“Covid-19 là rủi ro ngắn hạn, triển vọng kinh tế và TTCK Việt Nam trong 3-5 năm tới được dự báo tốt nhất từ trước tới nay”

0
179

Theo CEO SGI Capital, bức tranh kinh tế cũng như TTCK Việt Nam trong 3-5 tới rất tốt, có thể nói tốt nhất từ trước tới nay. Covid-19 là rủi ro mang tính ngắn hạn, nhưng Việt Nam đã kiềm chế tốt hàng đầu Thế giới, cùng với nền tảng vĩ mô vững chắc đang mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam.

Tại hội thảo MBS’s Talk diễn ra ngày 2/7, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính đã đưa ra nhiều dự báo về kinh tế cũng như triển vọng thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm

Triển vọng lạc quan về kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19

Theo ông Lê Chí Phúc – TGĐ SGI Capital, dịch Covid-19 đã gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế trên toàn cầu. Tuy nhiên với Việt Nam, không thể coi giai đoạn vừa qua là khủng hoảng, cũng không phải suy thoái mà chúng ta chỉ suy giảm tăng trưởng trong ngắn hạn.

Ông Phúc cho rằng nhịp suy giảm tăng trưởng vừa qua khác xa cuộc khủng hoảng năm 2008 về bản chất, nhưng mang lại cơ hội đầu tư lớn không kém. Năm 2008 là một bong bóng lớn khi kinh tế tăng trưởng quá nóng, nhà đầu tư tìm thấy ở TTCK sự mới mẻ, tâm lý hưng phấn tăng cao, tỷ lệ vay nợ lớn khiến định giá thị trường lên quá cao. Thời điểm đó, cơ hội là có, nhưng mang tính chất ngắn hạn nhờ vào sự tận dụng những biến động lớn của thị trường.

Còn giai đoạn hiện nay, ông Phúc cho rằng Việt Nam có cơ hội khác, có thể nói chưa từng có từ trước tới nay. Tính từ năm 2016 tới nay, nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi về mặt căn bản, nhà đầu tư không còn nhiều nỗi lo về vĩ mô (lạm phát, lãi suất, tỷ giá…) như giai đoạn trước.

Theo CEO SGI Capital, bức tranh kinh tế cũng như TTCK Việt Nam trong 3-5 tới rất tốt, có thể nói tốt nhất từ trước tới nay. Covid-19 là rủi ro mang tính ngắn hạn, nhưng Việt Nam đã kiềm chế tốt hàng đầu Thế giới, cùng với nền tảng vĩ mô vững chắc đang mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam.

Chung quan điểm, ông Hoàng Công Tuấn – kinh tế trưởng MBS đánh giá kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam có thể hồi phục theo hình chữ V nhờ sự hỗ trợ nhanh, mạnh mẽ từ các NHTW. Trong khi đó, Việt Nam hiện là điểm sáng về vĩ mô trên toàn cầu, nhà đầu tư không phải lo lắng nhiều về tỷ giá, lạm phát, lãi suất, cán cân thanh toán. Với năng lực điều hành tốt của Chính phủ, cùng khả năng kiểm soát dịch bệnh tuyệt vời, Việt Nam đang trở thành điểm sáng trên Thế giới và sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư trở lại.

Ông Tuấn dự báo trong 1,5 đến 2 năm tới, nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục về trước đại dịch và định giá TTCK sẽ trở về mức năm 2019. “Bây giờ là cơ hội tốt để đầu tư và phải may mắn lắm mới thua lỗ được” ông Tuấn nhấn mạnh.

Cơ hội đầu tư trên TTCK tại vùng định giá hấp dẫn

Về diễn biến TTCK, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc chiến lược thị trường MBS cho rằng có nhiều yếu tố vĩ mô hỗ trợ tích cực cho thị trường. Cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 có quy mô tương đương đại suy thoái 1930 nhưng ít gây hậu quả lâu dài hơn. Các NHTW, Chính phủ các nước duy trì nới lỏng tiền tệ đồng thời tung gói kích thích kinh tế.

Việt Nam thành công trong công tác kiểm soát dịch bệnh giúp quá trình hồi phục kinh tế thuận lợi. Các gói kích thích đa dạng cùng đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực hỗ trợ kinh tế phục hồi. Bên cạnh đó, triển vọng từ EVFTA, xu hướng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc cũng là yếu tố hỗ trợ.

Về định giá, Việt Nam là một trong số các thị trường có mức hồi phục nhanh dưới tác động của Covid-19, bên cạnh đó hệ số P/E (forward) hiện đang ở mức 15.x, thấp hơn so với các nước ASEAN 6, thấp hơn so với bình quân các thị trường Emerging Markets. Tuy nhiên, ROE của Việt Nam đang ở mức cao hơn so với mặt bằng chung khu vực Emerging Markets.

Trong năm 2017 và 2018, thị trường đã diễn ra sôi động với hoạt động thoái vốn, IPO của hàng loạt doanh nghiệp lớn, nhưng đến năm 2019 đã diễn ra khá trầm lắng. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện kế hoạch thoái vốn và IPO đang ở mức thấp cùng với chủ trương từ Quyết định 26 sẽ tạo áp lực mạnh hơn trong năm 2020, tập trung ở một số cơ hội IPO lớn như VNPT, Genco3, Mobiphone…hay các thương vụ thoái vốn từ PLX, HVN, VEAM, ACV…, qua đó được kỳ vọng giúp thị trường trở nên sôi động hơn.

Về xu hướng khối ngoại, ông Sơn dự báo họ sẽ trở lại trong nửa cuối năm nay. Vĩ mô ổn định là yếu tố thu hút dòng vốn ngoại. Bên cạnh đó, dòng tiền các quỹ ETFs cũng đang rục rịch trở lại, cùng việc được tăng tỷ trọng trong rổ Frontier Markets vào cuối năm nay sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường.

Theo ông Sơn, trong nửa cuối năm nay, thị trường sẽ cân bằng quanh ngưỡng P/E 12,5 lần với cận trên là 15,1 lần và cận dưới 10 lần. Dựa trên kịch bản cơ sở, VN-Index có thể sẽ xoay quanh ngưỡng 720 – 920 điểm trong nửa cuối năm.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng thị trường có thể sẽ điều chỉnh trong quý 3 bởi đây là thời điểm trống vắng thông tin hỗ trợ. Áp lực chốt lời của nhà đầu tư cũng gia tăng sau giai đoạn tăng nóng vừa qua, cùng những lo ngại làn sóng Covid-19 thứ hai trở lại sẽ là rào cản cho đà tăng của thị trường. Bên cạnh đó, thống kê cũng chỉ ra sau mỗi quý tăng sẽ là một quý giảm và nhịp điều chỉnh có thể đến trong thời gian tới.

Dù vậy, ông Sơn cũng nhấn mạnh nhịp điều chỉnh này sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư mua vào để đón con sóng lớn vào cuối năm nay, đầu năm sau.

Theo: Trí Thức Trẻ