Với một số người, dù có làm “quần quật” từ sáng tới tối đêm thì tiền lương chẳng “thấm” vào đâu. Việc tiết kiệm hay nói xa hơn là dư dả tài chính lại càng là một chuyện quá xa vời. Vậy chuyên gia đưa ra lời khuyên nào cho trường hợp này.
“Tiền ơi, đâu rồi!”
Chỉ còn một nửa tháng nữa là Tết Dương lịch sẽ đến, năm 2022 chính thức bắt đầu. Thế nhưng, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều thứ trầm lắng đi so với mọi năm. Bên cạnh đó cũng có không ít người vẫn đang loay hoay vì sau nhiều năm xa quê, làm lụng vất vả mà chẳng dư ra đồng nào.

Nguyệt Minh rời quê Bến Tre lên thành phố làm việc đã 3 năm nay. Sáng mở mắt Minh vội dậy đi làm. Từ ngày này qua tháng khác, lương nhận chưa ấm tay thì cô bạn không còn đồng nào.
Đôi lúc, Nguyệt Minh tự hỏi, tại sao bố mẹ của chúng ta dù lương đúng nghĩa “ba cọc ba đồng” nhưng tới tuổi về hưu, ai cũng có “của ăn của để”. Trong khi đó, một bộ phận giới trẻ ngày nay lương dù chục triệu nhưng số dư tài khoản lại chẳng là bao.
Trên thực tế, tiền bạc không phải muốn giữ là giữ được bởi chúng ta cần chi tiêu lo cho cuộc sống hằng ngày. Vấn đề mấu chốt ở đây đó chính là cách mình tiêu xài và “đối xử” với tiền thế nào sẽ quyết định đến số dư cuối tháng.

Một số người sẵn sàng bỏ ra một “mớ” tiền để “săn sale”, mua sắm thả ga trong ngày nhận lương. Đôi khi mua nhiều đồ đạc chỉ vì thích, thậm chí không sử dụng. Vậy nên dù có làm “overtime”, thu nhập tăng nhưng mức chi tiêu cũng gia tăng không kém. Vậy nên, dù có than thở lương cao mãi nếu không quản lý vấn đề chi tiêu thì câu chuyện tiết kiệm tiền vẫn còn xa vời.
Chuyên gia gửi lời khuyên
Trao đổi về chủ đề này, trên báo Thanh Niên, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hồng Điệp, giảng dạy tại Trường ĐH Văn Lang TP.HCM cho rằng, nguyên nhân của vấn đề trên phần lớn do các bạn trẻ phóng khoáng quá đà với các dịch vụ, nhu cầu cá nhân.

“Giới trẻ dù làm việc quần quật cả năm nhưng cuối cùng vẫn không dư đồng nào, tài khoản tiết kiệm gần như bằng 0, đơn giản vì họ bị chi phối và cuốn theo những thứ rất hấp dẫn của xã hội hiện đại”, thạc sĩ nói.
Từ đây, nữ thạc sĩ đưa ra lời khuyên về việc chúng ta nên hạn chế suy nghĩ “vừa làm, vừa hưởng thụ thì cuộc đời mới vui vì đời người chỉ có một lần”. Đồng thời, các bạn trẻ nên thiết lập nhật ký chi tiêu và dừng việc chọn mua sắm là cách để giải tỏa căng thẳng.
“Thay vì tiêu tiền, giới trẻ nên tham gia đầu tư sớm, bởi đầu tư cần thời gian. Nếu có tư duy quản lý tài chính và đầu tư ngay từ khi kiếm được những đồng lương đầu tiên, giới trẻ chắc chắn sẽ an nhàn khi hưu trí. Chỉ cần tư duy nhạy bén và biết cách nắm bắt mọi cơ hội tiềm năng, chắc chắn mỗi năm các bạn trẻ sẽ có một khoản tiền tiết kiệm trong khả năng của bản thân“, thạc sĩ Điệp nhắn nhủ.

Kiếm tiền là một việc khó, nhưng dùng tiền một cách thông minh, hợp lý để đạt mục tiêu tài chính còn khó hơn. Liên quan đến cách tiết kiệm tiền, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, chúng ta nên thay đổi thói quen chi tiêu. Nếu bạn lựa chọn cuộc đời phải tích lũy để có số dư cho bằng bạn bằng bè thì bạn phải chấp nhận việc tiêu xài có kế hoạch.
Vấn đề ở đây đó chính là hãy chia khoảng thu nhập bạn kiếm được thành nhiều phần khác nhau để đặt mức giới hạn cho các nhu cầu của mình. Cũng không cần quá cứng nhắc nhưng nếu đã ở trong phần “cấm tiêu” thì bạn tuyệt đối không nên “phạm” vào.
Bạn có thể bắt đầu thực hành bằng cách giữ lại 10-15% số tiền mới có, đưa nó vào một quỹ riêng. Số còn lại phân bổ vào các quỹ như sinh hoạt thiết yếu, chi tiêu mua sắm, quỹ đào tạo, giao tiếp, du lịch,… Nếu ai đó cảm thấy họ đang phải thắt lưng buộc bụng, không thể trích ra 10% hay 15%, họ có thể xem lại bản thân có đang ăn ngoài, uống cà phê, mua sắm,… hay không.
Nếu trong trường hợp bạn muốn tiêu xài thoải mái mà không phải nợ nần thì hãy kiếm nhiều tiền hơn nữa. Người ta làm thêm một thì bạn hãy cố gắng hơn bội phần. Không có ai là làm mãi không dư đồng nào, chỉ có người làm được ra nhiều mà không biết cách chi tiêu thôi.
Nguồn: Tổng hợp