Năm 2013, sau 7 năm làm công việc văn phòng, Mike Chen – chàng trai người Mỹ gốc Trung – dấn thân vào lĩnh vực ẩm thực bằng kênh “Simply Dumpling”.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC năm 2019, anh cho biết mình muốn thử sức làm food blogger vì “đam mê thưởng thức và trải nghiệm món ngon”.
“Tôi luôn nghĩ cách tốt nhất để khám phá một nền văn hóa mới là thông qua ẩm thực. Mỗi món ăn đều chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa và đời sống người dân bản xứ”, Mike Chen nói.
Tính đến tháng 4/2021, “Strictly Dumpling” trở thành một trong những kênh đình đám chuyên review đồ ăn các nước, với hơn 3,71 triệu người theo dõi và khoảng 774,7 triệu lượt xem.
Nhờ việc sáng tạo nội dung liên quan tới ẩm thực, Mike Chen hiện sở hữu giá trị tài sản ròng ước tính lên tới 3,89 triệu USD, thu về 3.500 USD mỗi ngày, theo dữ liệu từ Net Worth Spot.
Mike Chen không phải sao mạng duy nhất kiếm bộn tiền từ nghề thử nghiệm và giới thiệu ẩm thực.
Khoảng 7 năm trở lại đây, ngày càng nhiều người gia nhập hàng ngũ food reviewer với mong muốn kiếm tiền bằng đam mê ăn uống. Tuy nhiên, công việc này chẳng hề dễ dàng.
Nghề “ăn thử, kiếm tiền thật”
Food reviewer, hay còn được mệnh danh nghề “ăn thử hộ thiên hạ”, là những người tự trải nghiệm và đưa ra nhận xét với các món ăn.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, trào lưu review quán ăn, nhà hàng hay giới thiệu văn hóa ẩm thực nhanh chóng trở thành “cơn sốt” trong cộng đồng mạng thế giới.
Nichole Wolf, chủ sở hữu kênh giới thiệu ẩm thực ATL Adventurer, cũng bắt đầu sự nghiệp food blogger với lý do tương tự.
“Tôi vừa bắt đầu cuộc sống mới ở Atlanta và háo hức muốn trải nghiệm ẩm thực nơi đây. Tôi lập một tài khoản Instagram mới, chụp hình những món ăn tôi thích và chia sẻ với người theo dõi”, cô nói.
Wolf cho biết cô không hề kỳ vọng mình sẽ trở nên nổi tiếng, hay nghề reviewer sẽ phổ biến như hiện tại.
Chỉ trong thời gian ngắn, xu hướng ăn thử, đánh giá món ăn dần lan rộng. Số lượng kênh, trang phê bình ẩm thực mọc lên như nấm với hàng loạt nội dung đa dạng, phong phú.
Khi người người nhà nhà đều chạy theo mốt review đồ ăn, các chủ nhà hàng mới quan tâm nhiều hơn tới hình thức quảng cáo này. Họ bắt đầu mời các reviewer tới dùng bữa tại quán, trả tiền để các influencer ẩm thực viết bài đánh giá.
Tùy vào mức độ nổi tiếng và lượt tương tác trên mạng xã hội, các food reviewer có thể làm ra 50.000-100.000 USD/tháng.
“Ban đầu, tôi rất bất ngờ khi có người ngỏ ý trả thù lao để tôi đăng bài nhận xét về món ăn của họ. Từ trước tới nay, tôi chỉ làm vì đam mê, chưa bao giờ nghĩ reviewer sẽ trở thành công việc kiếm ra tiền”, Wolf nói.
Từ đó, cuộc sống của cô gái đến từ New York xoay quanh việc tham dự sự kiện khai trương quán xá, ăn thử món mới tại các nhà hàng và quay video chia sẻ với người xem.
Với hơn 61.800 người theo dõi trên Instagram, kênh ATL Adventurer trở thành cái tên quen thuộc với cộng đồng đam mê ẩm thực Mỹ.
Nhờ vậy, Nichole Wolf vừa được làm công việc “thoải mái về thời gian”, vừa kiếm được số tiền không nhỏ để theo đuổi đam mê khám phá văn hóa ẩm thực thế giới.
Không dễ thành công
Thực tế, phần lớn dân mạng vẫn nghĩ reviewer là một công việc đơn giản, ít áp lực và dễ dàng có mức thu nhập cao.
Song, Lipkin khẳng định các influencer trong lĩnh vực ẩm thực phải đối diện với không ít trở ngại, nhất là khi thị trường reviewer đồ ăn đang có xu hướng “bão hòa”.
Trả lời Huffpost, nữ influencer chia sẻ nỗi lo thường trực với những người làm công việc giới thiệu văn hóa ẩm thực là việc hôm nay ăn gì, quay video ra sao, đăng bài vào thời điểm nào để tối ưu hóa lượt tương tác.
Bên cạnh đó, khi người người nhà nhà đổ xô làm blogger ẩm thực, tính chất cạnh tranh trong lĩnh vực reviewer cũng gia tăng đáng kể.
Cùng một nhà hàng, cùng một món ăn, song các sao mạng buộc phải so bì lẫn nhau tới từng lượt thích, chia sẻ để đánh giá sức ảnh hưởng của mình.
“Tôi từng tự hỏi: ‘Vì sao có lượng người theo dõi tương đương mà đồng nghiệp có tận 1.000 lượt thích, còn tôi chỉ có 500?’. Những suy nghĩ ấy cứ ám ảnh tôi”, Wolf trải lòng.
Do áp lực về lượt tương tác, yêu cầu hợp tác từ các nhà hàng, không hiếm trường hợp các reviewer buộc phải chia sẻ sai sự thật về món ăn mình thử, hoặc cố ý dùng chiêu trò để duy trì tên tuổi.
“Các reviewer mới thường viết những đánh giá tốt về các nhà hàng. Sau một vài tháng, họ sẽ ngỏ ý muốn chủ quán trả tiền hay hỗ trợ chi phí ăn uống. Nếu 2 bên không thể thống nhất, họ sẽ đánh giá nhà hàng đó ‘không ngon, dịch vụ kém'”, Shambhu Sharan, đầu bếp, chia sẻ.
Rushina Ghildiyah, một reviewer đồ ăn tại Ấn Độ, cho rằng sự xuất hiện của influencer có ảnh hưởng tích cực như giới thiệu văn hóa ẩm thực các nước tới công chúng, giúp các nhà hàng được biết tới rộng rãi.
Tuy nhiên, cô cũng nhấn mạnh rằng giới reviewer cần đưa ra đánh giá khách quan, chính xác để duy trì mức độ tin cậy và đảm bảo hoạt động kinh doanh của các quán ăn.
“Food blogger có ảnh hưởng tích cực, song họ cần tích lũy thêm kinh nghiệm để không trở thành ‘kẻ phá đám'”, Ghildiyah nói.
Theo Zing