Xúc động với bài dự “Ký ức tuổi học trò” của thí sinh nghị lực Phạm Sỹ Long

0
208

Bài dự thi của thí sinh Phạm Sỹ Long trong cuộc thi “Ký ức tuổi học trò” thực sự là một câu chuyện đầy nghị lực, ở đó chính những ký ức của năm tháng học trò đã tiếp sức để anh vươn lên khỏi sự ngặt nghèo của cuộc sống.

Anh Phạm Sỹ Long

Phạm Sỹ Long đến từ vùng đất Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Thuở nhỏ, anh cũng như bao cô cậu học trò tinh nghịch. Ký ức dưới mái trường của anh là những giờ lên lớp lắng nghe thầy cô giảng bài, những lần nghịch ngợm, chọc phá bạn gái khóc rồi thầy cô trách phạt, những lần được cùng bạn bè cười vang trước sân trường…

Nhưng rồi năm tháng học trò của Phạm Sỹ Long khép lại năm anh 16 tuổi. Khi vừa bước chân vào trường cấp 3 một tháng thì anh gặp phải tai nạn nghiêm trọng.

Năm 2003 anh rơi từ trên cây, đâm đầu xuống đất và hậu quả để lại là những di chứng đau đớn. Phạm Sỹ Long bị gãy hết răng, đứt 1 đoạn lưỡi nên không còn nói được nữa. Hai đốt xương cổ dập nát không thể cứu chữa, anh bị liệt và mất hết cảm giác từ vai xuống.

Những năm đầu, Phạm Sỹ Long phải nằm yên bất động, tinh thần hoảng loạn, cuộc sống, tương lai với anh như khép lại.

Nhưng cũng chính lúc tuyệt vọng nhất, Phạm Sỹ Long lại khao khát những năm tháng học trò, nghĩ về trường lớp, thầy cô, những người thân… Anh nhớ về ngày mình có thể cầm bút, viết chữ, vẽ tranh và dường như nỗi nhớ ấy khiến anh phấn chấn hơn. Phạm Sỹ Long tin đôi tay đã liệt nhưng ý chí không liệt sẽ giúp anh một lần nữa sống lại, một lần nữa được sống với những ký ức đẹp đẽ của tuổi thanh xuân.

Phạm Sỹ Long bắt đầu hành trình học cách viết, vẽ bằng miệng và rồi sự cố gắng của anh đã được đền đáp. Sau một thời gian kiên trì cố gắng luyện tập, khiến cho miệng bị lở loét, phải húp cháo suốt nửa tháng trời anh đã có thể điều khiển chiếc bút theo ý mình.

Phạm Sỹ Long luyện tập viết lách bằng miệng

Từ đó hàng ngày anh đều vẽ tranh, làm thơ, còn viết tự truyện về cuộc đời của mình và cả truyện dài nữa. Sau bao nhiêu nỗ lực, cố gắng, Phạm Sỹ Long đã có cho mình hơn 350 bài thơ, tự truyện và gần 10 tập truyện dài và 55 bức tranh.

Và đặc biệt là nhờ các mạnh thường quân mà anh đã có được hai đứa con tinh thần, đó là tập “MIỀN KHÁT VỌNG” được xuất bản năm 2012 và truyện dài “KHÔNG CHỈ LÀ GIẤC MƠ” được xuất bản năm 2020.

Với sự hỗ trợ của các mạnh thường quân và người thân, Phạm Sỹ Long cũng đã học cách sử dụng máy tính bảng để sản xuất nên những tác phẩm tâm huyết của mình. Cuộc đời anh đã bước sang một trang mới nhờ chính những ký ức dưới mái trường.

Bài dự thi của Phạm Sỹ Long tái hiện lại hành trình đầy khắc nghiệt mà anh đã đi qua. Câu chuyện xúc động, sự nỗ lực phi thường của anh xứng đáng với giải thưởng anh nhận được.

Bộ tứ giám khảo của cuộc thi bao gồm: Ms Lê Thanh Xuân – Trưởng nhóm Chúng tôi thích mặc Áo Dài, Ms Hà Võ – Chủ dự án We love Ao Dai, Giám đốc Ilumme Magazine, Ms Phương Diễm – Ban quản trị nhóm Chúng tôi thích mặc Áo Dài và Ms Ngô Quế Liên – Trưởng nhóm Bình Định đều xúc động với những tâm sự của Phạm Sỹ Long trong bài dự thi của mình.

Cuộc thi “Ký ức tuổi học trò” cũng hi vọng sân chơi trở thành nơi trải lòng, nơi để mọi người nhìn lại những năm tháng đẹp đẽ, nguồn động lực để khi đối diện với những khó khăn trong cuộc sống chúng ta sẽ nhớ về đoạn đường đẹp mình đã đi qua.

Nguồn: TCTTT