Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi với cái tên Tết diệt sâu bọ. Vào ngày này, mọi người thường chuẩn bị những mâm cơm ngon, thắp ném tâm hương hướng về tổ tiên. Với nhiều gia đình miền Bắc, mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ thường có đầy đủ các lễ vật gồm: một số loại hoa tươi, trái cây mùa hè, rượu nếp….Theo quan niệm dân gian của người Việt, ăn rượu nếp có thể giết sâu bọ vì món này có vị nồng cay giúp loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể.
Với người miền Bắc, một món ăn không thể thiếu trong người này đó chính là bánh gio (bánh tro). Gọi là bánh tro vì nước để ngâm gạo làm bánh và nấu bánh đều được lấy phần nước trong, lắng từ nước tro (gio) của nhiều loại cây khác nhau. Gọi là bánh âm vì nó có đặc tính tư âm, bổ âm, do chứa toàn nguyên vật liệu có tính âm (toàn bộ là thực vật và khoáng canxi, kali…).
Với người miền Trung, chè kê là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Những hạt kê mẩy tròn sau khi xay cho tróc vỏ, ngâm và đun sôi đến khi nở mềm, sền sệt, bỏ thêm đường và nước gừng sẽ cho ra nồi chè thơm phức với màu vàng kê quyến rũ. Ngày nay, chè kê thường được nấu kèm với đỗ xanh, dừa… và ăn kèm với bánh tráng nướng.
“Ai chè đậu xanh đậu ván,
ai ăn chè kê bánh tráng,
con mèo chạy quanh tấm ván,
kêu từ đầu hôm tới sáng…”
Cũng trong ngày Tết Đoan Ngọ, người miền Trung có thói quen ăn thịt vịt. Họ quan niệm rằng: từ ngày 5/5 trở đi, vịt đã bắt đầu vào mùa. Lúc đó, những con vịt trở nên béo hơn và có thịt ngon, chắc hơn, không còn mùi hôi nữa. Chính vì vậy, phần lớn các hộ gia đình miền Trung đều chọn mua và vào bếp chế biến các món ăn khác nhau từ thịt vịt.
Bên cạnh đó, thịt vịt là loại thịt có tính hàn, ăn vào mát mẻ nhất so với các loại thịt khác trong tiết trời oi bức của mùa hè. Nhờ đó, món ăn này giúp cân bằng âm dương, làm mát cơ thể. Thịt vịt có nhiều cách chế biến tuỳ ý như luộc, hấp, quay, canh, cháo… Tập quán ăn thịt vịt vào ngày Tết Đoan Ngọ, vẫn còn được duy trì tại một số địa phương ở những vùng khác.
Tại miền Nam, món ăn không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ đó chính là chè trôi nước và bánh ú. Giống như bánh ú của người miền Trung, bánh ú lá tre được làm từ nếp, nhân đỗ xanh đã luộc và xào lên. Muốn bánh có màu đẹp hơn, người ta thường ngâm với nước cốt lá dứa để lấy màu xanh cho bánh. Tuy là món ăn dân giã, làm thủ công nhưng mỗi khi đến dịp Tết Đoan Ngọ, thưởng thức bánh ú lá tre có độ mềm dẻo của nếp, ngọt bùi của đậu xanh và mùi thơm đặc trưng của lá tre sẽ rất khó quên. Có lẽ vì thế mà bánh ú lá tre được nhiều người ưa chuộng và tìm mua.
Có thể nói, Tết Đoan Ngọ là một trong những ngày lễ đặc biệt của dân tộc ta. Mỗi nơi tuy có sự khác nhau trong cách cúng nhưng tựu chung đều là dịp để các thành viên trong gia đình tưởng nhớ tổ tiên, dịp “diệt sâu bọ”. Vậy gia đình bạn đón ngày này như thế nào hãy chia sẻ cùng chúng tôi nhé!
Nguồn: Tổng hợp