Luật sư Nguyễn Thị Huế: “Hãy lên tiếng khi thấy trẻ em bị bạo hành”

Thời gian vừa qua, những vụ việc bạo hành trẻ em đã gây rúng động dư luận. Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng Phụ Nữ Thế Hệ Mới gặp gỡ với Luật sư Nguyễn Thị Huế để tìm hiểu vấn đề này dưới góc nhìn pháp lý.

0
191

Thời gian vừa qua, những vụ việc bạo hành trẻ em đã gây rúng động dư luận. Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng Phụ Nữ Thế Hệ Mới gặp gỡ với Luật sư Nguyễn Thị Huế để tìm hiểu vấn đề này dưới góc nhìn pháp lý.

Luật sư Nguyễn Thị Huế

>> Xem thêm: Vụ bé gái 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu: Mẹ đẻ liệu có vô can?

Chào Luật sư Nguyễn Thị Huế, chị có thể đưa ra quan điểm của mình với độc giả báo Phụ Nữ Thế Hệ Mới về vụ việc bé gái bị đóng 9 đinh vào đầu?

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã biết đến vụ việc bé gái 3 tuổi ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) bị đóng 9 đinh vào đầu. Đây là vụ việc gây bức xúc và đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Cá nhân tôi đứng dưới góc độ của một người công tác trong lĩnh vực pháp luật, tôi thấy rằng hành vi này vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Trên khía cạnh quyền con người, hành vi đóng 9 đinh vào đầu bé gái xâm phạm nghiêm trọng quyền bất khả xâm phạm về thân thể, sức khỏe của con người đã được nêu trong Hiến pháp năm 2013. Pháp luật Việt Nam hiện hành luôn có những chế tài nghiêm khắc mang tính răn đe đối với bất kỳ ai xâm phạm đến những quyền đó. Bên cạnh đó, Điều 12 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển.”

Xét về mặt đạo đức, đây được xem như một hành vi rất đáng lên án vì tính chất độc ác, man rợ của đối tượng thực hiện. Tôi cũng đang theo dõi thêm thông tin về tình hình sức khỏe của cháu bé bằng tất cả những hy vọng vào những điều tốt đẹp, may mắn nhất đến với cháu.

Bị can Nguyễn Trung Huyên trong vụ bé gái 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu.

Trong thời gian vừa qua có khá nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề bạo hành trẻ em gây xôn xao dân mạng. Trước đó là vụ việc bé gái 8 tuổi nghi bị dì ghẻ bạo hành và nay là vụ việc bé 3 tuổi nghi bị người tình của mẹ bị bạo hành. Liên quan đến những vụ việc này có ba tội danh được nhiều người nhắc đến đó chính là tội “Hành hạ người khác”, tội “Giết người” và tội “đồng phạm”, “che giấu tội phạm”. Vậy nếu vi phạm các tội này, người ta sẽ đối diện với những bản án nào?

Đúng là trong thời gian gần đây đặc biệt trong những năm qua xảy không ít những vụ bạo hành liên quan đến trẻ em một cách rất thương tâm. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã làm việc rất công tâm, khách quan nhằm bảo vệ tốt nhất cho các nạn nhân phải hứng chịu hậu quả từ việc bạo hành. Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng có những quy định rõ ràng về các tội danh liên quan.

Cụ thể, đối với tội “Hành hạ người khác” quy định tại Điều 140 của Bộ luật hình sự, hành vi cụ thể là việc đối tượng gây án đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình. Thuật ngữ “người lệ thuộc mình” được giải thích rõ ràng ở khoản 10 Điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao như sau: người bị hại bị lệ thuộc vào người phạm tội về vật chất (ví dụ: người bị hại được người phạm tội nuôi dưỡng, chu cấp chi phí sinh hoạt hàng ngày…) hoặc lệ thuộc về tinh thần, công việc, giáo dục, tín ngưỡng (ví dụ: người bị hại là người lao động làm thuê cho người phạm tội; người bị hại là học sinh trong lớp do người phạm tội là giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn…). Cùng với đó, giữa người phạm tội và nạn nhân không có quan hệ như ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mới cấu thành tội phạm của Tội hành hạ người khác. Tuy nhiên, tuỳ vào mức độ tổn hại mà người phạm tội gây ra, trong trường hợp đối tượng phạm tội gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên sẽ phải chịu hình phạt lên đến 03 năm tù giam.

Đối với tội Giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trường hợp người phạm tội có hành vi giết người dưới 16 tuổi được xác định là một tình tiết định khung hình phạt tăng nặng trách nhiệm hình sự. Mức án cao nhất đối với hành vi phạm tội này là tử hình. Về mặt bản chất, đồng phạm không phải là một tội danh cụ thể. Theo quy định khoản 1 Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Tùy theo từng mức độ cùng tham gia thực hiện hành vi phạm tội mà người đồng phạm có thể là người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức (khoản 2 Điều 17). Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm (Điều 58). Trong trường hợp người đồng phạm trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội có thể phải chịu hình phạt theo tội danh cùng với người thực hiện hành vi phạm tội với mình.

Đối với Tội che giấu tội phạm quy định tại Điều 389 Bộ luật Hình sự năm 2015, việc người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội có thể phải chịu hình phạt lên đến 05 năm tù giam.

Những vụ bạo hành trẻ em gần đây khiến dân mạng rúng động bởi tính chất vụ việc.

Cụ thể, người dì ghẻ trong vụ bé gái 8 tuổi qua đời nghi bị bạo hành thì sẽ chịu những mức án nào khi tội danh đổi từ “Hành hạ người khác” sang tội “Giết người”?

Trong vụ án bạo hành giữa dì ghẻ với bé gái 8 tuổi qua đời ở TP.HCM, khi thay đổi tội danh từ “Hành hạ người khác” sang tội “Giết người”, do có tình tiết định khung hình phạt quy định ở điểm b khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, người dì ghẻ có thể phải đối diện với mức án nghiêm khắc nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Hiện vụ việc này vẫn đang trong quá trình điều tra nhằm làm rõ các tình tiết khách quan. Tôi tin rằng các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đưa ra những quyết định xử lý nghiêm khắc nhất đối với người dì ghẻ bạo hành bé gái 8 tuổi dẫn đến tử vong.

Người “dì ghẻ” nghi bạo hành con riêng của chồng tới mức không qua khỏi.

Vụ người tình của mẹ bị khởi tố với tội danh “Giết người”, anh ta sẽ phải chịu những mức án nào?

Qua một số trang báo chính thống đưa tin thì nội dung lời khai ban đầu của đối tượng thể hiện hắn có 4 lần đánh đập, hành hạ cháu bé trong đó có những lần có thể xử lý hình sự về tội “Giết người” như lần hắn pha thuốc diệt cỏ vào chai nước để cho cháu bé uống; lần đối tượng bóp cổ nhét đinh vít vào miệng cháu bé và lần gần đây là đóng nhiều đinh vào đầu cháu bé.

Tất cả những hành vi này đều có thể dẫn đến chết người, đối tượng cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra, cháu bé không chết là do được cấp cứu kịp thời, ngoài ý muốn chủ quan của đối tượng.

Bởi vậy đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm, có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân, quá trình điều tra có đủ căn cứ thì đối tượng có thể sẽ bị xử lý về tội “Giết người” theo khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 với nhiều tình tiết định khung hình phạt tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Phạm tội có tính chất côn đồ, Phạm tội với người dưới 16 tuổi, Thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, Thực hiện hành vi phạm tội một cách man rợ… nên mức hình phạt có thể lên đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

>> Tin liên quan: Vụ bé 8 tuổi qua đời: “Dì ghẻ” từng tố giúp việc nạt nộ con nhưng bản thân lại hành động tàn nhẫn

Bản thân cũng là một người phụ nữ, một người mẹ, cá nhân chị cảm thấy như thế nào về hành vi của những người dì ghẻ, người tình của mẹ nói trên? Điều gì khiến chị đau lòng nhất khi xem xét vụ việc?

Là một người phụ nữ, một người mẹ, sau khi nắm bắt thông tin về những vụ bạo hành gần đây, tôi đặc biệt cảm thấy thương xót cho hoàn cảnh của các cháu bé bị dì ghẻ, người tình của mẹ bạo hành một cách dã man, không thương tiếc. Và còn đau lòng hơn nữa khi đặt mình vào vị trí của những cháu bé đó khi các cháu đã vô cùng thiếu thốn tình cảm, tình yêu thương chăm sóc của cha mẹ vì không được sống trong một gia đình hạnh phúc, không được tự mình lựa chọn sống với bố hay sống với mẹ, lại còn phải chịu cảnh đánh đập, chửi mắng, hành hạ dã man.

Người lớn đã từng là trẻ con nhưng trẻ con thì chưa từng là người lớn, chính vì vậy tôi nghĩ phòng và chống nạn bạo hành không thể chỉ từ khía cạnh pháp luật, tất cả phải khởi đầu từ ý thức và cách hành xử của toàn xã hội nói chung và mỗi cá nhân nói riêng. Không ai có thể xem việc đánh đập hay chửi mắng trẻ con là chuyện riêng của nhà người khác mà phải chủ động, quyết liệt can ngăn kịp thời và thông báo ngay với các tổ chức, đoàn thể và những cơ quan pháp luật can thiệp.

Các cơ quan bảo vệ phụ nữ và trẻ em nên lập danh sách những cha mẹ có hành vi bạo hành để theo dõi trực tiếp và gián tiếp qua hàng xóm, người thân, đồng thời thăm hỏi những đứa trẻ từng bị bạo hành để nắm bắt tâm lý và làm việc với cha mẹ, thầy cô của các em để cùng xác định những biện pháp chăm sóc, giáo dục phù hợp tránh sự ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển tính cách của các em. Luật pháp nghiêm minh phải đi đôi với trách nhiệm và tình thương thật sự từ các tổ chức, đoàn thể và các cá nhân mới mong chấm dứt nạn bạo hành trẻ em đang dần xuất hiện với tần suất gia tăng trong xã hội ngày nay.

Cám ơn Luật sư Nguyễn Thị Huế đã tham gia cuộc phỏng vấn này của báo Phụ Nữ Thế Hệ mới!

>> Có thể bạn quan tâm: Vụ bé gái nghi bị “dì ghẻ” tác động vật lý đến qua đời: Mẹ ruột cả năm không được gặp con

Nguồn: Tổng hợp