới thiệu 3 đối tượng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, phía công ty cung cấp không giới hạn đối tượng qua Zoom”, Maggie nói.
Cựu cố vấn trang phục nhấn mạnh với bà mối là cô muốn tìm một người hướng ngoại. Tuy nhiên, đối tượng đầu tiên họ sắp xếp cho cô lại là một chàng trai nhút nhát, ít nói, trái ngược yêu cầu của Maggie.
“Tôi cũng yêu cầu tìm một người thích trượt tuyết. Thế nhưng, khi bà mối xếp sắp cuộc hẹn này cho tôi, cô ấy còn chả nắm rõ sở thích của đối tượng. Tôi cảm giác như phía công ty làm cho có. Chắc họ không có nhiều lựa chọn đến vậy nên mới mai mối cho tôi anh chàng này”, cô nói.
Maggie đang cố gắng giữ lạc quan nhưng cũng không thực sự hy vọng nhiều từ dịch vụ mai mối này.
“Mỗi lần dùng ứng dụng Bumble tìm người yêu, tôi cũng nản vô cùng. Vì vậy, đây là nỗ lực cuối cùng của tôi”, cô nói.
Theo Zing