Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức chuỗi tọa đàm và triển lãm ở TP.HCM

0
195

Chương trình Những ngày Phát triển bền vững 2022 với 5 tọa đàm và 1 triển lãm sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 25/4 – 27/4 tại TP.HCM, do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức.

Chuỗi tọa đàm và triển lãm sẽ quy tụ 25 chuyên gia đầu ngành của Pháp và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, cùng chia sẻ và thảo luận về chủ đề phát triển bền vững tại Việt Nam qua những góc nhìn khác nhau. 5 tọa đàm sẽ diễn tại Nhà văn hóa Thanh niên, Q.1. Triển lãm “Tái tạo sức hút thế giới” sẽ diễn ra tại Trường Đại học Kiến trúc, Q.3, vào cửa tự do.

Tọa đàm “Ô nhiễm không khí”  diễn ra ngày ngày 25/4

Tại tọa đàm, các chuyên gia đến từ các Viện nghiên cứu và trường đại học sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tiến trình ô nhiễm không khí trong mối tương quan với các hoạt động của con người, những nguyên nhân và tác động của ô nhiễm bụi mịn cùng nhiều vấn đề nổi cộm khác liên quan đến chất lượng không khí.

Tọa đàm với sự tham gia của các diễn giả: Ông Xavier Mari, nhà sinh địa hóa học, Giám đốc Nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD), thành viên của Viện Hải dương học Địa Trung Hải (MIO); Bà Gaëlle Uzu, nhà nghiên cứu, Viện Địa chất Môi trường, Đại học Grenoble; PGS. TS. Tô Thị Hiền, Trưởng Bộ môn Công nghệ Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM; Bà Sophie Moukhtar, Trưởng ban Giao thông, Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ liên ngành về Ô nhiễm không khí (CITEPA).

Tọa đàm “Quản lý bền vững nguồn nước” diễn ra ngày 26/4

Tài nguyên nước đang chịu nhiều áp lực do sự gia tăng dân số và đô thị hóa không ngừng, tuy nhiên sự bất cập trong hệ thống quản lý và xử lý nước thải tạo thành mối đe dọa đối với sức khỏe con người cũng như đối với hệ sinh thái. Ở các khu vực đô thị, trong khi khả năng tiếp cận nguồn nước máy được phát huy nhanh chóng, thì việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm đang làm suy giảm chất lượng và làm cạn kiệt các tầng nước ngầm, đồng thời làm tăng chi phí cung cấp nước.

Đâu là những giải pháp trọng tâm, đúng đắn và có thể triển khai trong ngắn hạn? Những giải pháp này liệu có phải là giảm khối lượng và mức độ ô nhiễm nước, thu giữ, xử lý, tái sử dụng và tái chế, phát triển công nghệ mới và áp dụng các phương thức quản lý sáng tạo? Các câu hỏi sẽ được giải đáp trong tọa đàm.

Tọa đàm với sự tham gia của các diễn giả: Ông Võ Duy Quý, Giám đốc VUCICO; Ông Quentin Lebegue, Trưởng Ban Hạ tầng đô thị và Phát triển xã hội – Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam; PGS. TS. Nguyễn Phước Dân, giảng viên Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM; Ông Romain Joly, Giám đốc Việt Nam, dự án 1001 fontaines; Ông Trần Kim Thạch, Trưởng phòng Phòng Quản lý chất lượng nước, thường trực Ban chỉ đạo chương trình cấp nước an toàn – Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn; Ông Julien Le Roux, Quản lý khu vực Châu Á, BERIM.

Tọa đàm “Cảnh quan nguồn nước và quy hoạch đô thị” diễn ra ngày 26/4

Tọa đàm sẽ đề cập những dự án đô thị liên quan đến quy hoạch cảnh quan và công cộng xung quanh các sông hồ ở đô thị, vai trò của những dự án này trong việc cải thiện môi trường sống cũng như vị trí của nước như một tài nguyên cảnh quan trong một thành phố bền vững hơn.

Tọa đàm với sự tham gia của các diễn giả: Bà Mélanie-Lan Doremus, Tổng Giám đốc AREP Đông Nam Á; Ông Lê Phước Anh, KTS – Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội; Ông Emmanuel Cerise, Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam); Bà Lê Thị Thanh, Kiến trúc sư cảnh quan, Giám đốc Interscene 3.0.

Tọa đàm “Xây dựng xanh” diễn ra ngày 27/4

Trong vòng 40 năm tới, 230 tỷ m² sẽ được xây dựng thêm trên toàn thế giới, đồng nghĩa với việc mỗi tuần, hành tinh của chúng ta sẽ có thêm 1 phần diện tích được xây dựng tương đương với diện tích được xây dựng của thành phố Paris. Do đó, để các hoạt động xây dựng hạn chế tác động đến biến đổi khí hậu, cần phải thực hiện các biện pháp khẩn cập trong lĩnh vực xây dựng và thiết kế công trình.

Ở Việt Nam, các hoạt động “xây dựng xanh” hiện đang như thế nào? Giải pháp nào cho tương lai? Các diễn giả của tọa đàm “Xây dựng xanh” sẽ cùng chia sẻ góc nhìn của họ về chủ đề này.

Tọa đàm với sự tham gia của các diễn giả: Ông Nicolas Jallade, Giám đốc Dự án Năng lượng Tập đoàn ARTELIA Việt Nam; Ông Thierry Meraud và Ông Brahmanand Mohanty, Chuyên gia quốc tế, quản lý khu vực lân cận EU (Đông, Địa Trung Hải), Vụ Hành động Quốc tế, ADEME, Pháp; Ông Adrien Techer, Kỹ sư chất lượng môi trường tòa nhà – Phòng thí nghiệm sinh thái đô thị (LEU); Ông Nguyễn Hải Đăng, Trưởng nhóm tư vấn, Tập đoàn Capital House; Bà Nguyễn Thái Huyền, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, ĐH Kiến trúc Hà Nội.

Tọa đàm “Xe máy – Metro – Những thách thức trong giao thông” diễn ra ngày 27/4

Tăng trưởng đô thị ở TP.HCM hay Hà Nội đi kèm với sự gia tăng tần suất đi lại, nhưng hầu hết việc đi lại được thực hiện bằng các phương tiện cá nhân xe máy và ô tô. Những phương tiện giao thông công cộng ít ỏi cùng với mật độ cư dân rất cao hiện nay dẫn đến tắc nghẽn giao thông và làm ô nhiễm môi trường. Do đó, chính quyền đã khởi xướng các kế hoạch phát triển giao thông công cộng quy mô lớn.

Tọa đàm là dịp để chúng ta cùng các chuyên gia tìm hiểu về triển vọng trung hạn của các mạng lưới giao thông tương lai của Hà Nội và TP.HCM là gì, những biện pháp nào cần được thực hiện để chúng hiệu quả, thành công hơn.

Toạ đàm với sự tham gia của các diễn giả: Ông Eric Gratton, Tổng Giám đốc ARTELIA Việt Nam; Ông Yann Maublanc, Chuyên gia Giao thông, Công ty tư vấn Espelia; Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải – Đại học Việt Đức; Ông François Carcel, Chuyên gia Giao thông Đô thị – Cơ quan Phát triển Pháp.

Triển lãm “Tái tạo sức hút thế giới” diễn ra từ 26/4 – 27/4

“Tái tạo sức hút thế giới. Kiến trúc, thành phố, sự chuyển đổi” là một triển lãm – tuyên ngôn về tương lai của thế giới có người sinh sống, được thiết kế cùng với 40 kiến trúc sư đã giành được giải thưởng Global Award for Sustainable Architecture.

“Tái tạo sức hút thế giới” giới thiệu một kiến trúc đang vận động, phức tạp và đa dạng. Triển lãm nói lên suy ngẫm mang tính đạo đức và thẩm mỹ của một nghệ thuật sống dựa trên sự trao đổi, cởi mở với những kiến thức mới, cam kết và phát triển bền vững. Đâu là sứ mệnh của kiến trúc sư trong thời đại có những chuyển dịch lớn về dân số, sinh thái, đô thị và năng lượng? Với hơn 200 dự án và các phòng thí nghiệm, các bạn sẽ khám phá những ý tưởng đầy sáng tạo nhằm mục đích tái tạo điều kiện sống của con người bằng cách tích hợp các quá trình chuyển đổi cần thiết cho thế giới của chúng ta.