Nhiều y bác sĩ đã chấp nhận không đón Tết Nguyên đán cùng gia đình để cùng đồng nghiệp bước vào khu vực cách ly dịch viêm phổi do virus corona gây ra. Tuy nhiên, sự cố gắng của họ đôi khi không được bệnh nhân thấu hiểu vì số lượng người nhiễm bệnh đang càng ngày càng tăng và phải chờ đợi quá lâu dẫn đến sự thiếu kiên nhẫn.
Một bác sĩ làm việc tại một bệnh viện ở Vũ Hán chia sẻ rằng từ khi bước vào khu vực cách ly, đã 2 tuần nay anh chưa được trở về nhà và hơn cả là nỗi sợ hãi vì sự hung hãn của hàng dài bệnh nhân đe doạ đòi đánh anh.
Theo tiết lộ, trong một ca trực vào ban đêm, phải có gần 150 người xếp hàng tại phòng khám ngoại trú nơi anh làm việc. Chia sẻ với tờ South China Morning, vị bác sĩ này cho biết:
“Tất cả bệnh nhân đều lo lắng cực độ. Một vài người trở nên tuyệt vọng khi phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ trong thời tiết giá lạnh.
Tôi nghe thấy một người đứng đợi trong hàng quá lâu đến nỗi nói muốn đâm chúng tôi. Tôi rất lo. Giết một vài người trong chúng tôi thì bạn đâu được khám sớm hơn, phải không?”
Nỗi sợ hãi của anh xuất hiện thường trực hơn khi hai bác sĩ tại Bệnh viện Vũ Hán số 4 bị người nhà bệnh nhân đánh, trong đó có một bác sĩ bị xé toạc đồ bảo hộ ngay bên trong khu vực lây nhiễm, tờ Beijing Youth Daily đưa tin.
Vị bác sĩ giấu tên này cho biết thêm: “Tâm trạng của mọi người đang rất tệ vì bệnh viện hoạt động tối đa công suất từ đầu tháng 1. Nhiều người trong chúng tôi còn chẳng tìm lấy được một chiếc giường hẳn hoi để ngả lưng chợp mắt một chút. Nhưng chúng tôi có thể làm gì cơ chứ?
Các bác sĩ và y tá đang làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ – ngay cả ca làm việc lúc nửa đêm cũng kín bệnh nhân. Chúng tôi bị bao vây bởi những tiếng ho của người bệnh suốt đêm dài”.
Tính đến ngày 2/2, số người chết vì dịch virus corona ở Trung Quốc tăng thêm 45 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong lên 304. Tổng số ca nhiễm ở nước này vượt hơn 14.380 trường hợp. Riêng tại TP Vũ Hán (trung tâm của dịch viêm phổi cấp do virus corona mới (2019-nCoV) gây ra), tính đến cuối ngày 1-2, có thêm 894 ca bệnh và 32 trường hợp tử vong, tức 224 người tại thành phố này đã chết vì dịch bệnh.
Nhiều clip chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy sự kiệt sức của các y bác sĩ sau những ngày làm việc không được ngủ. Đội ngũ nhân viên y tế cũng đang phải mặc tã và hạn chế uống nước vì họ không có thời gian để sử dụng nhà vệ sinh hoặc sợ làm rách bộ đồ bảo hộ khi nguồn cung đang quá ít ỏi, tờ Washington đưa tin.
Thực tế, đội ngũ nhân viên y tế đang rơi vào sự tuyệt vọng khi đồ dự trữ đã gần như cạn kiệt, bệnh viện thiếu trầm trọng các trang thiết bị y tế cần thiết, bao gồm kính bảo hộ, quần áo bảo hộ dùng một lần và khẩu trang y tế N95.
Các bác sĩ tại bệnh viện Tongji chia sẻ khó khăn tiếp tục phát sinh liên quan tới chất lượng của thiết bị tiếp tế: “Một số thiết bị kém chất lượng bị hỏng, vỡ. Tôi không chắc ai đã mua những thứ này cho bệnh viện nhưng những thứ này có thể cướp đi sinh mạng của các bác sĩ và y tá”.
Theo thống kê, tính đến ngày 31/1, số người nhiễm virus corona đã vượt qua tổng số ca nhiễm được báo cáo trong dịch SARS năm 2002-2003. Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố dịch virus corona là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
Chính quyền Trung Quốc đã cho xây dựng thần tốc 2 bệnh viện dành riêng cho bệnh nhân nhiễm virus corona chỉ trong 10 ngày.
Quân đội Trung Quốc đã được điều động đến Vũ Hán để hỗ trợ các y bác sĩ nhưng đội ngũ nhân viên y tế đã đạt đến cao điểm của sự kiệt sức trong khi đó bệnh nhân vẫn xếp hàng dài chờ điều trị. Với sự giúp đỡ này, ít nhất các y bác sĩ ở Vũ Hán cũng có thêm 1 hoặc 2 giờ để ngủ.
Theo: TriThucTre