Chuyện làm từ thiện: Của cho không bằng cách cho

Nhiều cá nhân cho rằng, “của cho không bằng cách cho” là nguyên tắc cơ bản của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào đi làm thiện nguyện.

0
244
thien nguyen

Nhiều cá nhân cho rằng, “của cho không bằng cách cho” là nguyên tắc cơ bản của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào đi từ thiện.

thien nguyen
Cụ bà muốn xin thêm một phần đồ ăn. Tuy nhiên người làm từ thiện đã không cho nên cụ lủi thủi đi về. (Ảnh: Chụp màn hình)

Bị từ chối giúp đỡ vì sơn móng tay

Mới đây, mạng xã hội xôn xao trước loạt các clip liên quan đến hành xử của một nam YouTuber khi đi làm từ thiện. Trong video lan truyền, khi người lớn tuổi đến nhận thực phẩm, anh ta liền cất tiếng hỏi: “Chị ơi, sao chị sơn móng chân mà chị tới đây”. Trước tình thế kể trên, cô trung niên này liền đặt phần cơm từ thiện lại và cho biết: “Thôi, tôi không lấy đâu chú. Tôi sơn móng từ thiện ở Võ Thị Sáu của người khuyết tật. Tôi lãnh cho người ta chứ không phải tôi lấy”. Nam thanh niên này đáp lại: “Lần sau chị hãy dành cho những người khó khăn hơn. Cảm ơn chị, chị không tốt như vậy đâu”…

tu thien
Chỉ vì sơn móng tay, người phụ nữ đã bị từ chối sự giúp đỡ (Ảnh: Cắt từ clip)

Không chỉ vậy, khi thấy có hai cá nhân vừa mới đến và được cho là đã chen chân vào hàng, nam YouTuber liền đuổi đi với các lý do “bụi đời không phát cơm” hay như những người thiếu ý thức không bao giờ được phát cơm”.

Hay như trong clip khác, khi thấy một cụ già đến nhận cơm từ thiện, anh ta cho biết: “Ông ơi ông kéo quần lên, ông đừng gãi sồn sột thế. Ông gãi sồn sột thế nó bắn cái nọ kia vào cái bàn phát cơm của tụi con. Ông kéo cái quần lên tận bẹn sau đó ông cứ gãi sồn sột, chỉ sợ nó văng con nọ con kia ra, rất nguy hiểm. Cái bàn phát cơm của người ta là chốn linh thiêng mà ông làm không ra sao cả”…

tu thien
Nam thanh niên bị từ chối nhận cơm từ thiện vì bị cho là “bụi đời”. (Ảnh: Cắt từ clip)

Không riêng câu chuyện về hành xử của nam YouTuber kể trên, mới đây đoạn clip khác ghi lại cảnh một cụ bà đứng nghẹn ngào, cho biết bản thân khi đi nhận gạo 3kg từ thiện lại bị xua đuổi khiến ai thấy cũng chạnh lòng. Nhất là khi cụ cho biết về hoàn cảnh gia đình mình: “Đi mần mướn, có ai nuôi đâu. 4 bà con gái, 5 ông con trai khổ lắm”.

Thẳng thắn hay là câu views?

Các đoạn clip kể trên ngay sau khi chia sẻ lên mạng xã hội đã nhận sự quan tâm của đông đảo dân mạng với nhiều luồng ý kiến trái chiều nhau. Trong đó, có dân mạng cho rằng, việc làm từ thiện cần trao đúng người. Vậy nên cách hành xử có phần thẳng thắn như những cá nhân đi làm từ thiện như trên là hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Thế nhưng, không phải ai cũng đồng tình với việc làm đó. Họ cho rằng không nên nhận định cả nhân cách chỉ qua vẻ bề ngoài. Trong bối cảnh dịch bệnh, bất cứ ai nếu gặp khó khăn đều xứng đáng được giúp đỡ bằng cả tấm lòng. Bên cạnh đó, số khác lại gay gắt lên án những lời nói, cách hành xử như trên bởi họ cho rằng đây là hành vi miệt thị người khác. Về nam Youtuber nói trên, một số bạn trẻ còn đặt câu hỏi phải chăng anh ta đang “câu views” cho kênh YouTube của mình.

tu thien
ộng đồng mạng chỉ trích hành động của nhóm làm từ thiện. (Ảnh: Chụp màn hình)

Trước những vấn đề kể trên, chia sẻ với báo Thanh Niên, nhà thiết kế Ngô Nhật Huy bộc bạch: “Việc làm thiện nguyện phát xuất từ tâm. Đừng mang danh điều đó để bẻ cong, phát ngôn những lời lẽ khó chịu khiến người nhận chỉ biết nghe và nhận cơm như một ân huệ, sự ban phát. Xưa có câu, miếng ăn là miếng tồi tàn, nếu đã có lòng san sẻ thì nên hiểu, đặt hoàn cảnh mình vào trong đó. Thật đắng lòng khi nhận miếng ăn mà phải nghe những lời nói như thế. Của cho không bằng cách cho nên tôi nghĩ người này nên tiết chế lại lời nói thì sẽ tốt biết mấy. Nhưng trên tất cả, hành động giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn lúc này điều là điều đáng ghi nhớ!”.

Liên quan đến trường hợp nam YouTuber kể trên, Cindy Thái Tài cho rằng, cô cảm thấy quý vì ít nhất người này đã tham gia làm từ thiện. Tuy nhiên, do cậu ấy không khéo ngôn nên làm xúc phạm, tổn thương đến nỗi đau của người khác. Đồng thời, nữ ca sĩ đưa ra lời khuyên nam thanh niên này không nên quay mặt người đến nhận và dùng những lời thô thiển như vậy, vô tình chà đạp lên người khác.

Từ thiện và 1001 câu chuyện liên quan

Trong thời gian vừa qua, từ thiện là cụm từ được rất nhiều người nhắc đến. Nó không chỉ đơn giản dừng lại ở vấn đề hành xử không đúng mực, xua đuổi người đến nhận quà thiện nguyện mà còn rất nhiều vấn đề khác nảy sinh.

Đơn cử là chuyện những phần quà từ thiện có thực sự đến đúng người, đúng hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ thực sự hay không. Mới đây thôi, khi thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19, Thủy Tiên đã hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết. Tuy nhiên, việc làm này của cô cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có bạn trẻ thắc mắc về việc tại sao nghệ sĩ không đứng ra kêu gọi. Có dân mạng khác lại bình luận về thấy gạo thì nhiều nhưng vẫn có người ở khu dịch bệnh vẫn không có gạo nấu, không có tiền đóng trọ.

từ thiện
Thủy Tiên trải lòng khi bị chỉ trích vì quyên góp 20 tấn gạo giữa mùa Covid-19. (Ảnh: Chụp màn hình)

Vấn đề nổi cộm tiếp theo đó chính là minh bạch các khoản đóng góp và vấn đề “ngâm” tiền từ thiện. Mới đây thôi dư luận rất quan tâm lùm xùm xung quanh một nghệ sĩ nổi tiếng sau khi kêu gọi hỗ trợ đồng bào miền Trung lũ lụt hơn chục tỷ đồng nhưng rất lâu sau đó mới thực hiện các hoạt động thiện nguyện. Vấn đề được nhiều người đưa mổ xẻ lúc này đó chính là việc lâu “giải ngân” tiền từ thiện có vi phạm pháp luật hay không?

Không chỉ vậy, có rất nhiều vấn đề khác liên quan tới chuyện từ thiện. Trước các vấn đề kể trên, ngày 30/3 vừa qua, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo “Đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Nghị định 64/2008/NĐ-CP” về “Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, quá trình thực hiện cho thấy Nghị định 64/2008/NĐ-CP cũng đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi.

Tại hội thảo, ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc quốc gia tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, thực tiễn từ mùa bão lũ cuối 2020 đã nảy sinh một số bất cập khi so sánh, đối chiếu với quy định pháp luật, đó là, công tác phê duyệt dự án cứu trợ của nước ngoài còn chậm, chồng chéo trong việc thực hiện giữa Nghị định 64, nghị định 50 và nghị định 80. Ngoài ra, việc tham gia cứu trợ của các cá nhân, tổ chức thiếu chuyên nghiệp nên dẫn đến chồng chéo, lãng phí, chưa công bằng nên gây mất đoàn kết trong dân, người làm cứu trợ bị dèm pha, thậm chí bắt đầu xuất hiện tượng lợi dụng cứu trợ để trục lợi…

Không chỉ vậy, luật sư Nguyễn Tiến Lập (Hà Nội) cho rằng hoạt động cứu trợ tự nguyện trong thời gian vừa qua đã đặt ra các vấn đề về chính sách và pháp luật cần giải quyết, trong đó, bao gồm: tính hợp pháp; bảo đảm công khai minh bạch; bảo đảm phân phối hợp lý, công bằng; hỗ trợ hậu cần; cơ chế phối hợp; ứng xử thống nhất của chính quyền địa phương; bảo đảm an ninh, an toàn cho tài sản và người tham gia; có chính sách nhất quán, ổn định để khuyến khích và hỗ trợ.

Trao món quà, trao niềm lạc quan vào cuộc sống

Lại nói về thái độ và cách hành xử khi đi làm từ thiện, nhiều người cho rằng, đây không phải là hành động “ban phát, bố trí” mà chính là sự san sẻ trong lúc hoạn nạn, khó khăn. Ông bà ta có câu: “Của cho không bằng cách cho” và có lẽ đây là nguyên tắc hàng đầu khi làm từ thiện của bất kỳ một ai. Quan trọng hơn, văn hóa cho – nhận cũng là bài học cần được chú trọng bởi làm sao đó để cả người đi tặng và người nhận đều cảm thấy ấm lòng.

ông chú bán rau
Vẫn còn đó những con người làm từ thiện bằng những cái tâm của mình. (Ảnh: FB MR)

Chia sẻ về chuyện làm từ thiện, MC Nguyên Khang bày tỏ nỗi lòng: “Tôi mong rằng khi làm từ thiện, hãy để hết tình cảm của bạn vào trong món quà, của cho không bằng cách cho, tôi từng thấy những giọt nước mắt rơm rớm của người nghèo hai tay đón nhận những bao gạo của chúng tôi, vì họ tin họ sẽ sống sót qua ngày mai, dù ngày mai cũng chưa biết có sáng sủa hơn không? Đó không chỉ là miếng ăn, mà tôi còn gửi gắm ở họ cả niềm lạc quan về cuộc sống”.

Trong những ngày này, TP.HCM giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Với những người nghèo, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn trong những khu vực cách ly, phong tỏa cần sự hỗ trợ hơn bao giờ hết. Và cùng từ đây, trên mạng xã hội chúng ta không khó để bắt gặp những hình ảnh, câu chuyện về bà con trên mọi miền đất nước cũng gửi lương thực, thực phẩm, tiền bạc vào đây để tặng.

Bà Trần Thị Tư (76 tuổi, thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn)
Cụ bà giữa trưa nắng đạp xe chở gạo, bí gửi đến điểm tập kết gửi vào miền Nam bằng cả tấm lòng. (Ảnh: Báo Lao động)

Đó chính là những chuyện cụ bà Nguyễn Thị Tư (75 tuổi ở Quảng Trị) đạp xe giữa trưa nắng mang gạo và vài trái bí đến điểm tập kết để gửi vào Nam. Là câu chuyện về người phụ nữ góp cả một con heo hơn 1 tạ để chế biến món ăn giúp hoàn cảnh khó khăn. Là câu chuyện về nữ bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM cho bệnh nhi 7 tháng tuổi nhiễm Covid-19 bú sữa mà ít ai biết rằng chính cô đành cai sữa người con 10 tháng tuổi của mình để lao vào tuyến đầu chống dịch. Hay như hình ảnh nhóm bạn trẻ đội mưa. Còn nhiều lắm những cá nhân, tổ chức đang nối dài tình yêu thương đến những hoàn cảnh gặp khó khăn.

tu thien
Nụ cười hạnh phúc của những người bán vé số, vô gia cư… khi nhận được phần cơm, mì trưa tại quán chay Bình An phường 6, quận 10. (Ảnh: Công Lý)

Thiết nghĩ, có thể có gam màu chưa sáng trong việc làm từ thiện, vậy nhưng vẫn còn đó những con người, những câu chuyện rất tử tế làm bên một bức tranh tuyệt đẹp về tinh thần tương thân, tương ái của người Việt chúng ta. Nếu làm từ thiện chưa đúng cách chúng ta hãy thay đổi, nếu hợp lý hãy phát huy, bởi lúc này cần lắm sự đồng lòng cùng sức mạnh từ những cái nắm tay siết chặt, nghĩa cử yêu thương, chia sớt trong hoạn nạn, khó khăn. Dịch bệnh rồi sẽ qua, cuộc sống thường nhật sẽ sớm quay trở lại và quan trọng hơn tình người vẫn còn đó!

Nguồn: Tổng hợp