Khi đi chợ hộ, nhiều cán bộ “dở khóc dở cười” khi gặp 1001 trường hợp oái oăm, nhất là chuyện khi bị “bom hàng” chỉ vì “đặt thử xem thật không”.
Vừa qua, mô hình “đi chợ hộ” đã được triển khai ở nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Trao đổi với tờ VnExpress, anh Đặng Thanh Tòng, Bí thư Đoàn phường Bình Trưng Đông (TP Thủ Đức) cho biết, dù kết hợp công nghệ nhưng việc làm kể trên vẫn rất vất vả.
Theo anh, hiện tại Bình Hưng Đông có khoảng 150 hộ cần đi chợ hộ mỗi ngày. Trong đó, riêng Đoàn thanh niên sẽ nhận khoảng 100 đơn hàng cùng sự phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ. Tổ chốt đơn sẽ làm việc tại nhà để tiếp nhận thông tin từ người dân, sau đó lên đơn.
Tổ giao hàng sẽ mang đơn đến các siêu thị, phối hợp với các nhân viên tại đây mua hàng hóa và sau đó sẽ chuyển đến tay người dân. Cũng theo Bí thư Đoàn phường kể trên, khối lượng công việc lớn, đôi khi họ phải làm việc tới tận khuya và liên tục canh chừng điện thoại nếu như không bị “sót đơn”.
Ngoài ra, cũng theo VnExpress, việc thiếu đồng bộ giữa các siêu thị, cửa hàng và cán bộ đi chợ hộ cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt với các địa phương không áp dụng mua hàng theo combo.
Nguồn tin này cũng dẫn lời tình huống của hai cán bộ đi chợ hộ là An và Khuyên. Nhận gần 10 đơn vào đầu buổi sáng, họ phải đi đến một loạt siêu thị, cửa hàng thực phẩm để mua hàng. Ngoài việc lựa chọn thức ăn tươi ngon, họ còn phải trao đổi liên tục với người dân khi sản phẩm họ cần mua hết hàng. Thậm chí có trường hợp phải chọn đi chọn lại, thuyết minh về đặc tính, công dụng sản phẩm cho người mua.
Mua hàng là một chuyện, nhưng đến khâu giao hàng lại là chuyện khác bởi lúc này những cán bộ đi chợ hộ dẫn dễ bị “bom” tiền và hàng. Như trường hợp của chị An kể trên, dù đã rất cố gắng để chạy đi nhiều tiệm mua đúng loại thuốc mà người dân yêu cầu, khi mua được thì người nhờ mua hộ không lấy nữa vì họ đã tự tìm.
Không chỉ vậy, mua hàng về rồi, đứng trước cửa nhà và gọi “cháy máy” người nhờ mua vẫn không thấy mặt. Như trường hợp của một cán bộ phụ trách dù đã đi chợ hộ hết 400.000 đồng, nhưng người đặt đơn không ra nhận mà chỉ nhắn tin xin lỗi vì “đặt thử xem có được đi chợ hộ thật không”, chứ không muốn mua hàng.
Khi nhận đi chợ hộ, các cán bộ phụ trách sẽ lấy tiền túi ra để trả tiền trước, sau đó sẽ nhận lại từ người dân. Các đơn hàng thường có giá trị rất cao, nếu như bị “bùng” thì vị cán bộ ấy có thể bị “mất tiền oan”.
Không chỉ vậy, theo VnExpress, mô hình đi chợ hộ vẫn đang còn một số vấn đề nảy sinh khi áp dụng thực tế. Được biết, theo số liệu từ Sở Công Thương, TP HCM có hơn 74.000 hộ dân đăng ký đơn hàng trong ngày 24/8, tăng hơn 3 lần so với ngày hôm trước. Về phía mình, bạn thấy như thế nào về tình trạng “bom” hàng kể trên, hãy chia sẻ cùng Phụ Nữ Thế Hệ Mới nhé!
Nguồn: VnExpress