Khi bánh đúc có xương: Người triệt sản sau khi sinh con đầu, người từ bỏ thiên chức để toàn tâm chăm con chồng

Người đời có câu “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Câu nói ấy càng được nhắc đến nhiều hơn khi vụ người tình của bố nghi bạo hành con gái của chồng đến mức không qua khỏi. Thế nhưng, vẫn còn đó những người phụ nữ không ngại hy sinh, quản nhọc để hết lòng yêu thương, chăm sóc cho con chồng.

0
131

Người đời có câu “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Câu nói ấy càng được nhắc đến nhiều hơn khi vụ người tình của bố nghi bạo hành con gái của chồng đến mức không qua khỏi. Thế nhưng, vẫn còn đó những người phụ nữ không ngại hy sinh, quản nhọc để hết lòng yêu thương, chăm sóc cho con chồng.

Người “dì ghẻ” nuôi nấng 8 con riêng của chồng

Xuất hiện trong chương trình Điều Ước Thứ 7, người phụ nữ có tên Phan Thị Hoa (Thanh Chương, Nghệ An) khiến bao người xúc động. Dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt mờ dần vì bệnh sụp mí, thế nhưng những việc cô làm lại lớn lao đến vô cùng: Chăm sóc con riêng của chồng khi con chẳng may bị bệnh hiểm nghèo.

Bà Phan Thị Hoa và chồng

Được biết, người con kể trên là con riêng thứ 7 của chồng cô. Thời điểm ấy, để chăm sóc con, cô Hoa lặn lội lên Hà Nội. Những đêm trời trở gió, cô lại trằn trọc thâu đêm. Phần vì lo cho Thắng, phần vì nhớ thương chồng và các con ở quê nhà.

Ngày ấy, sau khi sinh đứa con chung đầu tiên giữa hai người, cô Hoa đã đi triệt sản để dồn hết tâm sức chăm sóc 8 người con riêng của chồng. Với cô, khái niệm con chung con riêng không tồn tại bởi cô thương tất cả các con của mình. Bởi hơn ai hết, chính cô cũng từng mồ côi mẹ lúc còn rất nhỏ.

“Khi tôi về sống chung với bố nó thì các con còn nhỏ dại lắm, Thắng mới chỉ có 3 tuổi thôi còn đứa út vừa tròn 2 tháng. Chúng không có tội tình gì và tất cả đều thiếu vắng tình yêu của mẹ. Vì thế, tôi thương các con như thương chồng, thương cho chính số phận của bản thân mình” – cô Hoa chia sẻ.

Bà Hoa đang chăm sóc con chồng.

Hoàn cảnh gia đình chồng chẳng mấy khá giả, chủ yếu làm nông nghiệp. Người con đầu bị bệnh câm điếc bẩm sinh nên tốn không ít tiền chạy chữa. Dù khó khăn vất vả là thế đó, nhưng cô Hoa vẫn quyết định gắn bó với gia đình và xem họ là một phần cuộc sống của mình. Ước muốn của người phụ nữ ấy rất bình dị chính là được các con gọi một tiếng “mẹ ơi”.

“Dì ghẻ” gồng gánh nuôi 4 người con chồng cùng cô em chồng mắc bệnh thần kinh

Không chỉ bà Hoa, mà vẫn còn đó vô vàn người phụ nữ dù là “mẹ kế” nhưng họ vẫn hết lòng hết dạ yêu con chồng. Trường hợp bà Nguyễn Thị Tứ (Hương Khê, Hà Tĩnh) là một ví dụ.

Theo báo Hà Tĩnh, bà Tứ gặp gỡ và kết hôn cùng ông Nguyễn Văn Tiến vào năm 1990. Khi ấy, người đàn ông này có 4 người con riêng và 1 người em gái bị bệnh tâm thần.

Bà Tứ (áo sơ mi kẻ đỏ) cùng con cháu (Báo Hà Tĩnh)

Làm mẹ kế của 4 đứa trẻ (đứa lớn nhất 14 tuổi, đứa nhỏ nhất 8 tuổi) và chăm sóc em chồng bị bệnh là một vấn đề không hề dễ dàng với cô dâu mới này. Thế nhưng, bằng tất cả sự bao dung và tình yêu thương, bà Tứ đã thực sự là một người mẹ hiền.

Chồng đi làm thuê, vợ trồng trọt, buôn bán rau ở chợ để kiếm tiền trang trải gia đình, vậy nhưng họ vẫn không đủ ăn. Thậm chí có thời điểm, họ phải nhịn đói cho qua bữa.

Nhớ về ngày ấy, bà Tứ chia sẻ với nguồn tin kể trên: “Năm 1996, khi người con trai đầu bị tai nạn nặng, lúc đó tôi vừa ngược xuôi vừa chăm con trai ở viện, vừa lo bữa ăn cho các con nhỏ và người em gái chồng bị bệnh ở nhà. Nói không vất vả là nói dối nhưng vì các con, vì chồng, tôi không bao giờ phân vân bởi những gì mình đã làm”.

Sau chăm sóc các con, bà Tứ chăm sóc cháu ngoại

Hơn 30 năm trôi qua, thế nhưng cuộc sống người phụ nữ ấy vẫn chưa vơi bớt nhọc nhằn. Con cái khó khăn, chồng bị tai biến, bệnh tình em gái ngày một nặng hơn nên hằng ngày bà Tứ tảo tần bán buôn để tự lo cho cuộc sống gia đình, các con bớt lo toan. Vất vả, khó khăn nhưng bà chưa một lần ca thán. “Mình làm mẹ mà, dù có không làm được gì nữa thì cũng phải là động lực, niềm tin cho con cháu chứ”, bà cho biết.

“Dì ghẻ” nuôi dạy 2 con chồng khôn lớn

Nhắc đến chuyện “dì ghẻ” nhiều người thường nhớ đến những hình ảnh không mấy tốt đẹp. Thế nhưng hầu hết không phải là tất cả, bởi có rất nhiều người phụ nữ đã mạnh mẽ vượt qua ranh giới hằng sâu bởi định kiến xã hội về mối quan hệ ấy.

Câu chuyện về bà Lê Thị Phương (SN 1955) được đăng lên Báo Pháp luật và Đời sống khiến bao người xúc động. Ngày ấy, người phụ nữ này kết hôn với ông Lê Hồng Cư.

Người đàn ông này đã có một đời vợ. Người vợ trước của ông đột ngột qua đời để lại hai đứa con (đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 1 tuổi). Bản thân ông lại bị liệt phải ngồi xe lăn, nhìn con nheo nhóc, cuộc sống họ đầy xót xa cùng bế tắc.

Vợ chồng ông Cư, bà Phương (Ảnh: báo Đời sống và Pháp luật)

Gạt bỏ mọi thị phi, người phụ nữ ấy chấp nhận về làm vợ ông để chăm sóc những đứa trẻ tội nghiệp. Để chăm sóc con chồng được vẹn toàn, bà đã gạt bỏ thiên chức “mang nặng đẻ đau” của mình để chăm sóc các con. Lúc con còn nhỏ thì lo cái ăn, cái mặc, giờ khôn lớn nhưng bà lúc nào cũng đau đáu nỗi niềm làm sao lo cho các con yên bề gia thất.

“Niềm vui, hạnh phúc nhất cuộc đời tôi là các con xem tôi như mẹ đẻ. Chúng giờ đã lớn nhưng thường xuyên tâm sự, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Mỗi dịp chúng được nghỉ về quê thăm bố mẹ lại sà vào lòng tôi nũng nịu như những ngày còn nhỏ. Tôi luôn quan niệm, con nào cũng là con miễn sao mình nuôi dạy, yêu thương chúng hết lòng. Tôi không ân hận về quyết định không sinh con ngày trước, ông trời đã cho tôi cả một gia đình mà nhiều người mơ ước”, bà Phương chia sẻ với nguồn tin kể trên.

Có thể nói, câu chuyện về những “chiếc bánh đúc có xương” kể trên khiến dân mạng không khỏi ấm lòng, đặc biệt là sau khi vụ việc “dì ghẻ” bạo hành con chồng vừa qua. Ở đâu đó, những điều tốt đẹp vẫn còn, vẫn có nhiều người phụ nữ sẵn sàng đón nhận, yêu thương, chữa lành tâm hồn cho những đứa trẻ không may có một gia đình chưa hoàn chỉnh.

Nguồn: Tổng hợp