Truyện dự thi: Tết ở làng mang tên mới

0
149

Chiều ba mươi tết, không khí trong nhà ông Quyết thật chộn rộn. Khởi đầu là tiếng thét chói tai của chú lợn hơn một tạ bị đám trai tráng lôi ra chọc tiết. “Ngày tết cứ là phải có tí vọng lợn nó mới xôm”.


Minh họa của họa sĩ Trịnh Tú.

Tiếng dao thớt, xoong nồi va đập, những bước chân rậm rịch qua lại xen lẫn tiếng cười nói xôn xao và cả mùi đồ ăn bốc lên thơm ngào ngạt, báo hiệu một bữa tiệc thịnh soạn, no say. Sự ồn ào càng được đẩy lên thêm khi con trai ông đánh chiếc Mercedes về đỗ ngay cổng. (Số là năm nay nó trúng mấy quả thầu đậm nên mới lên đời xe, tiện thể làm tất niên khao cả xóm).

Mấy anh thanh niên thi nhau đứng sát cạnh chụp ảnh tự sướng tung lên face, đám nhóc thì tròn mắt nhìn say đắm rồi lần lượt lôi tay bố mẹ bắt phải chở ra quán đồ chơi đầu làng mua bằng được một chiếc giống như thế.

Liệu bây giờ tụi nhỏ có còn thích chơi ôtô đất như ông ngày xưa không nhỉ?

Thời các ông thì chế được cái gì chơi cái nấy, còn chúng cứ có tiền là có hết. Nào là người máy, tàu hỏa, máy bay điều khiển từ xa bay lượn trên không như thật. Có nhà sắm hẳn cái ôtô chạy điện trị giá hàng nửa tấn thóc. Bọn trẻ ngồi vào nhấn ga, gạt số oai đáo để.

“Nông thôn mới” thành ra quê cũng chả kém phố bao nhiêu. Làng nào giờ chẳng nhà cao tầng san sát, xe cộ đủ loại, đường bê tông lan tận đến nẻo cỏ mượt ngoài cánh đồng. Con cái lớn nếu không học hành tấn tới thì cũng xin vào làm may, làm nhựa, giày da, lương tháng chục triệu. Ai không đủ điều kiện đi công ty lại ra thành phố chạy bàn, rửa bát, làm ôsin, bảo vệ… Ối việc thu nhập tốt!

Vào vụ gặt, người ta chỉ cần nửa giờ đã vận chuyển xong hàng mẫu ruộng ngoài đồng về đặt gọn trong sân. Phần rơm nhanh chóng được những gia đình có trang trại dùng máy cuộn thành những cuộn to, cất vào kho làm thức ăn cho bò. Chỗ sót lại èo uột phất phơ rồi bị nắng thiêu rụi và tan hòa cùng đồng đất. Tất cả diễn tiến gọn gàng, nhanh chóng. Nhanh đến nỗi “chưa chắc hạt thóc kịp hiểu mình bị tách khỏi thân lúa bằng cách nào!?”. Những thứ một thời được coi là xa xỉ như internet, điều hòa nhiệt độ, máy giặt bây giờ cũng trở nên bình thường vì nhà nào chả có.

Làng ông Quyết nhờ mấy anh làm ăn thành đạt, nên oách nhất. Không oách sao được vì ngoài các thứ kể trên, làng còn có thêm sân cỏ nhân tạo, hồ bơi đạt chuẩn, có cả công viên với đầy đủ đèn cao áp, ghế đá, bồn hoa. Dân làng ông cứ gọi là tha hồ hếch mũi lên mà sướng. Mỗi sớm tinh mơ hoặc chiều tối, tiếng hò hét, giục giã nhau tập thể dục nghe náo nhiệt hơn ngày hội. Phen này chẳng cần Hội khỏe Phù Đổng, dân ta vẫn cứ khỏe như vâm!

Có hôm giữa trưa nắng gắt, ông Quyết rời khỏi phòng điều hòa muốn đi tìm ngọn gió thiên nhiên. Bàn chân ông đã từng băng rừng lội suối, từng vượt dãy Trường Sơn chót vót, thế mà bây giờ không thể bước chân trần trên đường làng quen thuộc chỉ bởi lẽ mặt đường quá nóng. Cái nóng từ trên trời đổ xuống, nóng dưới đất bốc lên, nóng phả ra qua những bức tường sơn đủ màu sắc, từ các họng điều hòa miệt mài thở. Tất cả cộng lại biến khoảng đường hai buổi đến trường thuở nào của ông thành một con rắn lửa khổng lồ tít tắp. Đôi dép cao su mềm nhũn như sắp tan chảy.

Cố lên!… Cố lên!.. Kia rồi! Cây đa già có chòm rễ rủ lòa xòa đã hiện trước mắt. Ông Quyết leo qua bậc đá vỉa xung quanh, đến sát cạnh gốc đa mới nhẹ nhàng ngồi xuống. Ông mở nắp bình, chiêu ngụm chè xanh, khà một hơi khoan khoái, tựa đầu vào thân cây lim dim. Nhưng được vài phút ông đã phải nhỏm dậy. Gió vẫn thổi miên man từ cánh đồng vào nhưng không còn mát lành dịu ngọt mà khô khan, bỏng rát.

Ông phóng tầm mắt xuống dòng sông – nơi từng là thiên đường thời thơ ấu. Sông vẫn lặng lờ vô cảm. Phía bên kia bờ lồ lộ một con đường bê tông trắng xóa nhìn giống như mảnh khăn của trinh phụ mang ra phơi cho khỏi mốc. Bất chợt, một chấm đen xuất hiện quãng đầu dòng khiến ông Quyết chú ý. Ông căng mắt nhìn mãi vẫn không nhận ra là thứ gì. Khi chấm đen đến gần, ông mới phát hiện đó là một con vịt đã chết trương phềnh đang trôi dập dềnh.

Thảo nào dân quê bây giờ đều phải thay  đổi!.. Nhưng ai thay đổi trước? Con người hay thiên nhiên? Và trong cuộc trở dạ này, hồn quê có còn hay mất? Hoặc giả còn nhưng đã khác? Câu hỏi đó ông Quyết không giải đáp nổi, chỉ biết rằng dân làng, con cháu ông đang có cuộc sống tốt hơn hẳn.

Mọi sự thay đổi tưởng như suôn sẻ hết, ấy thế mà vẫn có cái phải tranh cãi nảy lửa mới xong. Chẳng là xã Đông Phong của ông và xã Nhật Tảo do số nhân khẩu ít, thuộc diện sáp nhập theo chủ trương của Nhà nước. Hôm họp lấy ý kiến đặt tên mới cho xã, có người bảo Đông Tảo là tên một loài gà, dùng tên gà đặt cho xã e sẽ làm mất thể diện. Luồng ý kiến khác lại cho rằng, Đông Tảo là loại gà nổi tiếng ai cũng biết, dùng tên đó càng hay. Đặt như thế, người ta vào Google gõ chữ Đông Tảo là hiện ra xã mình luôn. Thiên hạ còn mất bao nhiêu tiền để được gắn tên cùng thương hiệu nổi tiếng nhằm mục đích ăn theo mà không được kia kìa… Bàn qua tính lại, cuối cùng ban tổ chức quyết định lấy biểu quyết và phe Đông Tảo thắng thế. Ấy cũng bởi vậy mà xã Đông Tảo đã được khai sinh.

Công cuộc nông thôn mới còn lan tỏa đến cả các khu nghĩa địa nữa cơ. Mọi người chưa chết đã đua nhau nhận chỗ vì sợ tấc đất tấc vàng. Sau này có khi phải bỏ cả trăm triệu mới mua nổi cái chỗ nằm ấy chứ. Rồi thì lăng Tàu, lăng Tây đua nhau mọc lên. Có cả những ngôi biệt thự bề thế. Nhìn khu nghĩa địa chẳng khác nào cụm dân cư của người sống. Có khác chăng chỉ là chỗ người sống thì to, ồn ào, còn khu người chết nhỏ hơn, im lìm theo đúng nghĩa “thành phố buồn”.

Hôm nọ ông Mực (tên mới là Mạnh) – bạn nối khố của ông Quyết nửa đêm đập cửa rầm rầm, lôi kỳ được ông sang nhà. Tưởng chuyện gì, hóa ra ông lão khoe cỗ quan tài bằng gỗ quý, thằng con cất công đặt tận Hà Giang mang về biếu. Xe vừa hạ xuống là ông Mạnh chạy ngay sang rủ ông Quyết cùng thưởng ngoạn. Ông Mạnh háo hức chui vào, hô con cháu đậy nắp lại. Chiếc quan tài đúng là gỗ quý chính hiệu, nằm trong đó ông Mạnh phải gân cổ gào hết sức, con cháu mới nghe thấy, hò nhau cạy nắp để ông chui ra. Mặc dù trời cuối năm hơi se lạnh nhưng người ông Mạnh ướt đẫm mồ hôi, song khuôn mặt lại hiện rõ nét cười tươi rói, mãn nguyện. Ông Mạnh giục ông Quyết chui vào nằm thử nhưng ông lắc đầu. Thế là tự tay lão pha ấm trà Shan tuyết thật ngon, trịnh trọng đặt vào lòng quan tài, rồi kéo ông Quyết ngồi tâm sự tới gần hai giờ sáng mới tha.

Hóa ra sự ngắm trước cái hộp mà mình sẽ được đóng gói lúc nhắm mắt xuôi tay cũng tích cực ra phết. Nó khiến con người không còn sợ sệt khi nghĩ về cái chết nữa, bởi họ nghĩ: “Chết mà vẫn đẹp, vẫn sang chảnh, vẫn có nhà lầu xe hơi thì chết có khác sống là mấy”.

Chẳng thế mà bà Tí bị mù bẩm sinh từ nhỏ, nhà cuối xóm Đình, lúc nghe tiếng ông Quyết ngang ngõ cũng gọi giật lại nói: “Ờ, bây giờ còn sống thì mọi người nhanh hơn tôi. Mai mốt chết đi tôi sẽ nhanh hơn mọi người. Dưới ấy chẳng có điện đèn gì đâu. Mọi người nhìn quen rồi, khi không nhìn được nữa sẽ chậm. Tôi quanh năm chẳng cần nhìn nên có đèn điện hay không cũng vậy thôi”. Nói đoạn bà lão hướng khuôn mặt mang đôi mắt tật nguyền về phía ông cười móm mém.

Ông Quyết nghĩ: “Có lẽ trong buổi chuyển mình của làng quê này, ông đã bị tụt hậu thật”. Lắm khi ông một mình lang thang hết làng này sang làng khác, những mong tìm thấy một bụi tre để ngắm cho đỡ nhức tầm mắt mà không được. Chẳng biết sau này tình làng nghĩa xóm có còn xoắn xuýt keo sơn như hình tượng lũy tre đan cài, dìu dắt nhau vượt qua gian khó. “Tre ơi! Tre đi đâu hả tre ơi?”…

*          *            *

– Mời thầy vào xơi cơm ạ! – tiếng cô con dâu trưởng kéo ông về với thực tại.

– Năm nay có gói bánh chưng không con?

– Chắc chẳng ai ăn đâu thầy ạ. Thôi, con đặt mấy cái để thầy thắp hương các cụ vậy.

Nói xong nó rút smartphone chấm chấm vài nhát. Lát sau một cô bé trạc mười lăm, mười sáu khệ nệ ôm chồng bánh bước vào. Cái nào cái nấy vỏ xanh ngăn ngắt, đều chằn chặn, đẹp có thể gọi là “không tì vết”. Ông Quyết quay trở vào giữa tiếng chào mời chúc tụng của con cháu. Những mâm cỗ đầy ngồn ngộn bày chật kín cả mảnh sân hai trăm mét vuông lát gạch, lợp tôn lạnh. Thật là ăn cho bõ ngày cơm trộn rau má mà nồi còn nóng bốc hơi đã hết nhẵn.

Tiệc tàn, cánh đàn ông lôi nhau vào phòng cách âm bật karaoke, tha hồ gào cho xả hơi rượu. Đám đàn bà con gái mỗi người một góc, trên tay là chiếc điện thoại di động thông minh. Tất cả đều rất chăm chú. Thi thoảng lại có những tràng cười hoặc câu nói ngô nghê không đầu không cuối của người đang chìm đắm trong không gian mạng bật lên.

Thế giới hình chữ nhật phát huy tác dụng có khác. Từ nay Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi cùng các cơ quan đoàn thể khác khỏi phải lo giải quyết những xích mích vặt vãnh do cái tật buôn dưa lê, bán dưa hấu của các bà. Đến lũ trẻ con hay quấy khóc vòi vĩnh là thế mà khi bố mẹ quẳng cho cái điện thoại cũng trở nên ngoan hiền hệt như thiền sư thoát tục.

Ông Quyết đảo mắt một lượt, đặng vào nhà lấy chai rượu nút lá chuối, gói lạc rang tiến về phía gốc đào già. Đêm trừ tịch nhưng trời không hề tối. Đèn cao áp ngoài công viên, đèn hắt ra từ cửa sổ những tòa nhà sừng sững cộng thêm ánh sáng của vô số dây đèn nháy dài bất tận dùng trang trí ngày tết giúp ông nhìn rõ từng nụ đào phớt hồng chúm chím. Cây đào đã già nhưng có lẽ vì thương ông nên vẫn nở hoa đều lắm. Giống đào phai sao e ấp, dịu dàng quá. Mỗi lần ngắm cánh đào khẽ đong đưa trong làn gió xuân hây thổi, ông lại thấy xốn xang hệt như cảm xúc cách nay hơn 30 năm, lúc ông bắt gặp gương mặt cô thôn nữ láng giềng đang trộm nhìn ông qua kẽ rào râm bụt. Ánh mắt đen láy, gương mặt ửng hồng của kẻ bị bắt quả tang cứ khắc mãi vào não ông thật thiêng liêng, tươi mới.

Ông Quyết chậm rãi ngồi xuống, rót rượu ra ba cái chén, miệng lẩm nhẩm gọi tên hai người bạn trong tổ Tam Tam đã thành liệt sĩ về uống rượu. Cứ nhắp xong một chén, ông lại đổ hai chén kia vào gốc đào mời bạn. Chai rượu vơi dần, bỗng ông Quyết thấy chiếc xe quân sự đỗ xịch trước công viên. Từ trên xe, một toán bộ đội áo quần lấm lem bụi đất nhảy xuống. Họ loanh quanh rồi quay sang nhìn nhau vẻ ngơ ngác. Ông Quyết vội chạy ra hỏi:

– Các cháu tìm ai? Sao giờ này không về đón tết cùng gia đình lại tới đây làm gì?

Một người nghiêm nghị nhìn ông nói:

– Ông năm nay bao nhiêu tuổi mà dám gọi chúng tôi là cháu?

– Ờ…Ờ…Tại tôi thấy các anh trẻ quá nên xưng hô thế!…

– Đấy là ông đang sống nên bị già đi, còn chúng tôi đã hy sinh thì tuổi trẻ sẽ mãi mãi ở cùng chúng tôi!…

– Hóa ra vậy! Thế các anh tìm ai?

– Mọi năm chúng tôi đều về đài tưởng niệm này đón giao thừa, sao năm nay tôi nhớ là đã đưa anh em đi đúng đường rồi mà chẳng thấy?

– Đài tưởng niệm giờ chuyển ra khu này cơ.

Vừa nói, ông vừa chỉ lối cho họ. Sợ họ bị lạc thêm sẽ không kịp đón giao thừa, ông Quyết chạy theo định đi cùng nhưng chân ông cứ ríu lại, còn chiếc xe mờ dần và tan vào sương khói. Một bàn tay sẽ sàng đặt lên vai, kèm theo là giọng nói quen thuộc: “Vào nhà thôi mình, sương khuya ướt hết cả người đây này. Già cả thì phải giữ gìn sức khỏe chứ”.

Ông Quyết choàng tỉnh, lòng vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông vào nhà lấy ít gạo, muối, thêm thẻ nhang đi nhanh ra công viên. Ông thắp nhang lầm rầm khấn vái, sau đó từ từ di chuyển về phía đài tưởng niệm mới. Vừa đi, ông vừa rắc gạo muối sang hai bên lối, đưa đường cho đồng đội. Ôi! Giá như cuộc đời này khi làm bất cứ việc gì, người ta đều đặt vào đó một chữ “tâm” thì vẹn toàn biết mấy. Lời chúc tết thân thương, quen thuộc năm xưa của Hồ Chủ tịch chợt vang lên trên hệ thống loa công cộng. Ông Quyết dừng lại trước đài tưởng niệm, rắc nốt nắm gạo muối cuối cùng rồi hòa vào dòng người nô nức đón chào năm mới. Tâm hồn ông dâng trào một cảm giác thật nhẹ nhàng thanh thoát.

Ồ! Mùa xuân… Mùa xuân thực sự đã về!…

Nguồn: danviet.vn