Đó là công bố của đạo diễn Lê Nguyên Đạt sau buổi họp báo ra mắt vở cải lương thể nghiệm mang tên Nhật thực.
Đây là vở cải lương được Nhà hát Thể nghiệm Thế Giới Trẻ (Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM) phối hợp với Sân khấu xã hội hóa Sen Việt thực hiện để tham gia Liên hoan Sân khấu Thể nghiệm Quốc tế lần 3 được tổ chức tại Hà Nội vào cuối năm nay.
Nói về Cải lương thể nghiệm, đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho biết anh đã ấp ủ từ lâu với mong muốn tìm ra một con đường mới cho sân khấu cải lương, để có thể tiếp cận được với khán giả trẻ. Chính vì thế mà anh và êkip của mình đã chọn kịch bản Diễn kịch một mình của soạn giả Lê Duy Hạnh để chuyển thể sang cải lương thể nghiệm với tên gọi mới là Nhật thực.
Cách đây hơn 20 năm, vở Diễn kịch một mình đã từng khuấy đảo Sân khấu nhỏ 5B tại TP.HCM với tài năng diễn xuất của NSND Bạch Tuyết. Một vở kịch chỉ với một diễn viên, suốt 90 phút mà khán giả say mê theo dõi thật kỳ lạ…
Nay, Diễn kịch một mình được chuyển thành Nhật thực với hình thức cải lương thể nghiệm. Không chỉ thể nghiệm về hình thức sân khấu, êkip của đạo diễn Lê Nguyên Đạt còn muốn thể nghiệm luôn từ khâu kịch bản khi chọn 1 tác giả trẻ mới 24 tuổi là Nguyên Phương (đang học năm cuối Khoa đạo diễn sân khấu) để chuyển thể tác phẩm này, khiến nhiều người trong giới lẫn báo chí tò mò, thú vị.
Và nhân vật duy nhất NGƯỜI NGHỆ SĨ được giao NSƯT Lê Trung Thảo đảm trách và thật bất ngờ khi sự hóa thân của anh cùng lúc vào ba nhân vật vua, trung thần, nịnh thần một cách thật xuất sắc, chứng tỏ sự đa năng của Lê Trung Thảo trên sàn diễn. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận sự hỗ trợ đắc lực của 2 nghệ sĩ trẻ Hoàng Quốc Thanh (HCV Trần Hữu Trang) và Thành Tây (HCV Bông lúa vàng) dù không lộ diện (vì phải mang mặt nạ) nhưng cũng góp phần không nhỏ để làm nền cho nhân vật chính của Lê Trung Thảo tung tẩy, biến hóa.
Theo một nhà báo lâu năm chuyên viết về sân khấu, điều mà người ta sợ nhất trong một tác phẩm Thể nghiệm chính là âm nhạc, vì âm nhạc là xương sống của cải lương, nếu không khéo nó sẽ không còn ra chất cải lương. Không ngờ nhạc sĩ Võ Thanh Liêm đã phối thật giỏi, những “hò xang xê cống” vẫn hòa điệu được với âm nhạc đương đại, vẫn trữ tình, ngọt ngào mà không kém phần lôi cuốn, hấp dẫn. Xử lý được âm nhạc là thành công đến một nửa. Phần còn lại thuộc về không gian trình diễn. Sân khấu ước lệ của hoạ sĩ Lê Văn Định đẹp trong sự giản dị, gọn nhẹ, mà đạo diễn Lê Nguyên Đạt nói anh sẽ dễ dàng đi lưu diễn từ Nam ra Bắc. Trang phục cũng đầy tính biểu đạt, rất tối giản nhưng vẫn vừa đủ lung linh, vừa đủ sang trọng.
Sau khi vở cả lương thể nghiệm Nhật thực được phúc khảo, cả giới báo chí lẫn Hội đồng chuyên môn đều có chung một nhận định: “Đạo diễn Lê Nguyên Đạt thổi một làn gió tươi mới vào cải lương…”. Và đây cũng thêm một lần nữa, cải lương được “thắp lửa” bởi một êkip đầy tâm huyết, hi vọng khán giả cũng sẽ ủng hộ và đón xem Nhật thực vào tối 5/5/2019, tại Nhà hát Công Nhân (30 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM).
Sau xuất diễn đầu tiên vào tối 5/5, Nhật thực sẽ còn công diễn thêm 4 suất nữa vào các ngày 6/7, 3/8, 7/9, 5/10 trước khi tham gia Liên hoan Sân khấu Thể nghiệm quốc tế lần 3 với sự tham gia của hơn 30 quốc gia trên thế giới.