Khi độc thân trở thành…mỏ vàng

Việc ngày càng có nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân đã góp phần làm thay đổi toàn bộ thị trường kinh doanh.

0
192

Việc ngày càng có nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân đã góp phần làm thay đổi toàn bộ thị trường kinh doanh.

“Hộ gia đình một người”

N.T.T năm nay 32 tuổi, hiện cô đang là nhân viên văn phòng ở TP.HCM. Lên thành phố lập nghiệp hơn 8 năm, cuộc sống của T.T giờ đây ổn định hơn rất nhiều. Nếu như bạn bè ở quê nhà đã “con bồng, con bế”, bạn nữ này vẫn chưa lập gia đình.

Thuê căn phòng trọ nhỏ ở TP.HCM, T.T nuôi 2 chú chó làm bạn với mình mỗi ngày. Vẫn duy trì thói quen tự nấu nướng, mọi vật dùng trong nhà bạn nữ này đều sắm đầy đủ, khác chăng nó chỉ phục vụ công năng cho 1 người. “Cuộc sống mình khá đơn giản, tối đi làm về nấu nướng, sau đó ăn uống, nghỉ ngơi. Rảnh rỗi lên mạng xem livestream, phim online. Sáng dậy sớm thì nấu một ít thức ăn mang đi làm cả ngày. Siêng thì đi chợ, nhác thì đặt thức ăn qua các app”, T.T kể.

Ngày càng có người lựa chọn cuộc sống độc thân. (Ảnh minh họa: NDH)

Có thể nói, hiện tại nhiều nam nữ thanh niên lựa chọn cuộc sống như cô bạn T.T nói trên. Một số chuyên gia nhận định, ngoài những nguyên nhân như xu thế sống độc lập, thích sự riêng tư, khó khăn về kinh tế thì dịch Covid-19 là một phần nguyên nhân thúc đẩy lối sống một mình.

T.Q.T (một chủ tiệm đồ gia dụng Q.T ở TP.HCM) cho biết: “Mình bán rất nhiều set đồ gia dụng dành cho các bạn sống một mình. Đó bao gồm các gói decor nhà cửa, bếp ga, nồi lẩu nướng 2 trong 1. Chúng có kích thước mini, đa năng, hiện đại, ngoại hình đẹp phù hợp với những người chỉ sinh sống một mình. Ngoài ra, đón đầu xu hướng, sắp tới đây mình cũng sẽ mở thêm cơ sở bán về các mặt hàng chăm sóc thú cưng. Mình nhận thấy có rất nhiều người muốn nuôi thêm chú chó, mèo để bầu bạn”.

Tại nhiều quốc gia, độc thân là xu thế, cả nền kinh tế đi theo. (Ảnh: aFamily)

Ngày 11/11 vừa qua, “ăn theo” ngày lễ độc thân, hàng loạt cửa hàng, sàn thương mại điện tử… đã tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi lớn để thu hút khách. Đây được xem là ngày siêu sale lớn thứ 2 trong dịp cuối năm, chỉ sau Thứ 6 đen tối (Black Friday). Theo các chuyên gia kinh tế, so với mọi năm, sức mua năm nay kém hơn doanh số vẫn rất khả quan.

Không chỉ ở Việt Nam, ngày độc thân 11/11 ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan…đã trở thành sự kiện tôn vinh chủ nghĩa tiêu dùng với chương trình bán lẻ trực tuyến lớn, quy tụ các thương hiệu lớn với nhiều khuyến mãi đặc biệt. Năm ngoái, ứng dụng Tmall của Alibaba đạt doanh số kỷ lục 75 tỷ USD trong 10 ngày đầu tháng 11, tăng hơn 26% so với năm 2019. Năm nay, doanh số của Ngày độc thân dự kiến vẫn sẽ tăng.

Khách hàng độc thân là mục tiêu của kinh doanh?

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, chuyện giới trẻ chọn sống độc thân ngày càng càng có xu hướng hướng gia tăng, đặc biệt là các cô gái trẻ. Tờ Bloomberg đưa ra nhận định: “Hiện có hơn một nửa số người trẻ trên 16 tuổi tại Mỹ là độc thân, có bằng cấp, thu nhập ổn định. Những người độc thân ở độ tuổi 20-30 tuổi có thời gian, tiền bạc và họ sẵn lòng mở hầu bao cho bản thân và cho những sản phẩm mới nhất”.

Sự gia tăng của người độc thân, kéo theo sự thay đổi của nhiều ngành nghề kinh doanh, dịch vụ. (Ảnh minh họa: Sohu)

Theo phóng sự của Đài CCTV hồi cuối tháng 4/2021, Trung Quốc đang có hơn 200 triệu người độc thân, chiếm khoảng 14% dân số. Ở đất nước này, những người độc thân không vướng bận tình yêu hay gia đình đang được xem là động lực tiêu dùng mới. Theo báo cáo từ Nielsen công bố vào tháng 5, hơn một nửa số người độc thân Trung Quốc sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm chất lượng cao.

Ở Hàn Quốc, trước xu hướng độc thân ngày càng tăng. Báo cáo từ Statistic Korea cho thấy số hộ gia đình đơn thân tại Hàn Quốc đã tăng lên đến 6,17 triệu người và dự báo con số này sẽ còn tăng bình quân 150.000 hộ mỗi năm. Bên cạnh đó, do tác động Covid-19, sự phát triển công nghệ cùng độ phủ sóng mạnh mẽ của Internet tại Hàn Quốc cũng khiến lối sống độc thân ngày càng trở nên phổ biến.

Mỏ vàng đang được khai phá

Trước sự “lên ngôi” của thị trường độc thân, ngành bán lẻ, dịch vụ, giải trí ở nhiều nước đang có sự thay đổi rõ rệt. Ví dụ như ở Hàn Quốc, đối với người trẻ nước này, việc sống một mình, giao lưu trực tuyến với streamer, giải trí trên mạng… đã trở nên quen thuộc. Đi kèm theo đó, các chương trình giải trí online ngày một tăng trước nhu cầu muốn được tương tác xã hội nhưng vẫn giữ sự riêng tư. Một trong số đó có thể kể đến trào lưu Mukbang – livestream ăn uống vô cùng phổ biến tại Hàn.

Bên cạnh đó, trước tỷ lệ người đi xem phim một mình tăng lên, nhiều rạp phim tại đây cũng đã giới thiệu các dịch vụ dành cho người độc thân. Ví dụ như Megabox Coex cho ra mắt những lô ghế ngồi xem phim một mình cho người độc thân, hay Cine Q cho mở các phòng chiếu chỉ với 30 ghế ngồi dành cho người đi xem đơn lẻ.

Bên cạnh đó, ngành F&B cũng có nhiều thay đổi trước làn sóng này. Nếu như trước đây, việc đi ăn một mình là điều gì đó “lạ lẫm”, thì nay nhiều cơ sở kinh doanh ra mắt nhiều dịch vụ, món ăn chỉ phục vụ cho một phần ăn, không gian quán cũng có sự thay đổi nhất định. Tại Hàn Quốc, truyền thống các gia đình đoàn tụ làm kim chi cùng nhau trong mỗi mùa thu giờ đây cũng  dần “xói mòn”. Trước xu thế ấy, nhiều công ty cũng cho ra mắt những sản phẩm kim chi nhỏ gọn hướng đến người độc thân hay các gia đình nhỏ.

Không chỉ vậy, thị trường độc thân còn tác động tới thị trường điện máy, gia dụng. Những nồi cơm 1,2 lít, lò nướng cỡ nhỏ, máy giặt 2,2kg… được để đáp ứng nhu cầu cho tập khách hàng ấy. Bên cạnh đó, với nhiều người độc thân, không nấu nướng, họ thường đặt món trên các ứng dụng. Từ đây cũng góp phần làm thị trường này nở rộ.

Nắm bắt thị trường, nhiều nhà sản xuất đồ gia dụng nhà bếp cũng ra mắt nhiều dòng sản phẩm phù hợp với những người sống độc thân. (Ảnh minh họa: FB)

Quay trở lại thị trường Việt Nam, thị trường “độc thân” vẫn đang là ngách được nhiều người kinh doanh, làm dịch vụ hướng tới. Làm cách nào để “chinh phục” đối tượng này cũng là một câu hỏi với nhiều người.

Theo một nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu xã hội Trung Quốc, người tiêu dùng độc thân chú trọng trải nghiệm và cảm giác bản thân. Họ không chạy theo hàng hiệu mà chú trọng sản phẩm đáng đồng tiền, sản phẩm có cá tính, hay nuôi thú cưng. Bên cạnh đó, mặc dù độc thân nhưng chất lượng cuộc sống không hề giảm, họ luôn biết thỏa mãn thú vui của bản thân.

Về hành vi tiêu dùng, người độc thân thường có nhiều thời gian mua sắm online, khảo sát giá cả, nhu cầu mua sắm cũng mở rộng ra các ngành hàng khác nhau. Đặc biệt là khả năng chi tiêu của nhóm đối tượng này rất lớn.

Có thể thấy, thị trường các sản phẩm, dịch vụ…dành cho đối tượng là những người độc thân rất tiềm năng. Về phía mình, bạn thuộc team “hệ mua” hay là người làm kinh doanh? Bạn thấy như thế nào về xu hướng nói trên, hãy chia sẻ cùng chúng tôi nhé!

Nguồn: Tổng hợp