Covid-19 và trào lưu “Bye bra”: Phụ nữ hạnh phúc hơn khi thoát khỏi áo ngực?

0
210

Có rất nhiều định nghĩa về sự hạnh phúc. Thế nhưng với cô bạn tôi, sự hạnh phúc đơn giản chỉ là được cởi bỏ chiếc áo ngực. “Sung sướng và thỏa mái lúc không mặc áo ngực. Và bây giờ khi đi được phép ra đường và đi làm trở lại, mình đã quên mất khái niệm cần phải mặc thêm một chiếc áo ngực”, T.T chia sẻ.

Covid-19 đã giúp chị em giải phóng khỏi chiếc áo ngực?

Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều chị em dường như đã quen với việc không cần phải mặc áo ngực. Trường hợp như bạn nữ tên T.T của tôi là ví dụ. T.T cho biết, kể từ khi “bắt buộc” phải kết thân với chiếc áo ngực, cô chẳng hề vui chút nào. “Mẹ mình đưa ra lời khuyên nên mua một chiếc áo tốt bởi nó sẽ làm giảm bớt sự khó chịu. Nhưng tất cả chỉ là tương đối. Những ngày làm việc ở nhà như thế này, mình thực sự thỏa mái lúc không mặc áo ngực”, T.T bình luận.

Làm việc tại nhà trong mùa dịch là cơ hội để chị em được mặc những bộ đồ thoải mái, mềm mại và đặc biệt là “tạm biệt” chiếc áo lót gọng cứng nhắc. Ảnh: Getty Images.

Với T.T và nhiều người phụ nữ khác, những ngày ở nhà vì Covid-19 đã mang lại cho họ nhiều cảm giác thỏa mái chỉ vì lý do đơn giản là không cần mặc áo ngực. Cơ thể tự do, có thể nói với nhiều chị em, việc không mặc “bra” là niềm an ủi lớn nhất trong thời điểm giãn cách xã hội.

Với cô bạn của tôi, mặc dù không đến văn phòng trực tiếp nhưng cô nàng vẫn khá vui vẻ khi làm việc ở nhà. Bởi làm việc tại gia cũng đồng nghĩa với chuyện bạn nữ này không cần phải mặc áo ngực cả ngày. “Việc cởi bỏ chiếc áo ngực giống như thoát khỏi gánh nặng. Dây áo dính vào da, phần thân áo thít chặt vào cơ thể khiến mình khó chịu bực bội. Trước đây, mỗi khi đi làm về, việc đầu tiên của mình đó chính là cởi phăng chiếc áo ngực. Giải phóng cơ thể ra khỏi chiếc áo ngực bó chặt là một trong những điều thần kỳ mà Covid-19 đã làm được”, T.T chia sẻ.

Mốt “không áo ngực” đang được nhiều phụ nữ ưa chuộng bởi sự thoải mái, dễ chịu nó đem lại. Ảnh: Getty Images.

Thế nhưng, không phải ai cũng đồng ý với quan điểm cởi bỏ áo ngực sẽ làm phụ nữ hạnh phúc hơn. Với T.N việc không diện phụ kiện này khiến cô gặp hàng tá rắc rối. “Bạn thử không mặc bra ra đường thử xem, thật phản cảm đúng không nào. Bên cạnh đó, các cô nàng còn dễ gặp trường hợp quấy rối nữa chứ chẳng đùa”, T.N nói.

Phong trào “Bye bra”

Đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống con người, trong đó có cả phong cách ăn mặc. Sau nhiều tháng giãn cách xã hội, phụ nữ trên thế giới nhận ra việc từ bỏ những chiếc áo ngực bí bách thực sự là một niềm hạnh phúc, sự “giải phóng” tuyệt vời. Chính vì vậy, việc “nói không với áo ngực” là trào lưu được nhiều chị em “lăng xê” nhiệt tình nhất trong mùa dịch.

Rihanna, Kendal Jenner hay Jennifer Aniston là những siêu sao đi đầu trong xu hướng “No Bra”. Ảnh: Cosmopolitan.

Trên thực tế, trào lưu “bye bra” đã được chị em theo đuổi từ nhiều năm nay. Và trong số ấy, Rihanna, Kendal Jenner hay Jennifer Aniston là những siêu sao đi đầu trong xu hướng này. Không thể phủ nhận rằng, áo ngực mang lại một số lợi ích về mặt sức khỏe, tính thẩm mỹ như nâng đỡ khuôn ngực, giảm nguy cơ đau lưng, khắc phục những khuyết điểm cơ thể… nhưng món nội y thiết yếu này thường đem lại cảm giác bí bách, đôi khi là khó chịu cho người mặc.

Khoảng thời gian giãn cảnh xã hội là cơ hội để nhiều người trải nghiệm xu hướng “bye bra”. Trong số đó, có chị em “thả rông” nhưng cũng có người chọn loại áo không gọng mềm mại hơn. Lý giải về điều này, Giám đốc chuỗi cung ứng của thương hiệu nội y nổi tiếng Bravissimo là Clare Turner đưa ra nhận định: phụ nữ ngày nay đặt yếu tố “dễ chịu” lên ngang bằng hoặc trên cả “thời trang” khi mua sắm quần áo nói chung và nội y nói riêng.

Thả rông: Khi ranh giới của sự gợi cảm và phản cảm luôn “ngàn cân treo sợi tóc”.

Đấu tranh đòi quyền…“hở ngực”

Tại một số nơi trên thế giới, việc cô gái nếu dám “lột đồ” nơi công cộng có khả năng sẽ phải chịu phạt. Ví dụ như ở Illinois, nếu cô gái dám cởi chiếc áo sơ mi và các “phụ kiện” đi kèm sẽ chịu mức phạt 2.500 USD. Và cô ta nghiễm nhiên bị trở thành tội phạm. Riêng ở Brazil, phụ nữ để ngực trần tắm nắng trên bãi biển sẽ bị khép vào tội có hành động khiêu dâm và bị phạt tù từ 3 – 12 tháng hoặc bị phạt tiền.

Thả rông chỉ nhắc từ ngữ này thôi đã chứa đựng không biết bao nhiêu bão tố trong đó.

Chính vì vậy, không ít phụ nữ tự đặt câu hỏi, tại sao đàn ông có thể cởi trần nhưng họ thì không. Tạp chí Men’s Health dẫn lời một người phụ nữ cho biết: “Nếu bạn là một người đàn ông, có thể bạn sẽ không phải nghĩ nhiều về việc cởi trần khoe ngực trên các trang mạng xã hội, hay ngoài đời thực. Tuy nhiên, hành động đó của một người phụ nữ lại bị coi là không đứng đắn, dâm ô nên bị cấm trên Instagram và nhiều phương tiện truyền thông, thậm chí còn phạm luật ở một số nơi”.

Theo dòng lịch sử, đàn ông cũng từng phải “đấu tranh” để được ngực trần ra phố. Phải tới những năm 1930, các đấng mày râu mới được phép khỏa thân phần trên. Về phía phụ nữ, để được “hở ngực”, họ cũng đã tranh đấu rất nhiều. Mãi tới năm 1992, New York bắt đầu cho phép phụ nữ được phép mặc áo hở ngực.

Phái đẹp trên thế giới vẫn cứ thả rông nhưng họ không bao giờ bước qua ranh giới.

Quay trở lại với trào lưu “bye bra” trong mùa dịch, nhiều người tự hỏi hành động này chỉ là nhất thời hay vẫn tiếp diễn khi nhịp điệu cuộc sống bình thường quay trở lại? Mỗi chị em một ý kiến khác nhau. Với cô bạn tôi, T.T cho rằng, quay trở lại làm việc văn phòng, cô vẫn sẽ mặc áo ngực bình thường vì sợ đồng nghiệp đánh giá và tránh các phiền phức liên quan. Thế nhưng, lúc trở về nhà, cô vẫn “No bra”. Còn bạn, bạn sẽ như thế nào? Hãy chia sẻ cùng chúng tôi nhé!

Nguồn: Tổng hợp