10 năm trước, Laura Hancock tìm đến yoga khi còn làm việc cho một tổ chức từ thiện. Trả lời The Guardian, Hancock cho biết bộ môn này đã cứu rỗi cô khỏi những giờ làm việc dai dẳng, áp lực.
Khi đam mê với yoga lớn dần, cô quyết định từ bỏ công việc cũ và chuyển sang học chứng chỉ, đi dạy yoga ở quê nhà Oxford (Anh).
Ban đầu, dù không kiếm được nhiều tiền và phải làm việc cật lực, Hancock vẫn hài lòng vì được làm công việc mình thích.
“Tôi cứ nghĩ rằng chỉ cần cống hiến hết mình, làm việc chăm chỉ thì sẽ thành công. Do đó, tôi lao đầu vào dạy học”, cô chia sẻ.
Song, vài năm gần đây, Hancock nhận ra bản thân đang có cuộc sống không hề ổn định, Ở tuổi 38, nữ giáo viên yoga không đủ tiền thuê nhà, không có khoản tiết kiệm, không có người yêu, trong khi bạn bè đồng trang lứa đều đã lập gia đình.
“Tôi bị thực tế nghiệt ngã tát cho một cú đau điếng. Tôi thấy mình thật đáng thương và cô đơn”, Hancock than thở.
Laura Hancock không phải người duy nhất dành hết năm tháng tuổi trẻ cho công việc, bỏ mặc những niềm vui khác trong cuộc sống.
Mất năng lượng yêu đương
Theo Guardian, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tình trạng cô đơn ở người trẻ là đặc trưng của thời hiện đại.
Tại Anh, các khảo sát từ thanh thiếu niên và người trưởng thành cho thấy họ có xu hướng không kết hôn hoặc cưới muộn, giảm ham muốn tình dục. Kết quả từ nghiên cứu năm 2018 cũng đề cập rằng khoảng 2,4 triệu dân xứ sở sương mù mắc chứng “cô đơn kinh niên”.
Một dự báo khác thậm chí nói tới năm 2039, cứ 7 người Anh thì có một người phải sống một mình, gặp khó khăn về tài chính.
Thực tế, ngày càng nhiều người trẻ đang chật vật với nhịp lao động kéo dài nhiều giờ, không ổn định, lương thấp và khó lòng dứt ra để tận hưởng, yêu đương.
Lauren Smith (34 tuổi), một giáo viên ở miền tây nước Anh, từng nghe đồng nghiệp cảnh báo trước khi cô đăng ký học chứng chỉ sau đại học về giáo dục (PGCE).
“Họ nói với tôi rằng: ‘Đó sẽ là năm căng thẳng nhất cuộc đời bạn’. Điều đó hoàn toàn đúng”, Smith nói.
Vào thời điểm đó, Smith cứ nghĩ mình đã sẵn sàng cho một thử thách mới, có thể cân bằng giữa công việc và đời tư. Tuy nhiên, nhịp làm việc bận rộn, không có thời gian ngơi nghỉ làm mối quan hệ tình cảm của nữ giáo viên tệ dần.
“Có những ngày, tôi nhớ mình trở về nhà nhưng không thể trò chuyện với nửa kia”, Smith trải lòng. Sau cùng, cả hai quyết định chia tay.
Ngay cả khi vượt qua chứng chỉ, bắt đầu đi dạy trở lại, tình trạng làm việc quá sức, quá giờ vẫn tiếp diễn. Cuộc sống ở trường học dần thay thế cho đời sống riêng của Smith, khiến cô khó lòng tách ra.
“Văn hóa làm việc ở đây rất căng thẳng, cạnh tranh. Mọi thứ tôi yêu thích về công việc giảng dạy đều thay bằng nỗi lo lắng về kỳ thi sát hạch, đánh giá xếp loại… Tôi mất hết năng lượng cho bản thân, nhất là chuyện yêu đương”.
Ngày càng cô đơn
Khi Covid-19 ập tới, nỗi cô đơn của người trẻ ngày một lan rộng và trầm trọng hơn. Guardian đưa tin khoảng 1/3 phụ nữ và 1/5 nam giới cho biết họ cảm thấy “như bị cô lập” do phải ở nhà tránh dịch suốt nhiều tháng.
Ruth Jones, một thủ thư ở Canada, thường xuyên nhảy việc suốt 14 năm nay. Người phụ nữ 31 tuổi nói việc liên tục ứng tuyển, chấp nhận bất kỳ vị trí nào khiến cô không có nhiều cơ hội hẹn hò, yêu đương.
Những tháng qua, do đại dịch và bệnh tật, cô phải tạm dừng công việc và ở nhà nghỉ ngơi. Trong lúc đó, như bao người trẻ khác, Jones vẫn dùng ứng dụng kết đôi để tìm bạn hẹn.
“Mọi người thường ghi rõ về công việc của mình. Điều đó khiến tôi cảm thấy ngần ngại, xấu hổ vì không có công việc ổn định, lúc ở nơi này, khi ở nơi khác. Tôi thấy mình thật vô dụng”, Jones kể.
Với Smith, các ứng dụng hẹn hò cũng không kém phần phiền toái. Sau khi chia tay với người yêu cũ, cô từng hẹn hò với đồng nghiệp trong trường và thử sử dụng các app kết đôi.
Thông thường, cô sẽ nhấp vào website, lướt qua hàng loạt hồ sơ và chọn nhắn tin với một vài đối tượng lý tưởng.
Nhưng sau một tuần làm việc vất vả, cô hoàn toàn lãng quên sự tồn tại của họ. “Hẹn hò giờ đây giống như một nhiệm vụ khác cần làm”.
Smith cho biết cô hy vọng văn hóa làm việc quá sức sẽ sớm thay đổi để người trẻ có nhiều cơ hội sống cho bản thân hơn.
Theo Zing