Bố mẹ thu tiền lì xì của con có thể bị phạt đến 30 triệu đồng

Mừng tuổi đầu năm là một trong những nét đẹp văn hóa có từ lâu đời. Rất nhiều em bé và cả người lớn háo hức khi được nhận những phong bao đỏ chói. Và cũng từ đó, nhiều bố mẹ thường có thói quen giữ tiền lì xì vì sợ con mình sẽ đánh rơi, chi tiêu không kiểm soát. Vậy dưới góc độ luật pháp, việc làm này là đúng hay sai?

0
120

Mừng tuổi đầu năm là một trong những nét đẹp văn hóa có từ lâu đời. Rất nhiều em bé và cả người lớn háo hức khi được nhận những phong bao đỏ chói. Và cũng từ đó, nhiều bố mẹ thường có thói quen giữ tiền lì xì vì sợ con mình sẽ đánh rơi, chi tiêu không kiểm soát. Vậy dưới góc độ luật pháp, việc làm này là đúng hay sai?

Mới đây, trao đổi với báo giới, TS. luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, dưới góc độ pháp lý Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ các quyền trẻ em trong đó có quyền có tài sản, quyền định đoạt tài sản và quyền tham gia các quan hệ dân sự.

Theo đó, tùy theo từng độ tuổi nhất định, trẻ em được trao quyền tham gia các giao dịch dân sự có sự kiểm soát của cha mẹ hoặc không. Với tài sản riêng thì pháp luật cũng đã có quy định rõ, trẻ em hoàn toàn có quyền quyết định tài sản riêng và được pháp luật bảo vệ quyền sở hữu.

Theo Khoản 1, Điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con”.

Hay nói cách khác, tiền lì xì cho trẻ em là tiền người lớn tặng cho trẻ em là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của trẻ em. Hành vi thu tiền lì xì của trẻ em, sử dụng trái phép tiền lì xì của trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật. Người vi phạm có thể bị phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vấn đề trên đã được Hiến pháp năm 2013 quy định.

Ngoài ra, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về các độ tuổi (dưới 6 tuổi, từ 6 -15 tuổi và trên 15 tuổi). Theo đó, trẻ em dưới 6 tuổi thì không được phép tham gia các quan hệ dân sự. Việc chi tiêu tiền của trẻ dưới 6 tuổi do cha mẹ, người giám hộ quyết định. Còn đối với trẻ em từ 6 – 15 tuổi thì có quyền tham gia các quan hệ dân sự để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của mình. Trẻ em từ 15 tuổi trở lên thì có toàn quyền quyết định đối với tài sản của mình (trừ bất động sản và tài sản tài sản có đăng ký quyền sở hữu).

Như vậy với trẻ em dưới 6 tuổi thì tiền lì xì có thể do cha mẹ giữ nhưng việc sử dụng tiền lì xì đó thì phải phục vụ cho nhu cầu của trẻ em, cha mẹ không được phép chiếm dụng số tiền này. Trẻ em từ sáu 6 – 15 tuổi có thể giữ tiền mừng tuổi để phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt cá nhân phù hợp với lứa tuổi của mình. Còn khi chi tiêu số tiền lớn không phải nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân thì cần có ý kiến của người giám hộ. Trẻ em từ 15 tuổi trở lên thì hoàn toàn có quyền cầm giữ toàn bộ số tiền mừng tuổi của mình và có toàn quyền chi tiêu số tiền này mà không phụ thuộc vào ý kiến của cha mẹ.

Trong trường hợp, cha mẹ, người giám hộ hoặc ai đó xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của trẻ em, có bạo lực về kinh tế đối với trẻ em thì tùy vào tính chất mức độ hành vi người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tiến sĩ luật cho biết, theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống bạo lực gia đình quy định, những người trong gia đình mà có bạo lực về kinh tế, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác, trong đó có trẻ em thì có thể bị phạt đến 30 triệu đồng.

Chính vì vậy, các bậc cha mẹ, cũng cần tìm hiểu các quy định của pháp luật, cần hiểu biết các quyền trẻ em, tôn trọng và bảo vệ quyền trẻ em trong đó có quyền sở hữu tài sản.

Nguồn: Tổng hợp