Vụ bé gái không qua khỏi nghi vì bị bạo hành: Đừng im lặng!

Vụ việc bé gái 8 tuổi ở TP.HCM qua đời nghi vì bạo hành đã khiến nhiều người không khỏi đau lòng. Qua sự việc này, thông điệp “Đừng im lặng” được lan truyền một cách mạnh mẽ.

0
167

“Thế giới có ba loại người là chó sói, cừu và chó chăn cừu. Thế giới trở nên tồi tệ không phải vì những con sói mà vì sự im lặng cam chịu của những con cừu”– Sự im lặng của bầy cừu. Câu nói này càng được nhắc đến nhiều hơn, nhất là sau vụ việc bé N.T.V.A (8 tuổi, ngụ quận 1, tạm trú tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) nghi bị người tình của bố bạo hành tới mức tử vong vừa qua.

>> Xem thêm: Vụ bé 8 tuổi qua đời: “Dì ghẻ” từng tố giúp việc nạt nộ con nhưng bản thân lại hành động tàn nhẫn

Sự việc đau lòng

Vào tối 28/12, UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Công an thành phố, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND các quận huyện và TP. Thủ Đức về việc xử lý nghiêm vụ việc bé gái 8 tuổi nghi bị bạo hành dẫn đến tử vong.

Sự việc xảy ra vào ngày 22/12. Khi ấy, dù được đưa đến bệnh viện cứu chữa nhưng bé V.A không qua khỏi vì thương tích nặng. Phía bệnh viện xác nhận bé V.A tử vong do phù phổi, trên cơ thể có nhiều vết bầm tím. Được biết, em sống chung với bố ruột và “dì ghẻ” tại một căn hộ ở chung cư cao cấp ở quận Bình Thạnh. Hiện tại, nghi phạm V.N.Q.Tr đã bị công an bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Hành hạ trẻ em”.

Vụ việc nói trên sau khi chia sẻ lên mạng xã hội đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Không ít dân mạng đau lòng trước sự ra đi của cô bé và bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi của những người trong cuộc, đặc biệt là “dì ghẻ” Q.Tr và sự tắc trách, thờ ơ, “tiếp tay” cho cái ác của người bố.

Bé V.A.tử vong trước khi được đưa đến bệnh viện

Ít ai có thể ngờ rằng, ngay tại một thành phố lớn, trong căn hộ cao cấp, em đã sống trong cảnh tủi hờn, ghẻ lạnh và sinh hoạt hằng ngày “được lập trình sẵn” như một cái máy. Một bé 8 tuổi, cần lắm hơi ấm tình thương từ gia đình nhưng hơn 1 năm qua em bị cấm gặp mẹ, không được hít hà hơi ấm của mẹ cho đến khi qua đời.

>> Tin liên quan: TP. HCM: Bé gái 8 tuổi không qua khỏi, công an bắt khẩn cấp người yêu 26 tuổi của bố

Đừng im lặng!

Điều đáng nói, cháu bé nói trên nghi bị bạo hành không chỉ ngày một ngày hai mà trong suốt nhiều ngày, thậm chí cả năm. Em qua đời vì những tổn thương trên cơ thể với mảng vết bầm tím cỡ lớn. Đó chính là dấu ấn từ sự tàn độc của người trong nhà. Không chỉ vậy, nhiều người còn đau lòng nhận ra, chính sự im lặng đến lạnh lùng của những cá nhân xung quanh đã dẫn đến bi kịch ngày hôm nay.

Người thân và cư dân chung cư tổ chức lễ viếng cho bé gái xấu số

Vậy nên, đừng im lặng khi thấy một đứa trẻ bị bạo hành, dù bạn là ai, vai trò gì ở đây chăng nữa. Hãy lên tiếng để thay đổi, giúp đỡ cuộc đời của ai đó.

Nếu bạn là một người mẹ sau ly hôn nhưng bị cấm gặp con. Hãy kêu gào, làm mọi cách để được thăm con, biết con mình đang sống như thế nào và con ra sao. Đừng ngại, đừng sợ mất mặt, biết đâu con đang mong chờ lắm ngày mẹ xuất hiện để cứu con.

Gia đình bé V.A. nhờ Hội bảo vệ quyền trẻ em Tp. Hồ Chí Minh tư vấn, hỗ trợ pháp lý.

Nếu bạn là bác bảo vệ, hàng xóm, giáo viên, bác sĩ, công an khu vực hay chỉ là một “người dưng” qua đường khi phát hiện đứa trẻ có những bất thường trên cơ thể hãy lên tiếng. Đôi khi “lấy dây buộc mình”, nhưng đừng im lặng, đừng chậc lưỡi cho qua bởi biết đâu đó có em bé đang đắng cay, sống trong tủi hờn và những trận đòn roi hà khắc.

Chúng ta, bất kể là ai xin cũng đừng im lặng trước đau thương của những đứa trẻ. Pháp luật phải được thực thi đầy đủ để bảo vệ quyền trẻ em, phải xử thật nghiêm khắc và tới nơi tới chốn tội bạo hành trẻ em.

Hồi chuông cảnh tỉnh tới tất cả chúng ta

Khi sự việc kể trên xảy ra, ai có lỗi sẽ phải trả giá nhưng chỉ mong rằng, sau V.A sẽ không còn một em bé nào rơi vào cảnh tương tự. Theo thạc sĩ Nguyễn Phạm Khánh Vân, sự ra đi của bé 8 tuổi nói trên là “cái chết cảnh tỉnh con người.

“Hãy gọi 111 khi thấy có bạo hành trẻ em. Hãy báo cảnh sát khu vực và nói tôi đã lưu lại ngày giờ tôi báo anh, nếu anh không xử, có việc gì anh chịu trách nhiệm”, cô viết.

Đồng thời, chị cũng cho rằng, trên đời này không có gì đáng sợ bằng một người mẹ hung dữ: “Hãy là một con sư tử, một con cọp, một con báo, một con đại bàng, một con linh cẩu, bất cứ con gì mà bạn thấy phù hợp, để bảo vệ con. Mạng sống là cho con, không cho đứa nào!”.

Đồng với quan điểm nói trên, Chuyên gia tâm lý học ứng dụng Phạm Trần Kim Chi cũng bày tỏ sự bức xúc của mình liên quan đến vụ việc: “Tôi chưa bao giờ công khai, công kích cá nhân một người nào, nhưng lần này tôi sẽ làm, vì im lặng cũng là một tội ác. Chúng ta không thể dùng văn minh để ngụy biện cho sự vô cảm”.

Chuyên gia tâm lý học ứng dụng Phạm Trần Kim Chi.

Giảng viên Phan Hồ Điệp bày tỏ tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của em bé 8 tuổi nói trên. “Cô bé ơi, chắc bây giờ thì con đã biết, con người không phải cứ ở một mình tại một nơi thật xa, trên một hòn đảo trống trơn nào đó mới là cô đơn. Mà đôi khi, cô đơn nhất là khi ở giữa đông người”, chị viết.

Đặc biệt, chị cho rằng, việc để con ở cùng không phải là cha mẹ đẻ cũng giống như việc đi đào kho báu. Có khi tìm được kho báu nhưng cũng có khi toàn rác rến, mảnh vỡ. “Chắc còn lâu nữa, những người lớn chúng ta mới có thể giải thích được với con trẻ rằng: Nhiều người lớn coi trọng sự ngay ngắn của quần áo hơn là sự ngay ngắn của tư cách, liêm sỉ. Bởi người ta nghĩ, quần áo luộm thuộm dễ bị người khác phát hiện hoặc không phô ra được sự giàu sang. Còn tư cách, liêm sỉ nếu ‘luộm thuộm’, nhếch nhác, tởm lợm đến vô sỉ thì khó phát hiện hơn và khi phát hiện ra có thể dùng tiền để khỏa lấp”, giảng viên Phan Hồ Điệp chia sẻ.

Giảng viên Phan Hồ Điệp.

Có thể nói, sự ra đi thảm thương của một em bé 8 tuổi ngay tại thành phố lớn, giữa chung cư cao cấp đã đánh vào lương tri của mỗi người. Hãy lên tiếng và hành động vì các con. Bởi trẻ em đôi khi không cần gì nhiều, chỉ cần tình thương của mỗi chúng ta.

Chúng tôi xin tạm kết bài viết của mình bằng những chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em: “Chúng ta, người dù xa lạ hay thân thiết, hãy đứng ra bảo vệ những đứa trẻ, bảo vệ tuổi thơ của con. Thương xót, đồng cảm, đau đớn là điều nên làm nhưng chưa đủ. Khi biết vụ việc có dấu hiệu bạo hành, ngay lập tức chúng ta thông báo với các cơ quan có thẩm quyền, những tổ chức liên quan, cấp thấp không được thì thông báo với cấp cao hơn. Chúng ta đừng làm qua loa mà phải làm quyết liệt, đến cùng, đến khi có người can thiệp, bảo vệ trẻ thì thôi”.

>> Có thể bạn quan tâm: Bé gái 16 tháng tuổi qua đời vì bị bố mẹ nuôi bạo hành dã man ở Hàn Quốc

Nguồn: Tổng hợp