Charlie Tôn Quý và các tỷ phú gốc Việt làm giàu từ ngành nails tiết lộ bí quyết thành công

Khi bùng phát dịch Covid-19, những tưởng ngành nails tại Mỹ đã đi vào ngõ cụt, thế nhưng với sự cố gắng của mình, người gốc Việt tại đây lại vươn lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

0
343

Khi bùng phát dịch Covid-19, những tưởng ngành nails tại Mỹ đã đi vào ngõ cụt, thế nhưng với sự cố gắng của mình, người gốc Việt tại đây lại vươn lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Đế chế nails tỷ USD của người Việt tại Mỹ “rung chuyển” vì Covid-19

Ngày 7/5/2020, thống đốc Gavin Newsom (thủ phủ Sacramento, bang California, Mỹ) thông báo về trường hợp lây nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng ở tiểu bang này xuất phát từ một tiệm làm móng. Thông tin kể trên như một “quả bom” làm rung chuyển đế chế làm nails (móng) mười mấy tỷ đô la ở Mỹ, đặc biệt là ở California – nơi tập trung người gốc Việt, tiệm và thợ làm nails đông nhất tại quốc gia này.

Tiệm Cindy’s Nail and Spa phục vụ khách vào ngày 3/8. (Ảnh: Thanh Niên)

Ngay lập tức, nhiều cá nhân đã lên mạng phản ứng và gửi đơn phản đối. Nhiều thợ làm nails lúc này đã nghĩ tới viễn cảnh nghề của mình bị tẩy chay, nhất là khi tình trạng phân biệt chủng tộc nhắm vào người châu Á ngày càng dâng cao. Thời điểm ấy, trên khắp nước Mỹ (ngoài trừ tiểu bang Connecticut), các tiệm nails chuẩn bị kỹ càng cho sự giãn cách và hạn chế tối đa khách ra vào tiệm.

Nhiều người gốc Việt làm nails bị giảm sút thu nhập, thậm chí là mất việc làm. Về phía các chủ tiệm, họ đứng ngồi không yên bởi ngoài thất thu còn phải đóng tiền thuê tiệm. Thế nhưng đó chưa phải là tất cả, nỗi lo chung của những người thợ lúc này đó chính là đau đầu chọn lựa giữa tiền bạc hay bệnh tật.

Tạp chí Nails: Người Mỹ gốc Việt nắm hơn 40% ngành nails tại Mỹ

Hơn 40 năm kể từ ngày nữ minh tinh Tippi Hedren cho thợ làm móng của mình dạy nghề cho 20 phụ nữ Việt Nam về nails, nó đã trở thành một “đế chế quyền lực” của người gốc Việt ở xứ cờ hoa. Về phần doanh thu, chỉ riêng năm 2018, hệ thống ngành nails trên toàn nước Mỹ đã đạt doanh thu hơn 10 tỷ USD.

Chị Cindy Trần tại tiệm nail của mình ở New Orleans. (Ảnh: Thanh Niên)

Kiều bào nước ta sở hữu tiệm nails khắp mọi nơi. Đâu đâu cũng thấy người Việt mở tiệm và làm thợ, đánh bại những tiệm khác bởi sự khéo tay, nhã nhặn và cần cù. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, người Việt sở hữu tiệm nails ở mọi nơi trên đất Mỹ, không khác gì những quán cà phê Starbucks hay quán ăn nhanh McDonald’s. Ngành nào cũng có những cái khó khăn, vất vả. Thế nhưng, bà con vẫn luôn cố gắng bởi đây vẫn là nghề làm ra tiền nhanh, nhiều và phù hợp.

Ngành nails sau đại dịch Covid-19 và bài học từ các tỷ phú triệu đô

Với đôi bàn tay, khối óc, rất nhiều người Việt thành công khi lựa chọn nails để khởi nghiệp. Một trong số đó chính là Charlie Tôn Quý. Năm 1997, ông bắt đầu kinh doanh trong lĩnh vực nói trên với việc mở cửa hàng làm móng đầu tiên Walmart (Mỹ). Và 20 năm sau đó, ông đã sở hữu hệ thống nhượng quyền Regal Nails với gần 1.000 chi nhánh, chiếm 1,5% thị phần các cửa tiệm nails cho người Việt làm chủ ở Mỹ.

Ông Charlie Tôn Quý. (Ảnh: Báo Doanh nhân)

Được biết, phần lớn các cửa tiệm của công ty ông đều nằm trong hệ thống Walmart và doanh thu hằng năm lên đến 500 triệu USD. Trung bình mỗi năm, Charlie Tôn Quý mở khoảng 100 tiệm nails. Khi nói về khả năng của những thợ người Việt, ông cho biết: “Người Việt Nam rất khéo tay, siêng năng và chịu khó, tư duy làm dịch vụ rất tốt nên đây không phải là điều tôi lo lắng nhất. Điều tôi quan tâm là việc giữ vệ sinh và khử trùng cửa tiệm theo tiêu chuẩn Walmart”.

Được biết, trước khi thành lập chuỗi tiệm nails nhượng quyền kể trên, Tôn Quý từng điều hành công ty nhập khẩu các phụ kiện, hóa chất trong ngành chăm sóc móng có tên là Alfalfa Nails Supply. Ngoài ra, ông phát triển rất nhiều dòng nước sơn, bàn ghế, máy móc, dụng cụ…để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường làm nails. Hiện tại, Alfalfa Nails Supply đang phục vụ cho 10.000 tiệm, Regal Nails đã vượt qua mốc 900 tiệm ở Mỹ, 80 tiệm ở Canada và vẫn đang trên đà phát triển. Có thể nói ở tuổi 35, Charlie Tôn Quý có trong tay sự nghiệp nhiều người sinh sống trên đất Mỹ mong muốn.

Charlie Tôn Quý trong một cửa hàng Regal Nails của mình.

Thành công là thế đó nhưng người đàn ông này không ngừng lao động, sáng tạo. Trong một video gần đây Charlie Tôn Quý khiến ai nấy “choáng ngợp” trước “bí mật hậu trường” khi khoe khu nhà kho pha màu, sản xuất máy móc…

Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng khá nhiều đến Regal Nails. Theo ông Tôn Qúy, vấn đề họ gặp phải lúc này đó chính là thiếu thợ để duy trì hoạt động. “Lượng khách hàng rất đông, nhưng không có đủ thợ làm nên chúng tôi đang phải chấp nhận mất khách”, ông Quý nói.

Cửa hàng Regal Nails trong Walmart.

Ngoài Charlie Tôn Quý, tại Mỹ có rất nhiều người khác thành công trong lĩnh vực nails, một trong số đó chính là Thái Trần. Ông là chủ hệ thống 42 tiệm Nails of America. Vào tháng 7/2021 vừa qua, khi tham gia đoạn phỏng vấn với Vương Phạm, ông cũng đã có những chia sẻ những góc nhìn cá nhân về tình hình kinh doanh của mình sau dịch Covid-19 tại xứ cờ hoa.

Trong đoạn clip phỏng vấn ấy, ông Thái Trần cho rằng, việc kinh doanh tiệm nails trên đất Mỹ giờ đây đã khác trước đây khá nhiều và đãi ngộ cho người thợ của tốt hơn. “Thợ nails bây giờ rất có giá. Để làm việc với họ, bạn phải khéo léo để giữ họ lại. Bí quyết của tôi đó chính là mang đến cho thợ sự thỏa mái, vui vẻ về nơi làm việc và mang lại nhiều tiền. Họ làm nhiều tiền mà căng thẳng sẽ không ở lâu. Vui mà tiền ít không ở lại. Người làm kinh doanh phải hội tụ cả hai yếu tố trên”, ông nói.

Bên cạnh đó, về mức thu nhập của thợ nails hiện tại, Thái Trần chia sẻ: “Trung bình thợ lương cơ bản 3.000 đô la, bên cạnh đó họ còn nhiều khoản thu khác. Nếu tính tổng thu nhập, thợ giỏi khoảng 15.000 đô/tháng, trung bình 8.000 đô/tháng, thấp lắm 6.000 đô/tháng”.

Thái Trần – ông chủ hệ thống 42 tiệm Nails of America.

Khi nói về việc mở tiệm nails thành công, ông cho biết cần phải có 5 yếu tố. Thứ nhất đó chính là “location”. Khi xây dựng tiệm phải chọn vị trí phù hợp, nơi có đông người qua lại, gần các trung tâm thương mại, chợ, có chỗ đỗ xe thỏa mái.

Ví dụ như tiệm nails số 42 vừa khai trương vào tháng 7/2021, ông lựa chọn mở ở một khu sang, rộng 400m2, mỗi tháng chỉ riêng tiền thuê mặt bằng mất khoảng 20.000 đô. Bên cạnh vị trí đắt địa, dịch vụ làm móng đẹp, mỗi khách khi đến đây có thể chủ động bấm chọn người làm đẹp cho mình thông qua hệ thống máy móc. Không chỉ vậy, những “thượng đế này” sẽ được tiếp đón chu đáo ngay từ phía bên ngoài và được phục vụ rượu miễn phí.

Yếu tố thứ 2 để thành công trong ngành nails tại Mỹ đó chính là biết đối thủ của bạn là ai. Đôi khi có những địch thủ khó nhưng không nặng cân, chúng ta vẫn còn thể cạnh tranh được. Hãy đánh giá tổng quan số dân tại khu vực, dân có tiền, có tiệm nào bắt mắt hay không. Từ đó chúng ta có thể ước lượng khả năng lấy được thị phần của mình.

Có rất nhiều yếu tố quyết định thành công của một tiệm nails.

Tiếp theo, phải có được thương hiệu riêng của mình. Thái Trần cho biết, ông đã xây dựng tên tuổi trong suốt 20 năm. Không cần thợ giữ khách giỏi, khách đến quán vì tiệm chứ không phải vì thợ. “Thóc lúa ở đâu, bồ câu ở đó. Khách thấy tiệm đông khách sẽ tới. Đó là chưa kể việc những người thợ sẽ truyền tai nhau về việc tiệm này đông quá, phải từ chối phục vụ. Họ đồn và rủ nhau tới đây để ‘hốt’”, vị này cho biết.

Thứ 4 đó chính cách marketing cho tiệm. Trong thời đại mới, đây là một khâu rất quan trọng. Cũng cần nói thêm rằng, Vương Phạm là một trong những tỷ phú người Việt trên đất Mỹ. Bên cạnh mảng xây dựng, nam thanh niên này cung cấp dịch vụ marketing dành cho các tiệm nails tại xứ cờ hoa.

Thứ 5 đó chính là vấn đề quản lý, đặc biệt là vai trò của giám đốc điều hành. Theo Thái Trần, người này cần khôn khéo trong việc điều hành để khách ngày càng đông, thợ làm hết mình mà không quấy phá.

Có thể nói, sức ép cạnh tranh giữa các tiệm nails trên đất Mỹ hiện tại khá lớn. Tuy nhiên, những người Việt chúng ta luôn có cách để chinh phục và vượt qua khó khăn. Nếu như ông Charlie Tôn Quý nhân rộng chuỗi cửa hàng với chiến lượt phát triển tại hệ thống Walmart, dẫn đầu về xu hướng màu sơn, ứng dụng công nghệ để chinh phục khách hàng thì Thái Trần lại có hướng đi khác. Cụ thể, ông chú trọng việc xây dựng tiệm mới hoàn toàn ở những khu sang, sầm uất, chú trọng vào trải nghiệm của khách hàng, để cao nhân viên, vấn đề marketing và quản lý.

Họ và rất nhiều những chủ tiệm khác đang hoạt động trong lĩnh vực nails trên đất Mỹ dù “chiến lược” có khác nhau trong việc kinh doanh nhưng tựu chung ở những con người này đó chính là việc ứng dụng công nghệ, dẫn đầu xu hướng, tối ưu dịch vụ, sự yêu nghề và tinh thần không ngừng học hỏi để ngày càng phát triển hơn nữa.

Nghề nails tại Việt Nam phát triển nhanh chóng

So với Mỹ, ngành nails ở Việt Nam có thể không phát triển bằng. Thế nhưng, 5 năm trở lại đây, người ta dần thấy có sự “lột xác” không nhỏ của lĩnh vực này, đặc biệt ở những thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội. Bên cạnh những cá nhân tự kinh doanh, một số gia đình có nhiều cửa tiệm nails ở nước ngoài đã hỗ trợ người thân mở tiệm ở Việt Nam. Với những kinh nghiệm về cách thức kinh doanh, kỹ thuật mới, tất cả đã góp phần không nhỏ để thay đổi “diện mạo” của lĩnh vực này.

Tính đến nay có thể kể tên một loạt các tiệm, chuỗi cửa hàng nails tại các thành phố lớn ở nước ta. Đa dạng về phong cách, đẹp mắt về hình thức, chuyên nghiệp về dịch vụ là những gì người ta nhớ đến những cửa hàng này. Ví dụ như chuỗi Salon Trang Nail Care kinh doanh theo mô hình “full- service”. Tất cả các dịch vụ về làm đẹp từ tẩy da chết, triệt lông, nối mi, massage, skin care, gội đầu, làm tóc… cho đến nails. Hay như Halei Shop với hệ thống chi nhánh 24 tiệm nails.

Tiệm nails Trang Nail Car.

Có thể nói, dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống trên phạm vi toàn cầu, đa lĩnh vực và ngành nails cũng không ngoại lệ. Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng với bàn tay, sự thông minh, nhanh nhạy, bà con dù ở đâu làm nghề gì vẫn luôn thích ứng linh hoạt với thời cuộc để phát triển việc kinh doanh của mình. Cùng chúc rằng, các cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực nails sẽ “chắc tay lái, vững tay chèo” để thành công hơn nữa.

Nguồn: Tổng hợp