Trong lần thăm khám gần đây, bác sĩ nội tiết nhắc nhở Rachel Rosenthal về việc cô tăng thêm 1 kg nữa.
“Cô không béo phì, nhưng cần để ý đến cân nặng của mình”, bác sĩ nhấn mạnh.
Rachel rời đi trong sự phẫn nộ. Đương nhiên, đây không phải lần đầu tiên cô bị người lạ can thiệp vào vấn đề ngoại hình của mình kể từ khi chuyển đến sống ở châu Á, theo Bloomberg.
Hồi cô mang thai ở Hong Kong (Trung Quốc), giáo viên dạy tiếng Trung khẳng định với Rachel rằng cô ắt hẳn đang mang bầu con trai.
“Theo quan niệm xưa, mẹ sẽ xinh đẹp hơn khi chửa con trai, còn bầu con gái sẽ kém xinh đi”, cô giáo nói.
Vài năm sau, khi hay tin Rachel đang bầu đứa con thứ hai, đại lý bất động sản ở Singapore của cô thở phào nhẹ nhõm. “Tôi cứ tưởng cô đang tăng cân chứ”, người đó nói.
Sự quan tâm quá mức đến ngoại hình ở châu Á lại đi kèm với tình yêu với văn hóa ẩm thực.
Người Singapore thường đùa rằng họ đã tính xem trưa nay ăn gì ngay sau khi kết thúc bữa sáng. Ngoài ra, câu hỏi “Bạn ăn gì chưa?” trở thành một cách chào hỏi phổ biến trong xã hội.
Thế nhưng, những người thúc giục bạn ăn nhiều nhất, như các bác, các dì trong gia đình, cũng sẽ là những người đầu tiên chê rằng bạn béo lên.
Thật khó để cân bằng những thông điệp xã hội đối nghịch nhau kia, ngay cả trong thời hoàn cảnh thuận lợi nhất. Thêm cả sự cô lập và nỗi lo thường trực do Covid-19 gây ra, không có gì ngạc nhiên khi chứng rối loạn ăn uống ngày càng phổ biến.
Tuy nhiên, chứng bệnh này vẫn chưa được hiểu rõ và những người mắc phải thường tin rằng họ không cần trợ giúp. Điều này khiến việc chẩn đoán và điều trị thích hợp trở nên khó hiểu hơn nhiều.
Nỗi ám ảnh cơ thể “siêu mỏng”
Trong khi vấn đề ngoại hình, sắc đẹp được bàn tán thường xuyên và thẳng thắn, những cuộc trò chuyện về chứng rối loạn ăn uống và sức khỏe tâm thần nói chung vẫn là điều cấm kỵ ở nhiều nơi tại châu Á.
Trong nhiều thập kỷ, cộng đồng y tế tin rằng chứng rối loạn ăn uống, bao gồm cả biếng ăn và ăn uống vô độ, là hiện tượng ảnh hưởng chủ yếu đến phụ nữ da trắng, giàu có và có học thức.
Thế nhưng, những nghiên cứu gần đây cho thấy quan điểm trên hoàn toàn không chính xác.
Thông qua lăng kính của sự phát triển, ám ảnh về một cơ thể “siêu mỏng” là kết quả của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Nó ảnh hưởng tới xã hội phương Tây sớm hơn xã hội châu Á, chứ không phải từ xã hội phương Tây lan rộng sang, theo một đánh giá năm 2015 trên tạp chí y khoa Eating Disorders.
Chẳng hạn, năm 2016, mạng xã hội Trung Quốc từng rộ lên trào lưu khoe vòng eo bằng cách đặt dọc tờ giấy A4 sao cho chiều ngang tờ giấy (khoảng 21 cm) che khuất eo.
Không ít cô gái còn cố gắng chứng minh mình có cơ thể thuộc dạng “mình hạc xương mai” bằng cách thực hiện thử thách tay chạm rốn và đặt son lên xương quai xanh.
Những cô gái có vòng eo 55 cm nhận được nhiều lời tán thưởng. Còn đối với những ai không thể thực hiện được những thử thách này, cảm giác tự ti, thua kém khiến họ phải nhờ cậy đến các ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh.
Bên cạnh đó, những bức ảnh hoàn hảo trên mạng xã hội cũng dần trở thành áp lực của cả người đăng lên người xem chúng.
Sự chú tâm thái quá này được thể hiện qua các phương tiện truyền thông theo nhiều cách khác nhau, như quảng bá hình ảnh cơ thể không thực tế và khó đạt được hoặc đề cao ngoại hình của phái đẹp hơn là thành tích của họ.
Meitu, một ứng dụng chụp hình ở Trung Quốc, cho phép người dùng chỉnh sửa mọi thứ, từ gọt hàm đến thu gọn cánh mũi. Ứng dụng này ghi nhận hơn 115 triệu người dùng hàng tháng.
Một số ứng dụng khác cũng có công dụng chỉnh sửa, làm đẹp hình ảnh thuộc sở hữu cùng công ty với Meitu được kích hoạt trên hơn 2,2 tỷ thiết bị khác nhau trên toàn cầu, theo báo cáo năm 2020 của Meitu.
Tiến sĩ Gemma Sharp, nhà tâm lý học lâm sàng đồng thời là nhà nghiên cứu cấp cao về hình ảnh cơ thể và rối loạn ăn uống từ Đại học Monash (Australia), cho biết thật buồn khi thấy những bài đăng mô tả vẻ đẹp phi thực tế có thể thúc đẩy chứng rối loạn ăn uống ở những người trẻ tuổi.
“Những thử thách này hoàn toàn không bình thường. Chúng khiến chúng ta phải cố gắng nhỏ nhắn, nhẹ cân. Hình ảnh trên mạng xã hội có sức ảnh hưởng đặc biệt vì những người trẻ tuổi sẽ so sánh mình với người trong ảnh. Họ có thể sẽ nói: ‘Tôi cần phải bỏ đói bản thân, tôi cần phải ăn uống lộn xộn để trông như vậy’”.
Theo Zing