Tại sao đa số du thuyền có màu trắng trong khi tàu chở hàng lại khá sặc sỡ?

0
1406

Trong vận tải đường thủy, có những quy tắc riêng khi sản xuất và chế tạo những con tàu, đặc biệt là du thuyền. Nhưng đó chỉ là một trong những lý do rất nhỏ để giải thích nguyên nhân tại sao du thuyền lại có màu trắng.

Tàu tàu chở hàng hay tàu cá nói chung đều có lớp vỏ thân tàu với rất nhiều màu sắc nổi bật, từ xanh, đen, đỏ, lục, xám,…và những màu sắc đôi khi không thực sự nhất quán. Trong khi đó nếu để ý các mẫu du thuyền sang trọng, màu sắc chủ đạo mà bạn thường thấy chỉ là màu trắng. Vậy tại sao lại có sự khác biệt như vậy?

Nếu sơn chỉ có nhiệm vụ chính là bảo vệ thân tàu khỏi bị rỉ sét do điều kiện thời tiết và sóng gió trên biển, vậy tại sao phải phân chia màu sắc như vậy? Bài viết này sẽ cho bạn câu trả lời.

Trên thực tế, câu trả lời ngắn gọn nhất là không hề có một quy tắc nào trong việc chọn màu sắc. Đó là lý do tại sao bạn thấy các con tàu chở hàng hay container có đủ mọi loại màu sắc.

Đơn giản là việc các công ty đóng tàu thích điều đó hoặc vì họ chọn sơn dựa theo giá bán. Một số công ty vận tải còn chọn màu sơn dựa trên hình ảnh thương hiệu, logo hay đơn giản là bản sắc của công ty.

Trong khi đó, những công ty điều hành du thuyền chỉ lựa chọn duy nhất màu trắng vì một lý do mang tính kinh tế. Đó là việc màu trắng giúp hệ thống điều hòa không khí của họ ít phải hoạt động hơn.

Theo Technology, đa số du thuyền đều đi qua những vùng biển nhiệt đới có nguồn sáng mạnh và nhiệt lượng cao. Nếu không có biện pháp để giảm sự hấp thụ nhiệt, du thuyền sẽ trở nên rất nóng và phải tiêu tốn điện năng để làm mát tàu thông qua hệ thống điều hòa.

Màu trắng là một màu trung tính, có khả năng phản chiếu hầu hết ánh sáng Mặt Trời. Do đó, việc sơn màu trắng trên các du thuyền sẽ giúp hạn chế tối đa hiện tượng hấp thụ nhiệt lượng từ Mặt Trời, qua đó không gian bên trong tàu sẽ mát hơn và giảm đáng kể lượng sử dụng điều hòa nhiệt độ.

Mặc dù vậy vẫn có những suy đoán khác về lý do du thuyền sơn màu trắng. Màu trắng gợi cảm giác sạch sẽ, sang trọng và nổi bật giữa nền trời và biển. Màu trắng cũng đem tới cảm giác được thảnh thơi, nghỉ dưỡng cho những du khách trên tàu.

Tuy việc sơn màu trắng thường tốn nhiều chi phí và khó giữ gìn hơn nhưng thật khó để làm khác khi đa số du khách chỉ thích một du thuyền có màu trắng.

Nhưng tất nhiên vẫn còn một vài lý do khác để buộc các du thuyền phải lựa chọn màu sơn trắng.

Hầu hết các du thuyền sang trọng đều có lớp vỏ tàu làm từ sợi thủy tinh. Quá trình chế tạo khá phức tạp bởi nó cần một cái khuôn, sau đó các công nhân sẽ đổ epoxy (hợp chất hữu cơ gốc nhựa composite, có khả năng kháng nước và tính kết dính cao nên epoxy thường được sử dụng trong ngành công nghiệp chất phủ bề mặt) và đặt các lớp sợi thủy tinh.

Lớp epoxy ban đầu sẽ trở thành bề mặt ngoài của con tàu. Ở công đoạn này, hãng chế tạo thường trộn màu sơn trắng với epoxy để ngăn việc sơn các màu khác. Dĩ nhiên, họ có thể trộn các màu sắc khác cùng với epoxy nhưng công đoạn này sẽ làm phát sinh thêm nhiều quy trình khác phức tạp hơn. Do đó, việc sản xuất du thuyền thường chỉ lựa chọn màu sơn trắng để tiết kiệm chi phí và thời gian.

Màu trắng cũng giúp che giấu một số khiếm khuyết của con tàu và khi được trộn lẫn cùng epoxy trên lớp phủ, nó sẽ giúp lớp sơn trụ lâu hơn trước tác động của sóng biển và thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên không phải 100% du thuyền đều chỉ sơn màu trắng, bởi vẫn có những ngoại lệ nhất định.

Thông tin thêm: Nếu bạn còn thắc mắc tại sao mỗi loại tàu phục vụ cho một mục đích lại có màu sơn khác nhau thì câu trả lời chính là những lợi ích mà màu sơn đem lại. Ví dụ như tàu quân sự thường có màu xanh xám để dễ dàng hòa vào với màu sắc phản chiếu của biển và nền trời. Lợi ích của lớp sơn này là giúp tàu khó bị phát hiện hơn khi quan sát từ các tàu khác hoặc máy bay.

Hy vọng những thông tin hữu ích trên sẽ giải đáp cho bạn đọc phần nào về nguyên nhân sử dụng màu sơn cho những loại tàu khác nhau.

Nguồn: Soha.vn