Biến cố Covid-19 ‘hạ gục’ siêu tàu sân bay Mỹ

0
184

Hạm trưởng Crozier khẩn thiết xin sơ tán tàu Theodore Roosevelt vì Covid-19 nhưng không được chấp thuận. 4 ngày sau, những diễn biến kịch tính dồn dập xảy ra.

Trong những ngày giữa tháng 3, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của hải quân Mỹ lênh đênh trên biển, sau khi kết thúc chuyến thăm Đà Nẵng, Việt Nam.

USS Theodore Roosevelt rời Việt Nam hôm 9/3. Trong những ngày sau đó, các máy bay chở hàng từ căn cứ Mỹ ở Nhật Bản và Philippines liên tục cất, hạ cánh trên tàu sân bay này. Nhật Bản lúc này đang là “điểm nóng” Covid-19, trong đó nghiêm trọng nhất là du thuyền Diamond Princess chở 2.600 hành khách, trong đó 700 người nhiễm nCoV, 8 người chết.

Lo ngại nguy cơ Covid-19 bùng phát trên tàu, đội y tế của USS Theodore Roosevelt giám sát chặt chẽ các thủy thủ có biểu hiện ốm trong vòng hai tuần, thời gian ủ bệnh của nCoV.

Đến ngày 24/3, thủy thủ trên tàu bất ngờ khi nhận được thông báo “Quy định River City 1” từ loa phóng thanh, khi Theodore Roosevelt đang đi qua phía tây Thái Bình Dương.

Các thủy thủ hiểu rằng đã có chuyện xảy ra. Thông báo “River City 1”, có nghĩa là Reduced Communications – cắt giảm thông tin liên lạc, đồng nghĩa với việc phần lớn thủy thủ không được truy cập Internet và gọi điện thoại trên tàu.

Rất nhanh sau đó, thủy thủ tập trung ở các khu y tế, nơi họ thường không tới gần ngoại trừ các trường hợp khẩn cấp. Mọi người lập tức biết rằng ba thủy thủ trên tàu đã dương tính với nCoV. Ổ dịch này bùng phát từ bộ phận trung tâm của con tàu: lò phản ứng hạt nhân.

Ba thủy thủ này sau đó được đưa chuyển bằng máy bay tới bệnh viện của hải quân Mỹ ở Guam. Hai ngày sau, vào 26/3, Roosevelt cập cảng ở Guam và quá trình xét nghiệm nCoV cho toàn bộ thủy thủ đoàn được bắt đầu.

Đúng lúc này, tranh cãi nổ ra ở cấp cao nhất trên tàu. Đại tá Brett E. Crozier, hạm trưởng USS Theodore Roosevelt, cho rằng cần phải sơ tán gần như toàn bộ thủy thủ trên tàu. Ông muốn thủy thủ được cách ly và xét nghiệm trong khi con tàu được khử trùng.

Ông đề xuất để lại “bộ khung” 500 thủy thủ trên tàu để duy trì hoạt động của lò phản ứng, bảo vệ bom, tên lửa, máy bay chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác.

Đại tá Brett Crozier truyền lệnh cho các thủy thủ đoàn trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hồi tháng một. Ảnh: Reuters.

Hạm trưởng Crozier bị ám ảnh bởi câu chuyện của du thuyền Diamond Princess. Tình hình của Theodore Roosevelt có thể còn tồi tệ hơn thế: gần 5.000 thành viên thủy thủ đoàn chen chúc nhau trong những phòng ngủ chung, đôi khi là những giường ngủ cao ba tầng.

8 thủy thủ có triệu chứng nhiễm nCoV nặng đã được chuyển tới bệnh viện của Hải quân Mỹ ở Guam. Các bác sĩ trên tàu ước tính hơn 50 thủy thủ sẽ chết nếu chiến hạm này không được sơ tán.

Tuy nhiên, chuẩn đô đốc Stuart P. Baker, tư lệnh nhóm tác chiến gồm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và 7 tàu hộ tống, cấp trên trực tiếp của đại tá Crozier, phản đối yêu cầu được xem là quá quyết liệt của ông về việc sơ tán gần như toàn bộ con tàu. Baker cho rằng một biện pháp ít quyết liệt hơn vẫn đủ sức bảo vệ các thủy thủ và đảm bảo hoạt động của tàu.

Các chỉ huy cấp cao của hải quân Mỹ ở Washington, trong đó có quyền Bộ trưởng Hải quân Thomas B. Modly, cũng được báo cáo về chuyện này. Modly và cư dân đảo Guam cũng bày tỏ lo ngại rằng hòn đảo không thể tiếp nhận tất cả thủy thủ đoàn nếu ra lệnh sơ tán tàu, đặc biệt là khi số ca nhiễm nCoV tăng lên.

Hải quân Mỹ đã cân nhắc những lựa chọn khác, như đưa tàu tới Okinawa, Nhật Bản, hoặc về San Diego. Một phương án khác là để 4.000 thủy thủ trên tàu và đưa 1.000 xuống nhà thi đấu ở căn cứ Guam, nơi họ ngủ trên những chiếc võng đặt cách nhau vài mét. Nhưng những nỗ lực đầu tiên để đưa thủy thủ tới nhà thi đấu này đã dẫn tới nhiều ca nhiễm nCoV hơn.

Hôm 30/3, sau 4 ngày bị cấp trên từ chối yêu cầu, đại tá Crozier soạn một email. “Các thủy thủ không cần phải chết”, ông viết trong bức thư “cầu cứu” gửi 20 người, đều là các sĩ quan cấp cao của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương, đề nghị họ giúp đỡ.

Là người tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ và có gần 30 năm kinh nghiệm phục vụ trong quân đội, đại tá Crozier hiểu rằng bức thư này có thể đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của ông, theo bạn bè của Crozier chia sẻ trong các cuộc phỏng vấn. Quân đội Mỹ luôn tự hào về thứ bậc chỉ huy, và quy trình phù hợp với hạm trưởng này là tiếp tục đề đạt ý kiến để cấp trên hành động.

Dù vậy, Crozier vẫn bấm nút “gửi” bức thư.

Trong khi đó ở Washington, Modly đã chỉ đạo một trợ lý thân cận liên lạc với đại tá Crozier để đảm bảo ông được đáp ứng những yêu cầu cần thiết. Modly sau đó cho biết trợ lý này báo cáo hạm trưởng Crozier rất hài lòng và “chỉ ước các thủy thủ của ông được sơ tán nhanh hơn”.

Quyền Bộ trưởng Hải quân Thomas B. Modly họp báo tại Washington hôm 2/4. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Nhưng cũng chính lúc này, đại tá Crozier đang soạn bức thư dài 4 trang để gửi bằng địa chỉ email không bảo mật. Tiêu đề của email rất đơn giản: Yêu cầu hỗ trợ đối phó với đại dịch Covid-19. Nhưng nội dung thư thì không như vậy.

Đại tá Crozier nêu rõ trong thư rằng tàu Theodore Roosevelt sẽ phải đứng trước hai lựa chọn: Một là chúng tôi dùng hết những gì mình có để chiến đấu với dịch bệnh và điều đó đồng nghĩa sẽ có tổn thất về người. Hai là con tàu có thể tránh được dịch nếu tất cả thành viên được sơ tán.

Khi Crozier cho các sĩ quan cấp cao trên tàu xem bức thư, họ đều muốn cùng ký tên vào đó, nhưng ông từ chối vì sợ rằng nó sẽ ảnh hưởng tới sự nghiệp của họ.

Bức thư của Crozier giống như một “cú tát” vào tuyên bố mọi thứ vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền Washington.

Ngày hôm sau, 31/3, khi Modly tới Los Angeles để thăm tàu bệnh viện Mercy của hải quân Mỹ, một trợ lý đã đưa ông xem bản sao bức thư của Crozier, bởi nó không được gửi tới cho Modly. Bức thư lập tức được đăng trên tờ San Francisco Chronicle, sau khi bị rò rỉ từ một trong số 20 người nhận. Bức thư đã nhanh chóng xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông khác.

Điều này khiến  Modly thực sự nổi giận. “Tôi thực sự thất vọng về những gì ông ấy nói. Chúng tôi đang làm mọi điều có thể”, Modly nói trong cuộc họp báo ngày hôm sau.

Lo lắng lá thư của Crozier khiến Tổng thống Donald Trump tức giận, Modly lập tức gọi cho đồng nghiệp để xin lời khuyên và hỏi rằng liệu có nên sa thải Crozier hay không. Hầu hết những đồng nghiệp của ông, gồm Đô đốc Michael M. Gilday, thamg mưu trưởng hải quân, cùng tướng Mark A. Milley, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, đều khuyên nên mở cuộc điều tra và đợi kết quả trước khi ra quyết định.

Nhưng Modly, người tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ và cựu phi công hải quân, người hy vọng trở thành Bộ trưởng Hải quân, vẫn thấy lo lắng về Tổng thống Trump. Người tiền nhiệm của ông là Richard V. Spencer từng bị sa thải vì phản đối sự can thiệp của Tổng thống về vụ điều tra lính đặc nhiệm SEAL Edward Gallagher.

Theo một nguồn tin thân cận, khi đang trao đổi với một cố vấn qua điện thoại, Modly đột ngột cắt lời và nói rằng “Tổng thống muốn sa thải anh ta”. Nguồn tin đoán rằng quyền Bộ trưởng Hải quân Modly đã nhận được tin nhắn thông báo quan điểm của Tổng thống trong sự việc. Sau cuộc nói chuyện đó, Modly quyết định sa thải Crozier.

Modly thông báo cho Đô đốc Gilday, tướng Milley và Bộ trưởng Quốc phòng Mark T. Esper rằng đã sa thải đại tá Crozier, trước khi cuộc điều tra bắt đầu. Cả ba cho biết sẽ công khai ủng hộ quyết định này của Modly, dù Milley và Gilday có chút dè dặt về điều này.

Nghị sĩ Adam Smith của đảng Dân chủ ở Washington, chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện, cùng ba thành viên Dân chủ khác đều lên án quyết định này. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận Crozier đã xử lý chưa đúng cách trong tình huống đó.

Bộ phận y tế trên tàu Roosevelt cũng lập tức trở thành đối tượng của cuộc điều tra. Vào ngày đại tá Crozier rời tàu, đô đốc Robert P. Burke, phó tham mưu trưởng hải quân Mỹ, triệu tập sĩ quan quân y cấp cao để điều tra. Burke đã tức giận chỉ trích bác sĩ này và cho rằng ông là một chỉ huy thất bại,

Trong một email, phát ngôn viên hải quân Mỹ, chuẩn đô đốc Charles W. Brown, cho biết Burke đã nói chuyện với nhiều cá nhân trong suốt cuộc điều tra trên tàu Roosevelt, cũng như ban chỉ huy tàu.

Khi đại tá Crozier đeo ba lô rời tàu và vẫy tay chào, hàng trăm thủy thủ đã tập trung để tạm biệt và hô vang tên ông. Video ghi lại cảnh này lập tức “gây bão” mạng xã hội. Quan chức hải quân cho biết điều này càng khiến Modly tức giận. Những hành động tiếp theo của Modly ngày càng khiến giới chức Lầu Năm Góc bất ngờ và đặc biệt khiến thủy thủ đoàn của Roosevelt càng kiên quyết chống đối ông.

Modly đã lên một chuyên cơ Gulfstream tại sân bay ở ngoại ô Washington và bay suốt 35 giờ tới Guam, với tổng chi phí cho hành trình này lên tới hơn 243.000 USD, theo báo cáo của một quan chức hải quân đăng trên tờ USA Today.

Khi hạ cánh, ông đã lên tàu Roosevelt và phát biểu 15 phút trước toàn bộ thành viên thủy thủ đoàn để chỉ trích những người ủng hộ Crozier.  Ông nói đại tá Crozier quá “ngây thơ hoặc ngốc nghếch” để chỉ huy tàu sân bay. Ông cũng nói các thủy thủ không nên tin truyền thông và đổ lỗi cho Trung Quốc về Covid-19. Chưa đến 30 phút sau đó, ông rời đi sau khi không nhận được bất kỳ câu hỏi nào từ thủy thủ đoàn.

Bản ghi âm bài phát biểu của Modly nhanh chóng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Hải quân Mỹ trở thành tâm điểm của dư luận, với vô số câu hỏi của phóng viên và lời yêu cầu ông Modly trả lời phỏng vấn. Modly thậm chí đã gây ra làn sóng phẫn nộ khi tuyên bố “Tôi bảo lưu những gì mình đã nói”.

Tới lúc này, các nhà lập pháp và sau đó là giới chức quân sự, thậm chí những người đã nghỉ hưu, cũng đều kêu gọi sa thải Modly.

“Tôi hoàn toàn phản đối những gì ông ấy nói với thủy thủ đoàn”, Mike Mullen, cựu đô đốc, người từng là chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân dưới thời tổng thống George W. Bush và Barack Obama, nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Esper đã gọi điện cho Modly và nói rằng ông phải xin lỗi về những gì đã phát biểu trên tàu Roosevelt. 7 tiếng sau bài phát biểu ở Guam, Modly lên tiếng xin lỗi và rút lại những gì đã nói. “Tôi không nghĩ đại tá Brett Crozier ngây thơ hay ngốc nghếch. Tôi luôn nghĩ và tin ông ấy không phải người như thế”, Modly nói.

Nhưng hậu quả là điều không thể tránh khỏi. Ngày hôm sau, khi đang tự cách ly sau chuyến thăm tàu Roosevelt, Modly gọi cho Bộ trưởng Esper để xin từ chức.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt neo tại cảng Guam đầu tháng này. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Trong khi đó, đại tá Crozier vẫn cách ly ở căn cứ hải quân ở Guam sau khi dương tính với nCoV. 585 thủy thủ viên dương tính với nCoV cũng đang được cách ly ở Guam, chiếm khoảng 75% tổng số ca mắc Covid-19 của hải quân Mỹ, trong khi gần 4.000 người khác được sơ tán khỏi tàu. Một thành viên của thủy thủ đoàn hôm 13/4 qua đời vì biến chứng Covid-19 sau nhiều ngày nằm trong phòng chăm sóc tích cực tại Guam.

Giới chức hải quân Mỹ cho biết Roosevelt nhiều khả năng sẽ được khử trùng hoàn toàn và sẵn sàng nối lại hoạt động ở Thái Bình Dương trong tháng này. Hơn 345.000 người đã ký thư kiến nghị trên mạng kêu gọi phục chức cho đại tá Crozier, điều mà đô đốc Gilday cũng từng nhắc tới tuần trước.

Nhiều quan chức quân sự cấp cao Mỹ lo ngại rằng câu chuyện về tàu sân bay Roosevelt sẽ ảnh hưởng tới các tàu chiến và sứ mệnh khác của hải quân Mỹ.

“Tôi nghĩ rằng những gì đã xảy ra trên tàu Roosevelt là chuyện có một không hai. Sẽ không đúng khi nghĩ rằng chuyện này sẽ không bao giờ xảy ra nữa”, tướng John E. Hyten, phó chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, nói ngày 9/4.

Ba tàu sân bay khác, gồm Ronald Reagan, Carl Vinson và Nimitz, cũng đã báo cáo trường hợp thủy thủ nhiễm nCoV và hải quân Mỹ đang phải chạy đua để giải quyết các sự cố này.

“Câu chuyện về tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trong những ngày qua phần nào thể hiện hình ảnh quân đội Mỹ trong ba năm rưỡi Trump làm tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang”, các bình luận viên của NYTimes nhận định. “Nó cho thấy quân đội Mỹ, vốn được cấu trúc và phân cấp chặt chẽ nhất trong chính quyền, đã tìm cách thích ứng với một tổng thống khó lường như thế nào, khi ngày càng nhiều quyền bộ trưởng xuất hiện trong lực lượng”.

Theo: VnExpress