Đó là trường hợp của chị Võ Thị Hoa – Bác sĩ vật lý trị liệu Bệnh viện Đà Nẵng. Từ đứa trẻ bị lạc gia đình trong những ngày loạn ly vào tháng 3/1975, để rồi phải trải qua tuổi thơ buồn tủi, cơ cực, đòn roi và phấn đấu vươn lên thành đạt như ngày hôm nay và chị cũng đã tìm lại được gia đình của mình sau 46 năm thất lạc…
* Chào Bác sĩ Hoa. Nhiều người biết chị qua hành trình tìm lại gia đình sau mấy mươi năm thất lạc. Từ 1 bức ảnh chụp năm 1975, tại sao chị còn được bức ảnh quý giá đó? Và chị còn nhớ những gì lúc thất lạc người thân năm ấy?
– Bác sĩ VÕ THỊ HOA: Dạ, thưa anh. Khi lạc gia đình vào cuối tháng 3/1975 tại cảng Cam Ranh, mặc dù lúc đó tôi mới 4-5 tuổi nhưng vẫn còn nhớ như in, lúc đó tôi mặc đúng một bộ đồ trên người và không có trong tay bất cứ thứ gì.
Tôi còn nhớ lúc nhỏ mình tên Tiên hay Tuyên gì đó. Sinh khoảng 1968-1970. Nhà có ba, mẹ và 4 anh chị em, nhưng tôi chỉ nhớ 1 người tên Mai, có thể là tên mẹ của tôi. Còn ba tôi thì hay đi đâu đó lâu lâu mới về, tôi đoán là đi lính.
Tuy nhiên tôi không nhớ nổi nhà mình ở đâu trước khi kéo chạy vào cảng Cam Ranh để đi di tản vào tháng 3/1975. Khi đến cảng thì đám đông chen lấn để được trẻo lên một chiếc xà lan. Có người đàn ông đứng dưới đỡ trẻ nhỏ lên xà lan, nhưng khi gần tới lượt tôi thì chiếc xà lan đã nổ máy chạy đi. Tôi cũng không biết gia đình mình đã lên xà lan được hay chưa.
Đứng trên bờ khóc đến chiều tối thì người ta đưa tôi về bốt chờ. Đợi rất lâu mà không ai đến nhận. Các chú ở nơi đó biết tôi bị lạc nên giữ tôi lại và hỏi gì tôi nói đó, rồi các chú ghi lại trong 1 tờ giấy và gói vào trong 2 bao nilông. Khi tình hình yên ắng trở lại, một người phụ nữ nhận tôi làm con nuôi và đưa về miến Trung.
Nhà cha mẹ nuôi lúc đó là tiệm ảnh, trong một chuyến đi chơi tại một ngôi chùa ở Đà Nẵng, họ đã chụp cho tôi tấm ảnh ấy và tôi còn giữ đến ngày hôm nay.
* Tại sao mãi đến năm 2021 chị mới quyết định đăng bức ảnh đó và tham gia chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” để tìm gia đình thất lạc của mình?
– Tại vì gia đình nhận nuôi tôi không cho ăn học. Họ nhận nuôi với mục đích giữ con cho họ và gánh nước làm việc nhà. Nên tôi phải học bổ túc văn hóa vào ban đêm. Sau bao ngày tháng tuổi thơ cơ cực và vất vả, cuối cùng tôi thi đổ lớp 10 và mới được học ban ngày.
Sau này khi đã có gia đình, cùng chồng con ngồi xem tivi và biết được chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”. Năm 2021 tôi bàn với ông xã gửi thông tin, hình ảnh cho chương trình với mong muốn tìm lại được gia đình và người thân đã thất lạc từ lâu của mình.
* Sau khi chương trình đưa thông tin và bức ảnh lên, phải chờ bao lâu chị mới có những thông tin chính xác về những người thân anh em ruột của mình?
– Thật may mắn ngay trong năm 2021, trên Facebook có người kết bạn với tôi sau khi xem thông tin trên chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” và nói tôi giống cô giáo Trịnh Kim Thu ở Cam Ranh (Khánh Hòa) và cho tôi kết nối Zalo. Thế là tôi vào tìm hiểu, hỏi thăm, trò chuyện và nhận ra đúng là chị em thất lạc bấy lâu nay. Trịnh Kim Thu cũng kết nối với các anh chị em khác trong gia đình và hết dịch chúng tôi gặp nhau cả gia đình tại Nam Đà, Krong Nô.
Tiếc là chúng tôi đoàn tụ quá trễ khi mà Má tôi vừa mất trước đó chưa đầy 2 tháng. Khi hay tin này tôi thật sự suy sụp khi bước chân đến ngôi mộ Má. Nước mắt chảy. Miệng cứng lại. Cảnh tượng lúc đó làm tôi chao đảo không đứng vững. Tôi thật sự buồn và ước gì được đoàn tụ với gia đình sớm hơn để tôi còn được gặp mặt Má một lần.
* Chắc trong buổi gặp gỡ lịch sử đó nhiều câu chuyện đầy nước mắt đã được kể cho nhau nghe phải không chị?
– Đúng vậy, cả nhà gặp nhau vỡ òa trong hạnh phúc. Bao nhiêu câu chuyện mừng tủi được kể nhau nghe. Tôi cũng đã kể trong nước mắt về tuổi thơ cơ cực và bất hạnh của mình cho cả nhà nghe. Từ câu chuyện bị Mẹ nuôi tạt nồi cám heo từ trên đầu xuống làm chân tay bỏng nặng, cũng may lấy tay đỡ được nên không bị bỏng mặt và đầu, nhưng chân tay bị bỏng để lại những vết sẹo trắng khắp nơi, giờ muốn mặc váy cũng ngại không dám mặc.
Đến chuyện gánh mỗi ngày 15 đôi nước, không gánh đầy ảng sẽ bị đánh không thương tiếc, ủi đồ không thẳng cũng bị đánh, chuyện đòn roi hầu như cơm bữa, bị đánh gãy tay, thậm chí có lần còn bị chặt gãy chân bằng rựa chẻ củi… Đây là những nỗi đau in hằn trong đầu tôi và ám ảnh tới bây giờ. Đôi khi đi làm về tôi không muốn về nhà mà ra biển hét thật to. Nước mắt chảy. Buồn cho thân phận mình…
* Chị chia sẻ thêm hành trình tự học bổ túc văn hoá gian nan ra sao để vươn lên trở thành 1 bác sĩ vật lý trị liệu thành công như ngày hôm nay?
– Do bị hành hạ quá nên tôi bỏ nhà ra đi từ năm 19 tuổi. Tự lực cánh sinh. Tôi được một cô nhặt ve chai cho ở nhờ. Buổi tối 8 giờ tôi đạp xe đến bãi rác nhặt nhôm, nhựa, giấy catton, ve chai… đến 11 giờ đêm mới về. Ngủ sáng đi học. Chiều cân ve chai lấy tiền đó dành dụm đóng tiền học, tiền ăn, mua quần áo, sách vở. Hè thị tôi đi đổ nước, tức bán trà đá để kiếm tiền… Nói chung tuổi thơ của chị đã trải qua hết các cơ cực, các nghề để kiếm sống nên tôi quyết tâm phải học để tìm cho mình một công việc ổn định sau này.
* Tại sao chị lại chọn ngành vật lý trị liệu để học và hành nghề như hiện nay?
– Tại lúc nhỏ tôi từng bị đánh gãy tay, chặt gãy chân nên di chứng bây giờ vẫn còn đau nhức. Tôi ước mơ học ngành Vật lý trị liệu trước tiên là để tự điều trị cho bản thân. Sau đó giúp những bệnh nhân khác. Nhờ nghề này mà tôi giúp được rất nhiều người. Bình thường tôi làm tư và làm hợp đồng với tất cả các bệnh viện ở Đà Nẵng. Có ca mời tôi sẽ nhận. Có khi bệnh nhân đến nhà, có khi tôi đến nhà bệnh nhân trị liệu cho họ vì có những trường hợp họ không đi được.