Mua quần áo kém chất lượng coi chừng bị dị ứng.

0
235

Bệnh viện da liễu TP. HCM đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm da do tiếp xúc với quần áo. Triệu chứng chung dễ nhận diện nhất là da bị ngứa ngáy, phát ban và nổi mụn rộp

Vải sợi tổng hợp ngày nay rất phổ biến. Chúng hiện hữu trong nhiều loại quần áo thời trang, khăn tắm và cả tấm drap trải giường. Phần lớn người tiêu dùng không biết rằng sợi tổng hợp được sản xuất bằng những hóa chất và phẩm nhuộm khó giặt sạch. Dư lượng tồn đọng trên sản phẩm có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe con người. Điển hình là dị ứng quần áo. Song song đó là làm ô nhiễm môi trường.

“Điểm danh” những hóa chất độc hại gây dị ứng quần áo

Thống kê cho thấy ngành công nghiệp dệt may mang lại doanh thu 7.000 tỷ đô-la Mỹ mỗi năm. Nhưng nó cũng đồng thời sử dụng 8.000 hóa chất tổng hợp trong quá trình sản xuất. Nhiều hóa chất trong đó đã được giới khoa học khẳng định là nguy hại với sức khỏe con người. Điển hình là hóa chất PFC (perfluorinated compound), bao gồm chất phụ gia chống dính Teflon.

Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã cảnh báo. PFC và Teflon có trong các sản phẩm vải vóc là loại hóa chất độc hại, làm tăng nguy cơ ung thư ở con người. Những hóa chất này được ngành công nghiệp dệt may ưa chuộng. Bởi chúng giúp cho chất liệu vải gia tăng độ bền và đặc biệt không bị nhăn. Hầu hết các loại vải vóc và quần áo không nhăn đều có chứa PFC.

Một hóa chất gây ung thư khác đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều loại sản phẩm thời trang và vật dụng hàng ngày là formaldehyde. Tương tự như PFC, formaldehyde giúp cho vải vóc luôn phẳng phiu trước các tác động cơ học. Không có chất này, quần áo dễ bị biến dạng, nhăn nhúm và mất đi phom dáng ban đầu. Nhiều cuộc khảo sát đã phát hiện vài trường hợp người tiêu dùng bị viêm da do tiếp xúc vì mặc quần áo được làm từ các loại vải không nhăn chứa formaldehyde.

Một số loại thuốc nhuộm trong quần áo cũng có thể gây viêm da tiếp xúc. Trong đó, xanh tán xạ 106, kali dichromate và coban là 3 chất nhuộm vải thông dụng nhất. Những chất này có thể gây dị ứng và viêm da tiếp xúc với một số người.

Giải pháp chữa trị và cách phòng tránh dị ứng quần áo

Khi xuất hiện bất kỳ biểu hiện của dị ứng do vải vóc, bạn cần phải ngưng tiếp xúc với chất liệu đó ngay lập tức. Những vết phát ban hoặc các mụn rộp sẽ biến mất sau vài ngày.

Bạn không cần vội uống kháng sinh hay thoa kem đặc trị. Thay vào đó, chỉ cần giữ cho vùng da dị ứng luôn sạch, khô thoáng; và tránh tiếp xúc hay ma sát khiến vùng da thêm tổn thương. Nếu vùng da dị ứng có dấu hiệu lan rộng, đau nhức và có mưng mủ, bạn nên đến bệnh viện ngay.

Các biểu hiện như cảm giác nôn ói, nhức đầu, khó thở, viêm mũi… có thể gặp phải nhưng thường không quá nghiêm trọng. Nếu quá khó chịu, bạn thể dùng thuốc giảm đau liều nhẹ, thuốc kháng histamine.

Chất PFC, formaldehyde tồn dư trong quần áo có thể được loại bỏ bằng cách giặt quần áo vài lần trước khi mặc. Bên cạnh đó, bạn nên hạn chế mặc những quần áo không nhăn. Đặc biệt bạn không nên mặc ngay khi mới mua về.

Với những người dị ứng phẩm nhuộm nên cần giặt trước khi sử dụng để loại bỏ hóa chất còn dư. Bên cạnh đó, bạn tránh quần áo màu đậm, thay bằng màu sáng, trung tính tự nhiên.

Nếu bạn có cơ địa dị ứng với quần áo hoặc vải vóc nói chung; cách khắc phục tốt nhất chính là lựa chọn các loại trang phục và phụ kiện được làm từ các loại vải sợi thiên nhiên. Đó là vải sợi bông (cotton), vải lanh, vải gai dầu, lụa, len; và một số loại vải sợi tự nhiên khác như len alpaca, len angora, cashmere, vải mohair, vải cây gai (ramie), vải đay,…

Biểu hiện của dị ứng do vải vóc

Hầu hết những người bị dị ứng với các sản phẩm thời trang hoặc vải vóc nói chung thường có những triệu chứng như sau:

• Da bị ngứa rát, phát ban hoặc xuất hiện các mụn rộp.

• Cảm giác nôn ói.

• Mệt mỏi, nhức đầu không rõ nguyên nhân.

• Khó thở.

• Viêm mũi dị ứng.

• Bỗng dưng bị đau ở một số bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là những mô mềm.

Theo: Tiếp thị gia đình