Vụ nam sinh 16 tuổi qua đời: Bố mẹ cũng có thật nhiều nỗi khổ mà con cái không biết!

Chỉ khi con cái và ba mẹ nói ra những điều buồn bực trong tim, mối quan hệ của họ mới trở nên thân thiết và gắn bó gấp nhiều lần.

0
259

Ngày 1/4, vụ việc một nam sinh cấp 3 trèo qua ban công căn hộ ở tầng 28 tòa chung cư Văn Phú Victoria (Hà Đông) lao xuống đất dẫn tới tử vong khiến nhiều người bàng hoàng. Thật đau xót khi em ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, bao nhiêu tương lai đang rộng mở trước mắt. Sau vụ việc, người ở lại cũng đau lòng không kém khi mất đi người con trai yêu quý, sự ân hận và cả những lời chỉ trích từ mạng xã hội.

Nơi xảy ra sự việc đau lòng của nam sinh trường chuyên…

3h sáng, người ta thấy một ông bố vẫn ngồi canh cho con trai học. Thế nhưng chỉ một phút chốc sau đó, chàng trai ấy đã kết thúc cuộc đời của mình trong sự gào thét, bất lực của bố mẹ. Trước cảnh tượng ấy, người cảm thông, người phẫn nộ nhưng cũng có ý kiến giá như có sự thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái thì những sự việc đáng tiếc như thế này sẽ không xảy ra.

Xã hội ngày càng phát triển, ai cũng có những áp lực những nổi niềm khó nói. Thế nhưng con ơi, cha mẹ cũng nào đâu phải thánh nhân: Con có nổi niềm của con, đấng sinh thành cũng có nổi niềm riêng của họ.

Là người phụ nữ trong gia đình, xin đừng trách mẹ khi có những phút giây “vô tâm”. Người đời và xã hội dường như khoác lên vai những người mẹ nhiều áp lực vô hình: Con hư tại mẹ, con học dở tại mẹ, gia đình không hạnh phúc tại mẹ, chồng cãi nhau với bố mẹ cũng tại vợ…

Không chỉ hoàn thành tốt việc ở công ty, người phụ nữ ấy phải lo trọn việc nhà, hiếu thảo nội ngoại và cả lo dạy con cái. Khi có con, họ dường như bỏ qua tất cả, dốc sức kiếm tiền để lo chu toàn gia đình. Lắm khi, dù đã quá mệt mỏi, áp lực cũng chẳng ai giữ được một trái tim nóng và cái đầu lạnh để thấu hiểu mọi suy nghĩ của con. Mẹ không phải siêu nhân, chẳng phải chuyên gia tâm lý. Mẹ cũng chỉ là người thường với bao nỗi khổ trăm bề.

Sẽ đến một lúc nào đó, con sẽ hiểu rằng, làm trụ cột trong gia đình là một câu chuyện dài. Trong bộ phim Reply 1988, khi bố của Duk Sun vụng về giãi bày với cô con gái nhỏ: “Bố không phải vừa sinh ra đã làm bố, bố cũng là lần đầu tiên làm bố”.

Khoảng cách về thế hệ khiến bố mẹ và các con khó có tiếng nói chung

Trong vụ việc nói trên, hình ảnh ông bố ngồi canh con trai học bài dù đã hơn 3h sáng khiến nhiều người không khỏi buồn lòng. Và có lẽ, ông bố ấy sẽ không bao giờ có thể biết rằng trong đầu con mình đã lập hẳn kế hoạch cho 1 sự giải thoát kinh khủng…

Hành động người cha canh con học nếu nhìn rộng ra một chút đó là cả một sự kỳ vọng, mong muốn con đậu vào ngôi trường mơ ước. Có trách ở đây phải chăng nên trách vào “nếp sống” đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều thế hệ. Đau lòng thay, sự kỳ vọng này, âu lo này, yêu thương này, chăm sóc này rồi cuối cùng được đền đáp bằng một lần đứa trẻ của mình chọn… tự do theo cách chúng nghĩ.

Qua câu chuyện này, xin đừng trách ông bố bà mẹ ấy. Nếu chúng ta thương xót M. bao nhiêu thì bố mẹ của em đang đau khổ, dằn vặt gấp trăm ngàn lần. Có chăng, từ đây hãy học về cách thu hẹp khoảng cách giữa các thế hệ. Hãy ngồi xuống và nói chuyện với các con để cùng nhau thao dỡ tấm barie ngăn cách là… KHÔNG HIỂU NHAU.

Câu chuyện nói trên như một lời cảnh tỉnh cho những người làm cha, làm mẹ.

Hãy thấu hiểu và bao dung hơn với những đứa trẻ của mình.

Hãy tôn trọng một thế giới khác của con.

Hãy làm ơn đi để ý kĩ hơn những biểu hiện bất thường ở chúng.

Về phần các bạn trẻ, đừng vội lấy câu chuyện buồn này để “học hỏi” hay làm “tấm bình phong” để răn đe tâm lý bố mẹ. Cái chết chưa bao giờ là sự giải thoát, hãy tự cố cứu vãn chính mình khi còn sống, ấy mới chính là anh hùng.

Nguồn: Tổng hợp