Người phát ngôn của BNPB, Raditya Jati, cho biết có ít nhất 73 người chết, hơn 820 người bị thương và gần 28.000 người phải rời bỏ nhà cửa sau trận động đất mạnh 6,2 độ richter. Ngoài ra, còn rất nhiều người dân phải tìm nơi ẩn náu trên núi, trong khi những người khác đến các trung tâm sơ tán và tìm cách giải cứu.
Ông Raditya Jati cho biết chính phủ đã ban bố tình trạng ứng phó khẩn cấp nhằm giúp đỡ các nỗ lực cứu hộ. Các sĩ quan cảnh sát và quân đội cũng được huy động để trấn áp nạn cướp bóc ở một số vùng trong khu vực.
Dwikorita Karnawati, người đứng đầu cơ quan khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia (BMKG) cũng mới cho biết một trận động đất khác trong khu vực có khả năng gây ra sóng thần.
Lũ lụt ở tỉnh Bắc Sulawesi và Nam Kalimantan đã làm chết ít nhất 5 người trong tháng này, trong khi lở đất ở tỉnh Tây Java đã khiến ít nhất 29 người thiệt mạng. Chỉ hơn hai tuần nữa là Tết Nguyên đán 2021, trong khi đó đất nước đông dân thứ 4 thế giới đang phải đối mặt với nhiều thảm họa.
Vào ngày 9/1, chiếc máy bay Sriwijaya Air đã lao xuống biển Java khiến 62 người thiệt mạng. Hôm qua, núi Semeru của Đông Java phun trào nhưng chưa có báo cáo về thương vong hoặc sơ tán. Dwikorita cho biết, trong những tuần tới thời tiết khắc nghiệt và “nhiều nguy hiểm” cũng sẽ tiếp tục khiến người Indonesia đối diện với vô số khó khăn.
Nằm dọc theo “Vành đai lửa Thái Bình Dương”, Indonesia thường xuyên hứng chịu các trận động đất. Năm 2018, một trận động đất kinh hoàng 6,2 độ richter và sóng thần sau đó đã tấn công thành phố Palu ở Sulawesi, khiến hàng ngàn người thiệt mạng.
Theo Phụ nữ online