Khi đang ngủ, chị N.T.L (sinh năm 2000) tại làng Yên Phú, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) bất ngờ bị một con rắn cắn. Sau 5 ngày điều trị, rất tiếc cô gái ấy đã không qua khỏi.
Trong thời gian vừa qua, không ít lần dân mạng cảm thấy xót xa trước một số trường hợp bị rắn cắn và không qua khỏi. Lại một lần nữa, câu chuyện về một cô gái trẻ ở Nghệ An lâm vào tình cảnh tương tự làm nhiều người không khỏi thương cảm.
Cô gái bị rắn cắn khi đang ngủ
Mới đây, trang VTC vừa dẫn lời ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An chia sẻ về việc một cô gái trẻ cư trú trên địa bàn không qua khỏi sau 5 ngày điều trị vì bị rắn cắn. Cụ thể, ban đêm khi chị L đang đi ngủ tại phòng trên tầng 2 thì một con rắn cạp nia đã chui vào trong chăn. Do phòng có bật điều hòa khá lạnh, chị kéo vật dụng này lên đắp thì con vật kể trên bất ngờ lao ra và cắn vào cổ, tay của nạn nhân. Sự việc diễn ra vào khoảng 2h sáng ngày 3/7.
Ngay lập tức nạn nhân được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện gần nhà. Sau đó, chị L tiếp tục được đưa xuống Bệnh viện Hữu nghị Đa Khoa Nghệ An. Thế nhưng do tình trạng quá nặng nên cô gái trẻ đã không qua khỏi và ra đi vào trưa ngày 8/7. Trước sự mất mát này, đại diện chính quyền địa phương đến thăm hỏi và chia buồn cùng với gia đình.
Cộng đồng mạng chia buồn với gia đình cô gái trẻ
Sự việc kể trên thu hút sự chú ý của vô số bạn đọc. Trong đó, ai nấy đã gửi lời chia buồn đến gia đình nạn nhân. Đồng thời, rất nhiều chị em cũng bày tỏ sự lo lắng khi họ không có thói quen kiểm tra chăn mà trước khi ngủ.
Được biết, rắn cạp nia là một trong những loài rắn có độc tính mạnh nhất. Loài bò sát ấy có đầu nhỏ, người tròn, thân hình có khoang đen trắng xen kẽ nhau. Khi nọc của loài này xâm nhập vào cơ thể chúng ta, nó sẽ gây ra tình trạng làm tê liệt tứ chi, khiến nạn nhân lâm vào cảnh suy hô hấp. Nếu không chữa trị kịp thời thì sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Làm gì khi bị rắn cắn?
Theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khi bị rắn cắn chúng ta cần sơ cứu ngay lập tức trước khi đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Cụ thể, người bị rắn cắn không nên hoảng loạn, không tự đi lại và tránh vận động để hạn chế tình trạng nọc độc xâm nhập vào cơ thể. Trong một số trường hợp, nạn nhân hoặc người xung quanh có thể chích, nặn rửa vết cắn dưới vòi nước sạch với xà phòng rồi sát trùng. Với trường hợp bị rắn cạp nia cắn như trên, cần áp dụng biện pháp băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt.
Ngay sau khi sơ cứu, nạn nhân cần được đưa đến ngay cơ sở y tế nhanh và an toàn nhất. Đồng thời, khi đến nơi cần cung cấp cho y bác sĩ đặc điểm, tên loài rắn để các lực lượng y tế tiến hành công tác chữa trị nhanh hơn.
Cũng cần nói thêm rằng, nước ta là quốc gia thuộc vùng nhiệt đới nên rừng rậm tăng trưởng tương đối tốt. Điều này dẫn đến loài động vật cũng phát triển rất đa dạng, ví dụ như các loài rắn. Theo một số tài liệu nghiên cứu, Việt Nam có khoảng hơn 200 loài rắn. Trong đó có khoảng 53 loài mang độc, như rắn lục đuôi đỏ, rắn hổ mang chúa, rắn biển kim…
Quay trở lại với vụ việc chị L bị rắn cắn kể trên, nhiều dân mạng không khỏi thương tiếc trước sự ra đi đột ngột của cô gái trẻ ấy. Về phía mình, bạn thấy như thế nào về sự việc này, hãy chia sẻ cùng Phụ Nữ Thế Hệ Mới nhé!
Nguồn: Tổng hợp