Các cựu Tổng thống Mỹ cáo buộc ông Trump kích động bạo lực
Ngày 6/1, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng cáo buộc Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Donald Trump kích động bạo lực tại Đồi Capitol.
Ông Obama cũng nói rằng, vụ tấn công của người biểu tình vào Quốc hội Mỹ là “rất đáng xấu hổ” nhưng “không hề bất ngờ”.
Cùng quan điểm trên, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton chỉ trích vụ bạo loạn là “vụ tấn công chưa từng có tiền lệ” tại Mỹ, cáo buộc ông Trump kích động bạo lực.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên án những kẻ bạo loạn ủng hộ ông Trump: “Các bạn đã không chiến thắng. Bạo lực không bao giờ chiến thắng”.
Bên cạnh đó, ông Pence cho biết, Quốc hội đã được đảm bảo an toàn, đồng thời hối thúc Thượng viện “quay trở lại công việc kiểm phiếu”.
Cùng ngày, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho hay, “đây là một vết nhơ ở đất nước chúng ta mà sẽ không dễ dàng xóa sạch”.
Theo thượng nghị sĩ này, những đối tượng xông vào Đồi Capitol không phải là những người phản đối mà là những kẻ nổi dậy phải bị truy tố.
Ông Schumer còn cho rằng,Tổng thống đương nhiệm Trump phải chịu trách nhiệm lớn và những biến cố chắc chắn đã không xảy ra nếu không có sự chỉ đạo của ông Trump.
Phản ứng quốc tế
Trên Twitter, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Volkan Bozkir đã bày tỏ quan ngại sâu sắc và lên án tình trạng bạo lực, hỗn loạn xảy ra khi người biểu tình tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ tại thủ đô Washington D.C, phá vỡ quy trình dân chủ tại chính nước Mỹ.
Ông Bozkir khẳng định, nước Mỹ là một trong những quốc gia lớn có nền dân chủ nên ông tin rằng, hòa bình và sự tôn trọng dân chủ sẽ sớm được thiết lập trở lại tại đây, đặc biệt vào thời điểm này.
Cùng ngày, Thủ tướng nước láng giềng Canada Justin Trudeau bày tỏ “vô cùng lo lắng” khi hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump tấn công Đồi Capitol, gọi đây là cuộc “tấn công vào nền dân chủ”.
Phát biểu trên đài phát thanh News 1130 Vancouver, Thủ tướng Trudeau nói: “Hiển nhiên là chúng tôi quan tâm và chúng tôi đang theo dõi tình hình từng phút. Tôi cho rằng các thể chế dân chủ của Mỹ mạnh mẽ và hy vọng mọi việc sẽ trở lại bình thường trong thời gian ngắn”.
Người đứng đầu chính phủ Canada nêu rõ, bạo lực sẽ không bao giờ thành công trong việc chế ngự ý nguyện của người dân.
Trang National Observer của Canada đánh giá, việc ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến chính trường Canada mà còn tác động đến một loạt chính sách của quốc gia này.
Trong khi đó, lãnh đạo các nước đồng minh châu Âu cũng đã lên tiếng bày tỏ choáng váng trước cảnh tượng người biểu tình xâm nhập vào tòa nhà Quốc hội Mỹ và đụng độ bạo lực với cảnh sát.
Thủ tướng Anh, nước đồng minh châu Âu thân cận nhất của Mỹ, cho rằng, những gì vừa diễn ra là một “cảnh tượng đáng xấu hổ” và kêu gọi một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình và trật tự giữa ông Donald Trump và ông Joe Biden.
Tại Pháp, Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian chỉ trích những hành động bạo lực vừa diễn ra tại tòa nhà Quốc hội Mỹ “là một sự vi phạm nghiêm trọng đối nền dân chủ”.
Hàng loạt các chính trị gia tại Pháp cũng lên tiếng bày tỏ sự choáng váng và chỉ trích gay gắt tình hình tại Mỹ.
Chủ tịch Quốc hội Pháp Richard Ferrand cho biết ông gửi các thông điệp “tình bạn và dân chủ” đến các lãnh đạo Quốc hội Mỹ.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Pháp, Francois Hollande chỉ trích đích danh ông Trump khi cho rằng, “cảnh tượng hỗn loạn sau những lời nói vô trách nhiệm của một Tổng thống sắp mãn nhiệm là một sự xúc phạm đối với những người dân chủ trên toàn thế giới”.
Một số lãnh đạo các đảng phái tại Pháp cho rằng, đây là một hành động có ý đồ đảo chính rõ ràng của phe cực hữu.
Từ Đức, Ngoại trưởng Heiko Maas kêu gọi những người biểu tình ủng hộ ông Donald Trump “ngừng dẫm đạp lên nền dân chủ”.
Ông Maas cũng liên hệ những gì đang diễn ra tại Mỹ với quá khứ đen tối tại Đức thời phát-xít khi cho rằng, “những lời nói hận thù đã biến thành hành động bạo lực – trên các bậc thang của Quốc hội Đức – Reichstag và bây giờ là tại đồi Capitol”.
Ngoại trưởng Đức kêu gọi ông Trump và những người ủng hộ “chấp nhận quyết định của các cử tri Mỹ”.
Về phía Liên minh châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, “việc phải chứng kiến những gì diễn ra tại Washington là một cú sốc”.
Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell cũng lên tiếng cho rằng, “đây là một cuộc tấn công chưa từng thấy vào nền dân chủ Mỹ”.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, một trong những nhà lãnh đạo có phản ứng đầu tiên về tình hình tại Mỹ, đã gọi các cuộc biểu tình bạo lực tại Washington là “cảnh tượng hãi hùng”, đồng thời khẳng định kết quả cuộc bầu cử “dân chủ” tại Mỹ cần phải được tôn trọng.
Quốc hội Mỹ chuẩn bị cho việc luận tội Tổng thống Trump
Ngày 6/1, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ Ilhan Omar cho biết, bà đang chuẩn bị hồ sơ để tuyên bố luận tội Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump về vụ bạo loạn nổ ra ở thủ đô Washington D.C.
Trên tài khoản Twitter, bà Omar nhấn mạnh: “Tôi bắt đầu chuẩn bị hồ sơ để tuyên bố luận tội. Ông Trump phải bị Hạ viện bãi nhiệm và bị Thượng viện Mỹ cách chức. Chúng ta không thể cho phép ông ta tại vị, đây là vấn đề bảo tồn nền Cộng hòa của chúng ta và chúng ta phải thực hiện lời thề của mình”.
Bên cạnh đó, bà Omar kêu gọi cách chức ông Trump, đồng thời khẳng định: “Bất chấp nỗ lực nổi loạn nhằm lật đổ nền dân chủ, Quốc hội sẽ hoàn thành nghĩa vụ của mình là thực hiện ý nguyện của nhân dân và đảm bảo sự toàn vẹn của nền dân chủ”.
Nếu Hạ viện Mỹ bỏ phiếu luận tội ông Trump, vụ việc sẽ được chuyển lên Thượng viện. Để cách chức tổng thống Mỹ, cần phải hội đủ số phiếu của 2/3 số thượng nghị sĩ.
Theo Thế Giới Việt Nam