Người mẹ của kênh “Ẩm thực mẹ làm”: Mẹ 32 tuổi sinh con, cả đời chỉ 3 lần bước chân ra khỏi làng

Câu chuyện mộc mạc, chân thật của mẹ được chính cậu con trai ghi lại của kênh 'Ẩm thực mẹ làm' đang gây chú ý trên MXH.

0
193
“Tôi có con ở tuổi 32 – tuổi mà thời ấy và ở nông thôn, là tuổi ế chồng, là khi nếu chẳng có ai cưới thì người ta thường chọn cách sống một mình thui thủi cả đời. Tôi cũng chẳng có bóng đàn ông nào xuất hiện thực sự bên đời mình, nhưng tôi có Hùng – có con trai, có niềm hạnh phúc nhất đời của mình đồng hành.”

Trong một thử thách mới đây của hội ‘Yêu Bếp’, bài tham gia của bà Dương Thị Cường, người mẹ quen thuộc trong các video của kênh Youtube ‘Ẩm thực mẹ làm’ đã khiến nhiều người độc vô cùng xúc động, nhận được hàng ngàn lượt yêu thích, bình luận cũng như chia sẻ.

Kênh Youtube này gây dấu ấn với nết chân phương, mộc mạc, bình dị tới nhẹ lòng với nững thước phim do chính tay Đồng Văn Hùng, con trai duy nhất của bà Cường ghi lại.

Hiện tại, kênh đang sở hữu 856.000 lượt sucribers trên YouTube với mốc thời gian bắt đầu thành lập từ đầu tháng 3/2019. Năm vừa qua, kênh là đại diện Việt Nam thi YouTube FanFest 2020 và mới gần đây, video gói bánh chưng ngày Tết của kênh còn được Fanpage YouTube 100 triệu followers “khoe” với toàn thế giới.

Nguyên văn chia sẻ ‘ấm lòng’ về tình mẫu tử như sau:

“Cuộc đời tôi là những nốt trầm buồn, nhiều nước mắt hơn nụ cười. Điều đáng giá nhất và là nguồn sống của tôi đến lúc này không gì khác, chỉnh là cậu con trai lớn lên bằng bờ vai gầy nhưng vững chãi của mẹ.

Nhà tôi chẳng có nhiều của cải, tường nhà, mái ngói đều vương dấu thời gian, căn bếp nhỏ đầy bọ hóng nhưng gọn gàng, tươm tất. Mảnh vườn xanh mướt bên cạnh, mơn mởn nào chuối, nào sung, mồng tơi, rau đay, rau ngót, sấu và na… Cảnh vật thanh bình, nhưng có gì đấy buồn buồn và cô đơn.

Cả đời tôi gắn bó với công việc đồng áng vất vả, một tay đồng áng, ruộng vườn, chăn lợn chăn gà, quán xuyến chuyện nhà cửa, tôi nghĩ mình tuổi Rồng đấy. Người ta bảo tuổi Rồng là thành công rực rỡ lắm nhưng mà chắc mình là rồng đất, là con giun đất thôi, nên chỉ quanh quẩn với đất mà sống, việc nặng việc nhẹ gì cũng đến tay.

Tôi có con ở tuổi 32 – tuổi mà thời ấy và ở nông thôn, là tuổi ế chồng, là khi nếu chẳng có ai cưới thì người ta thường chọn cách sống một mình thui thủi cả đời. Tôi cũng chẳng có bóng đàn ông nào xuất hiện thực sự bên đời mình, nhưng tôi có Hùng – có con trai, có niềm hạnh phúc nhất đời của mình đồng hành.

Cả đời tôi chỉ 3 lần bước chân khỏi làng, 2 lần lên tham quan Hà Nội, 1 lần đi Phú Yên du lịch cùng con trai vào năm kia, đã “chiến đấu” với cả thế giới xung quanh mình, để có con, giữ con và nuôi con khôn lớn.

158852575_1656438037874935_5580597428548453314_o

“Thời đó không thoáng như bây giờ, làng xóm người ta xì xào, lời ra lời vào ác lắm, nhưng mình cứ im đi mà sống, giả điếc mà sống, coi như tai không nghe tiếng gì, ai nói thì họ tự nghe. Bà ngoại Hùng hồi ấy, biết tôi có chửa cũng phản đối ghê lắm. Thôi thì tôi cũng chỉ biết ngọt nhạt xin với cụ, rằng thôi bây giờ con cũng hơn 30 rồi, con xin mẹ, con chỉ đẻ 1 lần này thôi, sau này mẹ nằm xuống, con có người để nương dựa.

Thế mà cụ vẫn cứ không ưng. Nhưng thôi cứ kệ vậy, cụ là mẹ mình, có mắng mỏ thì cũng chẳng bỏ mình đi được. Còn với xóm giềng, tôi cứ im lặng mà sống, mà làm việc, mà vươn lên để không ai khinh được mình, khinh được con mình cả.

Khi sinh Hùng, cả nhà cả cửa tôi chỉ có 30 ngàn đồng. Trừ 10 ngàn trả công cho bà đỡ, số tiền còn lại chỉ đủ mua một cái còng giò to và một cái bắp cải về ăn bồi dưỡng ở cữ. Ăn hết ngần ấy tôi chỉ còn cách lấy rau má, rau bọ mẩy ở đồi núi với rìa đường đê về luộc, hấp mà ăn cơm.

Nhà khó khăn, khi sinh Hùng mấy tháng thì hè đến, không có điện, tôi phải thức xuyên đêm quạt cho con, vì chỉ cần tôi hơi lơi tay một tí thì con lại i ỉ khóc. Mãi sau đến tháng 8, ở xóm họ mách cho đi vay ngân hàng, tôi mới vay được 500 nghìn, mắc điện và mua cái quạt cây là hết nhẵn.

 Đã vậy, khi bé, Hùng còn hay nóng sốt. Lắm đêm tôi thức trắng, không dám ngủ vì chỉ sợ con chết mất. “Năm Hùng hơn 1 tuổi, có lần tôi phải đưa con đi viện vì sốt quá. Thế mà nó nhất định không ở, khóc ngằn ngặt đòi đi về, tôi cũng lại chịu nghe bác sĩ mắng mà trốn viện về. Mà sao bé tí mà nó đã kiên quyết, ghê gớm thế chứ”

Thế rồi lớn lên, thằng bé “ghê gớm” ấy lại hiền khô, bị bọn trẻ ở trong làng trêu ghẹo, chặn đường bắt nạt, dọa đánh suốt mà không dám làm gì. Lắm hôm con đi học, tôi âm thầm đi theo rình trên đường, bắt quả tang bọn bắt nạt, mắng cho chúng một trận.

Bao ngày cơ cực trong cuộc đời vừa làm mẹ vừa làm cha, vừa làm đàn bà vừa gánh vác chuyện đàn ông rồi cũng qua, và trong ngần ấy thời gian, tôi không bao giờ nghĩ đến việc phải cần có một người đàn ông nào bên cạnh.

Với tôi, Hùng là niềm hạnh phúc, an ủi duy nhất của mình. Nhà chỉ có một mẹ một con, hoàn cảnh đặc biệt nên thân nhau lắm, có chuyện gì Hùng cũng kề, cũng khoe với mẹ.

Con trai lớn lên học song 12 đi làm xa mấy năm ở Bắc Ninh rồi Hà Nội, mẹ tôi thì cũng mất ở tuổi 100, còn lại một mình tôi cứ thui thủi đồng áng một mình, quán xuyến nhà cửa một mình, ăn cơm cũng một mình. Một mình một mâm cơm, ngồi bên nào cũng lệch, coi lũ chó, đàn gà, bầy lợn làm bạn.

Sau vài năm làm ăn xa, Hùng đã quyết định về lại Thái Nguyên sống với mẹ. Việc ở Hà Nội, nếu có, con chạy lên rồi lại chạy về.Từ khi Hùng trở về quay các video về cuộc sống, bữa ăn hàng ngày mang tên ” Ẩm Thực Mẹ Làm” thì lúc đó cuộc sống hai mẹ con tôi đã bước sang một trang mới.

160215855_1656439924541413_8509022296149087207_o

“Tôi không hy vọng gì việc mình nổi tiếng. Cho đến cùng, tôi cũng chỉ là người dân quê bình thường thôi. Việc làm Youtube là do con thích thì tôi chiều con thôi. Niềm vui lớn nhất là hai mẹ con được gần nhau cùng làm việc, cùng nhau tâm sự vui buồn mỗi ngày, thấy con thành đạt là tôi hạnh phúc lắm rồi.

Câu chuyện này của tôi mong rằng sẽ truyền cảm hứng và động lực đến nhiều phụ nữ khác, đặc biệt là những người sống ở nông thôn.

Luôn vươn lên và kiên trì, chăm chỉ của mình sẽ được đền đáp xứng đáng!”

Theo TravelMag