Con bạn trở thành một ‘Rich Kid’ đừng vội phán xét cách tiêu tiền của người giàu

0
474

Hãy để mỗi đứa trẻ đều là một “rich-kid” với tài sản thụ hưởng từ những điều tốt đẹp nhất mà bạn đã có!

Có câu thế này: Bố mẹ không cho ta điều ta muốn – Bố mẹ chỉ cho ta điều… họ có. Thế nên, khi một đứa trẻ mang trên người những món đồ giá cả chục triệu thì cũng là bởi thứ cha mẹ chúng có đương nhiên là… tiền. Này, khoan đã, xin đừng đọc điều này bằng sự ác ý thưa các cha mẹ… ít tiền. Cũng đừng tuyên bố theo kiểu: Nếu tôi giàu có tôi cũng không như những bậc cha mẹ kia. Hãy để đến khi các vị có nhiều tiền thì mới bàn tiếp nhé! Làm ơn, đừng cho con bạn những hằn học bạn đang có, những lời lẽ chua cay, đắng đót khi nói về đứa trẻ mang set đồ cả trăm triệu kia.

Là bởi suốt hôm qua đến hôm nay, trên mạng xã hội tôi bắt gặp cơ man nào những lời lẽ đầy châm chọc những đứa trẻ mang những set đồ chục triệu, trăm triệu. Rằng cha mẹ của những đứa trẻ đó đã dạy hư con cái họ, khiến con cái họ mê hàng hiệu trong khi chưa kiếm được ra tiền. Rằng kể cả khi họ có nhiều tiền họ cũng sẽ không giáo dục con họ như vậy, không thể chiều chuộng con họ như vậy.

Về lý thuyết, nếu như cha mẹ chỉ thảy tiền cho con cái để thể hiện tình yêu thì đúng là đáng buồn thật. Vì khi đó, thứ duy nhất cha mẹ có đúng là chỉ có tiền. Hoặc ngoài tiền ra, họ không có gì cho con họ cả. Thậm chí, trong vài trường hợp, nguồn gốc số tiền cha mẹ có để cho con cũng là nguồn gốc phi pháp kiểu quà biếu xén của thuộc cấp, hay buôn lậu thì càng không thể cho con mình biết được. Nhưng nếu đó là những khoản thu nhập hợp pháp thì tôi nghĩ ngoài tiền ra, cha mẹ còn cho con được nhiều thứ giá trị hơn. Và những đứa trẻ hôm qua khoe những set đồ chục triệu, trăm triệu hẳn sẽ là những đứa trẻ hạnh phúc và đủ đầy hơn hẳn những đứa trẻ có cha mẹ đang lên án ầm ĩ trên mạng xã hội.

Không hạnh phúc hơn sao được khi mà những đứa trẻ ấy ngoài việc đủ đầy, dư giả về vật chất, chúng còn có những người cha, người mẹ không phải chạy ăn từng bữa để rồi bị sếp mắng và về mắng con, biến con cái thành cái thớt để “giận cá chém thớt”. Những đứa trẻ khoe đồ hôm qua nếu vì tiết kiệm mà có được thì càng đáng trân quý xiết bao khi thứ chúng có được không chỉ là những bộ đồ hiệu mà còn là sự kiên trì, nỗ lực theo đuổi mục tiêu.

Có cha mẹ nào không ưng cái bụng khi con mình dành dụm được cả chục triệu để mua món đồ nó yêu thích? Làm gì có cha mẹ tử tế nào còn muốn can thiệp vào cả sự yêu thích của con, áp đặt con phải yêu thích theo ý cha mẹ?

Tôi gọi chúng là những đứa trẻ hạnh phúc còn là bởi thứ chúng được hưởng từ cha mẹ là sự tôn trọng chúng, tôn trọng sở thích của chúng thay vì áp đặt chúng phải yêu theo ý cha, thích theo mắt mẹ. Chúng ta, những bậc phụ huynh hôm nay, trước kia cũng đều là những đứa trẻ. Khi bằng tuổi con chúng ta bây giờ, thứ chúng ta muốn có phải là bố mẹ chỉ đâu ngồi đấy cấm cãi không? Sao năm tháng qua đi, chúng ta thành cha mẹ lại chỉ chăm chăm bắt con phải ngoan ngoãn vâng lời chúng ta? Chúng ta cứ nói yêu con nhưng lại nhào nặn chúng thành thú cưng, đóng khuôn chúng thành những đứa trẻ theo ý chúng ta muốn (rồi bao biện rằng chúng ta chỉ muốn tốt cho con).

Tôi gọi chúng là những đứa trẻ hạnh phúc vì cha mẹ chúng ngoài tiền ra còn có bao nhiêu thứ nữa để tặng con. Tất nhiên, tôi nhấn mạnh, nếu nguồn gốc số tiền cha mẹ chúng có là một nguồn hợp pháp. Khi đó, trước nhất, con cái sẽ học được từ cha mẹ như một tấm gương phấn đấu mai này. Kiếm được nhiều tiền như bố mẹ, một cách chính đáng. Khi đó, ở một “level” khá giả, con cái sẽ học được cách sử dụng đồng tiền thay vì bị lệ thuộc đồng tiền. Chúng không phải đói khát nhìn những đứa trẻ khác mà nảy sinh lòng tham hay trở nên hèn nhát, manh mún, bé mọn, toan tính.

Đừng đổ lỗi cho một đứa trẻ hư rằng “cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Tất cả những gì đứa trẻ biểu hiện ra đều bắt nguồn từ những gì lặp đi lặp lại của chính cha mẹ chúng. Vốn không có đứa trẻ nào sinh ra đã hư hỏng, trộm cắp, giết người nếu như chúng không hàng ngày “học” từ chính cha mẹ chúng, có khi chỉ từ những status hôm qua bố mẹ chúng đăng trên Facebook vậy.

Vậy nói sao nếu như hôm qua, có những đứa trẻ trong đám rich-kid ấy, sống ảo, phù phiếm, chạy theo vẻ bề ngoài, nhãn mác chứ không tử tế gì cho cam? Những đứa trẻ chỉ biết định giá bản thân bằng nhãn mác trên người chúng mà không phải bằng những thứ ở trong đầu chúng? Tôi đồng ý! Tôi đồng ý rằng có những trường hợp như thế. Những đứa trẻ hiểu sai về giá trị bản thân và bị chính các nhà kinh doanh dẫn dắt, dụ dỗ, đánh lạc hướng, cố tình tạo trào lưu, xu hướng chỉ để bán hàng. Vậy thì lúc đó, xin hãy lên án những nhà kinh doanh ấy và chính cha mẹ của những đứa trẻ ấy. Bởi khi đó, quả thực, thứ cha mẹ chúng có chỉ là tiền thật. Và những nhãn hiệu thời trang khai thác lũ trẻ kia cũng sẽ chỉ là những “con buôn”.

Lũ trẻ chẳng sai! Lũ trẻ chỉ đáng thương chứ không đáng giận. Vậy thì những chì chiết trên mạng xã hội kia càng tệ nữa. Bởi thay vì góp ý với lũ trẻ như bậc cha chú trong nhà, họ lại trở thành những đao phủ hành quyết lũ trẻ trên mạng xã hội. Họ dạy chính con cái họ sự nanh nọc của họ, sự độc ác trong họ. Đừng tưởng con cái họ mới 3 tuổi, 5 tuổi chưa đọc được những gì họ viết. 5 năm – 10 năm nữa, chỉ cần một lần google, con họ sẽ đọc được những gì họ viết hôm nay. Như Facebook, ngày này năm xưa cách đây 9 năm, 10 năm bạn viết gì hôm nay bạn vẫn sẽ đọc được lại chúng kia mà?

Và cuối cùng, thay vì lên án lũ trẻ hôm qua, xin hãy trò chuyện với con bạn hôm nay bằng tất thảy những gì tốt đẹp nhất của bạn chứ không phải những thứ xấu xí bạn đang bày biện ra trên mạng xã hội. Hãy để mỗi đứa trẻ đều là một “rich-kid” với tài sản thụ hưởng từ những điều tốt đẹp nhất mà bạn đã có!

Nguồn: Pose.com.vn