Đức Hậu (21 tuổi, Bình Định), sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, đã bị trễ chuyến xe cuối cùng về nhà.
Hậu cho biết anh đã liên hệ gần 10 nhà xe về Bình Định nhưng không có xe nào còn chỗ trống, dù chỉ là ghế phụ. Nam thanh niên đành ngậm ngùi quay về trọ và gọi điện thoại báo cho bố mẹ đỡ phải lo lắng.
“Mình vẫn còn cảm thấy may mắn vì nơi mình ở hiện chưa có ca nghi nhiễm nào. Mình sẽ coi dịp giãn cách xã hội này như cơ hội để nghỉ ngơi sau những ngày học và làm việc mệt mỏi”, Hậu chia sẻ.
Muốn về nhưng không thể
Khác với Đức Hậu, Thảo Phương (21 tuổi, Khánh Hòa), sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, buộc phải ở lại vì là F2. Hiện tại Phương đã thực hiện cách ly tại Trạm y tế KTX Khu A Đại học Quốc gia TP.HCM đến ngày thứ 3.
“Mình đang chuẩn bị dọn đồ khỏi KTX về quê thì nhận được tin công ty thực tập xuất hiện F0, mình trở thành F2 và phải chuyển vào khu cách ly của KTX. Mình khá sốc và lo lắng”, cô bạn nói.
Kể về cuộc sống tại khu cách ly, ngày đầu tiên Phương cảm thấy rất cô đơn và sợ hãi. Tuy nhiên, những ngày tiếp theo tinh thần cô bạn đã thoải mái hơn nhờ sự giúp đỡ của các nhân viên y tế.
Thảo Phương kể với Zing: “Phòng cách ly của mình có 2 người, tụi mình luôn phải đeo khẩu trang khi sinh hoạt trong phòng và giữ khoảng cách tối thiểu 2 m”.
“Mỗi ngày, chúng mình chia nhau quét dọn phòng. Sau đó nhân viên y tế sẽ đến đo nhiệt độ và khử khuẩn nơi ở. Hiện tại, mình vẫn đang làm việc từ xa, đợi kết quả xét nghiệm lần 1 của mình và cả F1”.
Ngoài Hậu và Phương, nhiều sinh viên đang lưu trú tại KTX Đại học Quốc gia TP.HCM rơi vào hoàn cảnh khốn đốn khi nơi ở được trưng dụng làm khu cách ly và không kịp về quê.
“Mình chỉ có một ngày chạy quanh Sài Gòn để tìm trọ và một ngày để dọn ra. Đối với mình, hai ngày đó thực sự kinh khủng”, Tuyết Nhung (20 tuổi, Long An), chia sẻ.
Thích nghi với lối sống không tụ tập
Vượt qua những khó khăn, các bạn trẻ dần làm quen với lối sống lành mạnh và tối giản. Đức Hậu khá tận hưởng cuộc sống những ngày xã hội giãn cách này. Anh cho biết mọi thứ đến thời điểm này khá ổn với anh.
“Một ngày của mình bắt đầu với việc tưới mấy chậu sen đá, sau đó mình đọc sách và ôn luyện tiếng Anh để chuẩn bị tốt nghiệp. Thay vì tụ tập đi chơi với các bạn mình dành thời gian để xem phim, nghe nhạc, nấu ăn. Cuộc sống lành mạnh khác hoàn toàn so với trước đây”, Hậu chia sẻ.
Ngọc Khánh (21 tuổi, Bình Định) bắt đầu cũng bắt đầu thích nghi với cuộc sống một mình khi quận Gò Vấp nơi anh sống bị phong tỏa.
“Thay vì đến cơ quan, mình được cho phép làm việc tại nhà. Dành nhiều thời gian để đọc sách và học nấu ăn cũng làm tinh thần mình thoải mái hơn rất nhiều”, Khánh chia sẻ.
Vì tình hình dịch bệnh ở thành phố khá phức tạp, Ngọc Khánh hầu như không bước chân ra khỏi phòng. Đối với nhu yếu phẩm, anh đặt hàng giao đến tận nhà để hạn chế tiếp xúc với người khác.
Khánh cho biết mình liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh để bản thân có sự chuẩn bị tốt cho trường hợp xấu nhất. Anh cũng thường xuyên gọi về cho gia đình tâm sự về cuộc sống hàng ngày của mình để bố mẹ yên tâm phần nào.
“Mình mong tình hình dịch bệnh được kiểm soát nhanh chóng để cuộc sống bình thường trở lại. Hết thời gian giãn cách xã hội, điều đầu tiên mình phải làm chắc chắn là đi cắt tóc”, Khánh lạc quan chia sẻ.
Theo Zing