BẰNG CHỨNG CHO SỰ ‘THỪA THÃI’ CỦA BỘ ĐÔI ONG KIẾN ‘ANT-MAN AND THE WASP’ Ở VŨ TRỤ MARVEL

0
348

Trong bối cảnh ‘Avengers: Infinity War’ vừa công phá các rạp chiếu thì sự xuất hiện của ‘Ant-Man and the Wasp’ có thực sự cần thiết?

Lưu ý: Bài viết có tiết lộ tình tiết phim.

Việc MCU (Vũ trụ Điện ảnh Marvel) đang thống trị thể loại siêu anh hùng với ba phim ra mắt mỗi năm là điều không có gì phải bàn cãi. Mỗi tác phẩm đều là một mảnh ghép trong bức tranh tổng thể to lớn của Marvel. Song, chất lượng của từng bộ phim vẫn phải được đặt lên hàng đầu.

Mắc xích yếu nhất trong MCU

                                     Ant-Man chính là mắc xích yếu nhất MCU

Nếu như trước đây, loạt phim về Thần Sấm chính là mắc xích yếu nhất trong MCU thì sau Thor: Ragnarok (2017), danh hiệu đó chính thức được chuyển sang cho Người Kiến. Ra mắt trong năm 2015 – thời điểm mà MCU đã bắt đầu cứng cáp – thì doanh thu của Ant-Man vẫn thấp hơn phần phim mở đầu Iron Man (2008) và chỉ tốt hơn Thor (2011), Captain America: The First Avenger (2011) cũng như The Incredible Hulk (2008).

Dù tạo ra hướng đi mới cho thể loại siêu anh hùng khi khai thác đề tài gia đình hài hước nhưng bộ phim vẫn không để lại nhiều dấu ấn. Do đó mà anh chàng trở thành “con ghẻ” với kinh phí khá thấp. Dễ dàng nhận ra những cái tên như Robert Downey Jr., Chris Evans, Chris Hemsworth hay thậm chí là Chris Pratt nhanh chóng trở thành ngôi sao hạng A sau khi trở thành các siêu anh hùng Marvel. Trong khi đó, Paul Rudd hay Evangeline Lilly vẫn chỉ dừng ở mức làng nhàng.

Thiếu liên kết với MCU

                 “Ant-Man and the Wasp” gần như không liên kết gì tới bức tranh tổng thể.

Trước đây, Ant-Man có sự kết nối hết sức mỏng manh với MCU khi chỉ được thể hiện qua một cảnh phim trong Captain America: Civil War (2016). Sang đến Ant-Man and the Wasp, mối liên kết này gần như không còn hiện hữu. Xuyên suốt tác phẩm, khán giả không hề bắt gặp bất kỳ một nhân vật nào khác thuộc nhóm Avengers. Đây là điều khá khó hiểu với phần một có sự góp mặt của Falcon (Anthony Mackie) hay Spider-Man: Homecoming hồi năm ngoái với Iron Man (Robert Downey Jr.).

Trên thực tế, ngoài phần đầu tiên mang tính chất giới thiệu, các phần phim riêng về siêu anh hùng của Marvel đều có sự liên kết với bức tranh tổng thể. Iron Man 2 (2010) giới thiệu Black Widow (Scarlett Johansson) cũng như kết nối với Thor và S.H.I.E.L.D. Captain America: The Winter Soldier (2014) hồi sinh Bucky (Sebastian Stan) cũng như nói đến việc S.H.I.E.L.D sụp đổ. Thor: The Dark World (2013)giới thiệu Viên đá Vô cực Aether.

Trong khi đó, dù bối cảnh Ant-Man and the Wasp diễn ra song song với Cuộc chiến Vô cực nhưng chẳng có bất kỳ tin tức gì về một nhóm quái vật ngoài hành tinh đang tàn phá New York cả cũng như không có bất kỳ siêu anh hùng nào xuất hiện giúp đỡ người “đồng đội”. Nếu chỉ vì 30 giây after-credit thì một bộ phim nhạt nhòa kéo dài 2 tiếng có thật sự cần thiết trong bối cảnh MCU đang nóng hơn bao giờ hết?

Nhạt nhòa về mọi mặt

                              Ghost tiếp tục là một phản diện Marvel nhạt nhẽo khác.

Chắc không cần phải nói nhiều về yếu tố hài vốn là đặc sản “không ăn cũng không được” của MCU. Trước đây, hai phần phim Thor không được đón nhận rầm rộ như những người đồng nghiệp là bởi yếu tố hài nhạt nhòa. Song, đến Thor: Ragnarok, thương hiệu có sự thay đổi rõ rệt trong phong cách khi Taika Waititi cầm trịch dự án. Buồn thay, Ant-Man của Peyton Reed vẫn dậm chân tại chỗ.

Xuyên suốt bộ phim là những màn đấu khẩu liên miên của các nhân vật bất kể tình huống có nghiêm trọng hay không. Phải chăng đây chỉ là một bộ phim hài đội lốt siêu anh hùng? Nếu là phim hài thì thật đáng tiếc, Ant-Man and the Wasp chẳng làm tốt nhiệm vụ khi những câu thoại dài dòng mang tới sự nhạt nhẽo nhiều hơn là tiếng cười.

Michael Peña vẫn duyên dáng nhưng phải chăng tình huống hài nhất phim chính là phân đoạn kể chuyện y hệt phần một? Trong khi đó, yếu tố hành động của tác phẩm cũng là một bước thụt lùi rất lớn. Hầu hết những cảnh ấn tượng đều có mặt trong trailer còn những màn cận chiến cũng không có gì đặc sắc.

Tuyến phản diện của Ghost (Hannah John-Kamen) và Sonny Burch (Walton Goggins) nhàm chán đến mức khó tin so với độ sâu sắc sắc của Erik Killmonger (Michael B. Jordan) và Thanos (Josh Brolin). Cốt truyện cũng vì thế mà trở nên ôm đồm, rối rắm một cách không cần thiết. Song, cái kết cuối cùng lại gây hụt hẫng khi cái búng tay của Thanos khiến phim gần như không còn bất kỳ ý nghĩa gì.

Toàn bộ nội dung của Ant-Man and the Wasp đều có thể gói gọn trong vài ba câu thoại của Scott Lang trong Avengers 4 là xong. Phải chăng Marvel đang chạy cho kịp chỉ tiêu 3 phim/năm hay cố tình “hút máu” thêm người hâm mộ với một bộ phim nhạt nhòa và không cần thiết thế này?

Ant-Man and the Wasp hiện đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Nguồn: Pose.com.vn