Mình ơi…đừng sợ Tết!

"Năm đầu tiên không thể về quê đón Tết, tôi nghĩ đó là một ngã rẽ trong cuộc đời mình. Bên kia ngã rẽ là một tôi đầy ngây ngô và non nớt, còn bên này ngã rẽ là một tôi nay đã trưởng thành".

0
150

“Năm đầu tiên không thể về quê đón Tết, tôi nghĩ đó là một ngã rẽ trong cuộc đời mình. Bên kia ngã rẽ là một tôi đầy ngây ngô và non nớt, còn bên này ngã rẽ là một tôi nay đã trưởng thành”.

Lúc nhỏ nhiều người rất thích tết, thế nhưng khi càng lớn nhiều người có xu hướng sợ tết bởi bao công việc cần chuẩn bị. Với những bạn trẻ xa quê, đôi lúc cũng muốn về nhà gặp người thân nhưng họ lại cảm thấy tủi thân, lo âu trước muôn vàn vấn đề khó nói.

Với nhiều bậc cha mẹ, Tết chỉ thực sự về khi con cái đi làm ăn xa về quê vào cuối tháng chạp. (Ảnh: Minh họa)

Ngày tết – ai chẳng mong được đoàn viên bên gia đình để cùng nhau dọn dẹp, nấu nướng mâm cỗ dâng lên ông bà tổ tiên, gặp gỡ và chuyện trò với bao người lâu ngày chưa gặp. Gác lại những mệt mỏi, bộn bề, áp lực trong năm qua, họ một lòng hướng về căn nhà nhỏ, nơi có những ánh mắt mong chờ đợi họ về.

Thế nhưng, nhớ nhà thì nhớ lắm, muốn về cũng muốn lắm, nhưng có vô vàn những lý do khó nói để họ không sẵn sàng để về. Có lẽ, điều nhiều người trẻ vừa thích, vừa ngại nhất đó là những buổi gặp gỡ gia đình: Thích vì gặp được cô dì, chú bác sau một thời gian xa cách, nhưng ngại nhất đó chính là lúc đối diện với những câu hỏi: “Có người yêu chưa?”, “Lương tháng bao nhiêu?”, “Cái Minh làm tháng 30 triệu sao cháu ít thế”, “Năm nay mang về cho bố mẹ được cái gì”…

Mẹ luôn chờ con cái về ăn bữa cơm đoàn viên ngày tết. (Ảnh: Minh họa)

Đứng trước những câu hỏi tế nhị kể trên, có người cười nói cho qua chuyện, có người thì thẳng thắn đáp trả… Thế nhưng, đó chỉ là những câu hỏi mở đầu cho một chuỗi các câu chuyện phía sau. “Mình trả lời thẳng quá thì lại sợ người ta bảo bố mẹ mình không biết dạy con. Nói chính xác thì sẽ bị đánh giá này nọ. Và đôi khi nhân danh sự quan tâm, họ hàng bắt đầu truyền dạy các thứ kinh nghiệm sống, cách nhìn người… Mình biết mọi người cũng có ý tốt nhưng thực sự tết mình chỉ muốn được thư giãn, một năm qua đã đủ mệt mỏi rồi”, Tuyết Nhung (Hà Nội) chia sẻ.

Người lớn thỉnh thoảng vẫn thế, họ luôn nghĩ đến cho con trẻ và mong muốn giúp chúng tốt lên. Đôi khi những câu hỏi đặt ra ở những lúc, thời điểm không phù hợp, lại khiến người nhận rơi vào thế khó xử. Nhất là khi câu hỏi đó chỉ là đang thỏa mãn sự tò mò, thú vui hóng chuyện hoặc đang tìm chủ đề để nói. Mỗi người một cách nghĩ, thế nhưng chẳng mấy ai vui khi cuộc đời của mình lại bị soi qua lăng kính tiêu chuẩn của người khác. Vậy nên mới có cảnh, một số người chỉ ao ước kỳ nghỉ tết sớm qua đi và nhanh đi làm trở lại.

Đi xa là để trở về, hãy lên đường về quê ăn Tết cùng bố mẹ cả nhà nhé!

Và có lẽ cái sợ thứ 2 của nhiều người khi tết đến đó là tiền. Những người con xa quê khi về nhà ăn tết họ tốn rất nhiều từ tiền tàu xe, tiền lì xì, tiền quà cáp… Với những người không dư dả trong năm qua, họ càng không có tự tin để đặt chân lên đường về nhà nhất. Bởi họ sợ bố mẹ sẽ lo lắng cho mình. Hóa ra, điều đầu tiên bạn học được khi trưởng thành là chỉ chia sẻ những gì tốt đẹp và tự giữ lấy những điều tiêu cực cho riêng mình.

Sông có khúc, người có lúc. Lúc còn thơ bé, trong vòng tay của bố mẹ nhiều người thường thích lớn thật nhanh để thành người lớn, tự quyết định cuộc đời mình. Thế nhưng, rời xa ghế nhà trường, gia đình, bước vào cuộc đời, cuộc sống lúc này chẳng còn màu hồng mà có vô số gam màu hỉ nộ ái ố khác. Thậm chí có những thời điểm, khi nhìn thấy bạn bè xung quanh đã thành công, bạn càng áp lực hơn bao giờ hết. Không mối quan hệ ổn định, không công việc thuận lợi, không nhà, không xe… Những vất vả cuộc sống đời thường khiến không ít người kiệt sức. Về nhà là cách để bạn tạm quên đi những lo lắng buồn phiền, “sạc pin” tâm hồn để khởi đầu năm mới thật vui vẻ.

Thực tế, có không ít người trẻ không sẵn sàng về quê ăn Tết bởi có quá nhiều mệt mỏi, lo lắng, không chỉ là áp lực cuộc sống mà còn là sự đấu tranh với những định kiến từ gia đình, họ hàng. Suy cho cùng, lý do khiến nhiều người không muốn về nhà đó chính là vì họ không đủ can đảm để đối diện với việc bản thân đang dần trở nên lạc nhịp với những người xung quanh. Vậy nên, nhiều người không thực sự ghét tết mà cái họ ghét đó chính là bản thân còn chưa đủ trưởng thành.

“Tết là phải về nhà ăn tết nghe con, gia đình ít người, thiếu vắng tình cảm, tết thiếu 1 người là thiếu đi niềm vui, tết không còn trọn vẹn nữa con ạ”. (Ảnh: Minh họa)

Một năm vừa qua, dù thành công hay thất bại, thế nhưng đừng tự trách mình hay ngưng so sánh với một ai bạn nhé! Mỗi chúng ta là những bản thể duy nhất và hơn thế nữa mỗi người có những mục tiêu riêng. Hãy thỏa mái và cởi mở với chính mình, dù có chưa được như ý thì cũng chớ vội nản lòng. Đường đời còn dài, cuộc sống còn nhiều bất ngờ và “còn thở là còn gỡ”, thất bại thì đứng lên bước tiếp.

Và giờ thì, về nhà đi thôi và đón một năm mới an lành bên gia đình bạn nhé!

Nguồn: Tổng hợp