Những mâm cỗ Tết ‘nở hoa’ của mẹ 7X

0
768

Chị Đỗ Bích Ngọc thường mất 2-3 giờ để hoàn thiện một mâm cỗ nhưng lâu nhất ở khâu trang trí.

Chia tay năm cũ và chuẩn bị đón năm mới, chị Đỗ Bích Ngọc (công tác trong ngành xây dựng, Hà Nội) sửa soạn mâm cỗ tất niên từ ngày 29 tháng Chạp. Các món ăn không cầu kỳ nhưng đều không thể thiếu trong mâm cỗ truyền thống của người miền Bắc. Mỗi đĩa thức ăn đều được trang trí bằng hoa tươi hoặc hoa tỉa từ củ, quả sinh động, đẹp mắt. Điều đặc biệt này được chị Ngọc làm từ nhiều năm nay và xem đó như một niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống.

Chị Ngọc yêu thích nấu nướng, du lịch và cắm hoa. Mỗi ngày, chị đều nấu những bữa cơm tươm tất cho gia đình 3 người, nhưng mâm cỗ ngày Tết được chị chăm chút nhiều hơn: cỗ cúng ông Công ông Táo, cỗ tất niên, cỗ hóa vàng và cỗ cúng rằm tháng Giêng.

Chị Ngọc thường lên danh sách những món chính cho 4 mâm cỗ quan trọng để tránh bị trùng lặp, còn lại trước Tết vài ngày, chị sẽ tham khảo một số mẹ hay bán đồ sơ chế để mua thêm các món kết hợp được với thực đơn đã định. Bà mẹ một con không quan trọng “mâm cao cỗ đầy” mà tập trung phân bổ món ăn sao cho hợp lý, không kỵ nhau. Bởi theo chị Ngọc, chuẩn bị cỗ cúng tổ tiên quan trọng nhất là lòng thành.

Số lượng món trong mâm cỗ được chị chuẩn bị vừa phải vì gia đình chỉ có 3 thành viên. Nếu mời thêm khách thì chị bổ sung thêm một vài món đơn giản, dễ ăn và ít dầu mỡ.

Thời gian để hoàn thiện một mâm cỗ của chị Ngọc khoảng 2-3h nhưng thường lâu hơn ở khâu trang trí. Bí quyết để nấu nướng ngày Tết nhanh chóng được chị tiết lộ như sau: “Mình sẽ chuẩn bị sẵn nguyên liệu, sơ chế trước những thứ có thể, tỉa hoa và bày sẵn bát/đĩa cho mỗi món ăn. Mình cũng tranh thủ bày món nguội trước. Lúc nấu sẽ làm đồng thời 2 món một lúc để đảm bảo các món lên mâm đều nóng sốt. Chủ yếu là sắp xếp nấu cái gì trước, cái gì sau cho khoa học thì lúc nào cũng nhanh mà không bị rối”.

Chị Bích Ngọc cũng không có thói quen dự trữ thực phẩm quá nhiều cho dịp Tết. Dựa vào thực đơn đã lên, chị mua đủ số lượng để nấu nướng và sơ chế, bảo quản ngay khi đem thực phẩm về nhà. “Với các món ăn liền, mình dặn cửa hàng thái sẵn và hút chân không. Món nào cần sơ chế thì mua về phải làm ngay, rồi đựng vào hộp nhựa, bảo quản trong ngăn đá càng nhanh càng tốt. Với rau xanh, mình nhặt bỏ lá già, phần không ăn được rồi để khô ráo và cất vào ngăn mát. Các loại củ được bảo quản ở nơi thoáng mát”, bà nội trợ Hà Nội chia sẻ.

Chị Ngọc thường chủ mua đủ thực phẩm đến mùng 2 Tết (đối với rau xanh, quả tươi) để tránh lãng phí và chật tủ lạnh. Món nào sau Tết khó mua mà muốn ăn thì chị mới tích trữ.

Đặc điểm chung của các mâm cỗ do chị Ngọc thực hiện là hài hòa màu sắc của rau củ, nhóm chất đạm, nhóm tinh bột… Mỗi đĩa thức ăn đều được trang trí bởi hoa tỉa từ cà chua, cà rốt.

Sử dụng lá mùi, xà lách để lót bên dưới đĩa trước khi bày thức ăn cũng là cách đơn giản, nhanh chóng khiến món ăn hấp dẫn hơn.

Một đĩa rau củ được trình bày đẹp mắt của chị Bích Ngọc.

Chị Đỗ Bích Ngọc, chủ nhân của những “ngon miệng, đẹp mắt”.

Nguồn: ngoisao.net