Phố Chengbei ở thành phố Nghĩa Ô (tỉnh Chiết Giang) từng là điểm tụ họp của hàng chục nhà hàng Ấn Độ tại Trung Quốc, theo Global Times.
Tuy nhiên, chúng dần mất đi sự nổi tiếng vốn có của mình khi các chủ nhà hàng và thực khách thân quen vẫn bị mắc kẹt ở Ấn Độ – quốc gia đang vật lộn với thảm họa Covid-19.
Nhà hàng không bóng người
Global Times ghi nhận chỉ còn duy nhất 2 nhà hàng còn mở cửa trên con đường được mệnh danh là “phố Ấn Độ” này. Số còn lại phải ngừng hoạt động do không có chủ và nhân viên, hoặc công việc kinh doanh suy giảm mạnh từ khi việc du lịch giữa hai nước bị tạm ngưng.
“Trước đại dịch, các nhà hàng ở đây đều kín bàn. Hàng dài người xếp hàng để đợi đến lượt. Những tiếng ồn ào thậm chí còn kéo dài đến khoảng 2h. Nhưng giờ đây, đường phố hiu hắt sau khoảng 20-21h”, Arjun Khandelwal, một doanh nhân Ấn Độ đang dùng bữa tại 1 trong 2 nhà hàng còn sáng đèn trên phố, cho biết.
Nhà hàng này do Amit Ramani điều hành, sạch sẽ và chiếu sáng rực rỡ, nhưng rất ít khách. Cả con phố Ấn Độ tối om, vắng lặng, chỉ lác đác vài xe qua lại.
“Khi du khách Ấn Độ tới Nghĩa Ô, chắc chắn họ đến đây để ăn tối. Ngành kinh doanh nhà hàng của chúng tôi từng rất phát đạt”, Ramani cho biết.
Giờ đây, hầu hết khách quen của anh là người Trung Quốc, chủ yếu ghé thăm vào cuối tuần.
Trước khi Covid-19 xuất hiện, có khoảng 3.000 người Ấn Độ sinh sống và kinh doanh ở thành phố Nghĩa Ô. Hiện khu vực này chỉ còn khoảng 500-600 người do hạn chế đi lại, theo chia sẻ của người dân địa phương.
Chính quyền thành phố Nghĩa Ô đã trợ cấp cho doanh nghiệp của Ramani 20.000 NDT (3.100 USD) vào năm ngoái và thêm 6.000 NDT (932 USD) năm nay để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của anh. Chủ nhà cũng giảm tiền thuê nhà cho anh, Ramani chia sẻ thêm.
Ramani đang cân nhắc việc dừng kinh doanh hoàn toàn vào năm tới nếu tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, đây là một quyết định rất khó khăn.
Anh đã mở nhà hàng đầu tiên trên phố Cheng bei từ năm 2004. Đến nay, anh và gia đình cùng nhau điều hành 4 cơ sở. Hiện 2 cơ sở do bố và anh trai anh điều hành phải tạm thời đóng cửa vì họ vẫn mắc kẹt tại quê nhà.
Doanh nghiệp mắc cạn
Cùng với sự sụt giảm trong ngành kinh doanh dịch vụ ăn uống của người Ấn Độ ở Nghĩa Ô, đơn đặt hàng sản phẩm từ Ấn Độ cũng giảm mạnh.
Điều này gây áp lực nặng nề lên những người Ấn Độ đang tham gia hoạt động ngoại thương ở thủ phủ bán buôn hàng hóa nhỏ lẻ lớn nhất thế giới.
Để cắt giảm lỗ, đồng thời duy trì hoạt động kinh doanh, một số người đang cố gắng tìm kiếm cơ hội mới từ các quốc gia khác.
Nirose P M, Tổng giám đốc Văn phòng Nghĩa Ô Trung Quốc của tập đoàn Lulu Group International, nói với Global Times rằng công ty của ông tập trung vào các sản phẩm như đồ dùng hàng ngày, đồ điện tử và đồ chơi. Họ tiếp cận thị trường Ấn Độ và các nước Trung Đông.
Thế nhưng, trước tình cảnh dịch bệnh, họ lại nhận được các đơn đặt hàng về sản phẩm y tế nhiều hơn cả, bao gồm các thiết bị oxy, khẩu trang, găng tay và nhiệt kế, ông nói thêm.
Trong đó, máy oxy là sản phẩm được ưa chuộng nhất. Giá của chúng hiện đã tăng gấp đôi do nhu cầu quá lớn, ông Nirose cho biết.
Đáng chú ý, điều khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn cả là giá vận chuyển container đường biển từ Trung Quốc đến Trung Quốc tăng chóng mặt.
“Trước đây, phí vận chuyển có giá 300 USD/container, nhưng bây giờ là 4.000-5.000 USD”, Sunil Aidasani, người sáng lập công ty thương mại ở Nghĩa Ô cách đây 15 năm, cho biết.
Doanh nghiệp của ông đã bị thu hẹp một nửa do các khách hàng của ông ở Ấn Độ, chủ yếu là các siêu thị, lo lắng rằng dịch bệnh sẽ kéo dài và họ không mua được quá nhiều hàng.
Theo Zing