Theo dự tính, 13 người có thể phải ở lại trong hang tới tận 4 tháng để đảm bảo thoát ra “an toàn nhất”.
Tới nay, đội bóng cùng huấn luyện viên 25 tuổi đã nhận được thực phẩm và chăm sóc y tế, nhưng còn sức khỏe tâm lí của họ thì sao?
BBC dẫn lời bác sĩ Andrea Danese – chuyên viên tư vấn và bác sĩ tâm lí trẻ vị thành niên tại London – giải đáp phần nào câu hỏi trên.
Theo ông Danese, những đứa trẻ trải qua biến cố lớn như vậy có thể sẽ bị chứng sợ hãi, buồn bã, ủ rũ và dựa dẫm vào người khác.
Nhưng trong trường hợp này, các em nhỏ trong đội bóng vẫn có thể giao tiếp với nhau. Điều đó phần nào giúp “bảo vệ” sức khỏe tâm lí trong 10 ngày mắc kẹt.
Giáo sư Donelson R. Forsyth từ Đại học Richmond tại Virginia đồng ý với nhận định trên.
“Những trường hợp trước đây cho thấy khi bị mắc kẹt, mọi người sẽ tập trung thành nhóm, tận dụng mọi nguồn lực để sống sót,” ông Forsyth nói.
Mặc dù nhiều vấn đề có thể nảy sinh giữa nhóm người, ví dụ như đổ lỗi cho nhau, tuyệt vọng, tức giận, việc các em nhỏ thuộc cùng một đội bóng có thể giúp cả nhóm đoàn kết hơn trong cảnh khổ nạn.
Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Hồi năm 2010, một nhóm thợ mỏ Chile cũng bị mắc kẹt dưới lòng đất trong gần 70 ngày. Tuy nhiên, vụ việc ở Thái Lan là một trường hợp hiếm nếu xét tới việc tất cả những người bị mắc kẹt đều còn rất trẻ, có những em mới chỉ 11 tuổi.
Ông Danese nhấn mạnh rằng những người lớn – từ người huấn luyện viên, thợ lặn giải cứu tới đội y tế – phải tích cực giúp đỡ các em nhỏ ứng phó với tình hình hiện tại bởi với tâm lí các em vẫn đang trong giai đoạn định hình và phát triển, chưa thể “cứng rắn” như những thợ mỏ Chile trước đây.
Ông cho rằng việc giao tiếp “chân thành và thẳng thắn” là đặc biệt cần thiết để giảm thiểu nguy cơ chấn thương tâm lí. Các em nên được bày tỏ cảm xúc và không nên cố kìm nén trong những ngày còn mắc kẹt.
“Các em nhỏ nên được biết về những chuyện sắp xảy ra. Bất kì sự mập mờ nào cũng có thể gây ra hậu quả tâm lí tiêu cực về lâu dài”.
Việc liên lạc với gia đình cũng giúp cải thiện tinh thần đội bóng. Một đường dây liên lạc đang được thiết lập để thực hiện mục đích này.
Thiếu ánh sáng
Một trong những thách thức lớn nhất với nhóm bị mắc kẹt là vấn đề thiếu ánh sáng.
Khi không có ánh nắng mặt trời, cơ thể người không thể phân biệt được đêm và ngày, làm rối loạn “đồng hồ sinh học” tự nhiên.
Điều này không chỉ ảnh hưởng tới chu kỳ ngủ, mà còn ảnh hưởng tâm lí, hoạt động của các cơ quan nội tạng và nhiều phần khác trên cơ thể.
Để giải quyết chuyện này, đội cứu hộ đã bắt đầu tạo hệ thống ánh sáng “giả lập” môi trường thực bên ngoài theo chu kỳ ngày và đêm. Việc tương tự đã được áp dụng trong đợt giải cứu các thợ mỏ Chile.
Hậu quả lâu dài
Kí ức về những ngày bị kẹt trong hang sẽ ở lại trong tâm trí các em nhỏ rất lâu, kể cả sau khi cả nhóm được giải cứu thành công.
Giáo sư Sandro Galea thuộc Trường Đại học Y tế Công cộng Boston nhận định đội bóng nhí có nguy cơ cao rối loạn tâm lí trung và dài hạn, dễ mắc phải các chứng trầm cảm, lo lắng và sang chấn tâm lí.
Ông Galea đoán rằng “một phần ba hoặc một nửa” đội bóng sẽ gặp các vấn đề tâm lí. Mối quan hệ giữa các em nhỏ với nhau và với thế giới bên ngoài sẽ là chìa khóa giúp cả nhóm hồi phục về lâu dài.