Nói thêm, cái giá nêu trên là tại bến bãi. Còn ở nhà hàng – khách sạn, giá một ký có thể bị đội lên từ 150.000 đến 200.000 đồng nữa.
Nói về tên “huỳnh đế”, một lão ngư “có chữ” ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) cho biết tên nguyên thủy của cua là “hoàng đế”. Nhưng vì kỵ húy (trùng tên với một vị vua triều Nguyễn) nên quan bảo dân phải nói chệch là “huỳnh đế”. “Hoàng” mới là vua. Còn “huỳnh” là màu vàng. Thôi kệ! Chệch gì thì chệch, miễn còn dính chữ “đế” thì vẫn là đẳng cấp cung đình.
Cua huỳnh đế có bộ áo giáp dày và cứng, li ti gai nhọn, màu vàng rực rất giống hoàng bào của vua. Với cặp càng u nần, to khỏe, dữ tợn như đại đao cùng sáu cái que sắc lẻm, trông cua huỳnh đế như một võ tướng chiến chinh xông pha trận mạc.
Với cái dáng uy vũ và oai phong lẫm liệt, nó xứng đáng được gọi là loài cua mang chữ “đế”. Ngay cả khi đã “băng hà”, cái dáng huỳnh đế nằm trên đĩa như nằm trên… long sàng, xem ra cũng thần thái lắm. Xưa, cua huỳnh đế là lựa chọn ưu tiên của các quan địa phương để cống tiến vua. Bởi vậy ngày nay, ai ăn cua huỳnh đế (dù là ở trần, ngồi bệt) cũng thầm “sung sướng” vì nghĩ rằng mình có thua gì bậc… đế vương.
Giang sơn của loài cua huỳnh đế là một dải biển mênh mông nối dài từ Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên ra đến Bình Định, Quảng Ngãi. Theo các nhà hải dương học, đây là những vùng biển sâu, nước sạch, tầng đáy toàn cát, không lắng bùn, rất phù hợp cho sự sinh trưởng của loài cua đặc biệt này. Những vùng biển khác ở VN cũng có cua “huỳnh đế” nhưng thân nhỏ, càng ngắn, que dài, mai mỏng. Đây chỉ là chuyện “tên lại trùng tên”, còn chất lượng thì không thể nào sánh nổi với huỳnh đế thứ thiệt ở các địa phương vừa kể.
Anh bạn tôi, một doanh nhân thành đạt, hay xuất ngoại, cũng là người sành ăn, kể rằng ngay cả cua huỳnh đế (king crab) ở vùng biển đóng băng Alaska (Mỹ) cũng thua xa huỳnh đế Việt Nam cả về hình dáng, trọng lượng và chất lượng.
Trước đây, ngư dân miền Trung đánh bắt cua huỳnh đế bằng lưới giã cào. Đây là cách đánh bắt tận diệt, “trẻ không tha, già không thương”, cua trưởng thành hay cua “niên thiếu” đều bị tóm gọn. Giờ cách này bị cấm, ngư dân chuyển sang đánh bắt bằng bẫy rập. Rập là cái lồng bao lưới xung quanh, chừa một lỗ nhỏ, mồi tươi được cố định ở giữa. Từ tháng chạp đến tháng tư âm lịch năm sau là mùa biển êm, cũng là mùa bẫy cua huỳnh đế. Tàu ra khơi thả hàng trăm cái rập xuống đáy biển. Cua tìm mồi bò vào rập và không có đường ra.
Với dân làng chài, cua huỳnh đế thì cứ hấp sả ăn với muối ớt. Biến tấu thêm thì có món nướng, chặt miếng um mặn ăn với cơm, nấu canh với lá giang hoặc luộc lấy thịt phi hành, gia vị rồi nấu cháo.
Dù là món nào thì thịt cua huỳnh đế cũng “hớp hồn” người ăn bởi vị ngọt thơm tới mức ăn đầu năm, cuối năm nhớ lại còn nghe… đậm đà thấm thía. Từng miếng thịt cua săn chắc, trắng muốt, ngọt như từ trong mỗi thớ thịt ngọt đi, thơm như từ mỗi miếng gạch cua mà thơm lại. Ngay cả cái que cái càng, chỉ cần cắn nhẹ thôi, là đã cảm nhận vị béo đến… quéo cả lưỡi.
Tết đến xuân về mà kiếm được cặp cua mang chữ “đế” thì hên phải biết. Món này quá xứng đáng để… khai khẩu mừng năm mới. Bởi vậy những ai từng một lần thưởng thức đều gật đầu công nhận “huỳnh đế đệ nhất cua”.
Nguồn: thanhnien.vn