Khi màn đêm buông xuống, làng Beixiazhu, thị trường bán buôn hàng hóa nhỏ lẻ lớn nhất thế giới nằm ở miền đông Trung Quốc, trở nên tất bật và nhộn nhịp, theo SCMP.
Nhiều tuyến đường ùn tắc do sự xuất hiện của các đội ngũ chuyển phát nhanh và vô số xe lam chất đầy hàng hóa, khiến chính quyền địa phương phải can thiệp và phân luồng giao thông.
Ngôi làng không ngủ này nằm trong thành phố Nghĩa Ô (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc). Dù chỉ rộng 22 ha và có khoảng 13.000 cư dân thường trú, ngôi làng lại là nơi hội tụ của hơn 1.000 công ty thương mại điện tử và 40 chi nhánh công ty chuyển phát nhanh, theo Global Times.
Tham vọng làm giàu
Làng Beixiazhu sớm trở thành “miền đất hứa” của những người theo đuổi nghề bán hàng trực tuyến.
Kể từ khi Covid-19 hoành hành, gây ảnh hưởng đến công việc của các nhà xuất khẩu truyền thống tại địa phương, càng nhiều người đổi sang nghề livestream bán hàng để kiếm thêm thu nhập.
Xiang Nan (32 tuổi) là một trong số đó. Người đàn ông này thường dành buổi chiều dạo quanh làng để tìm kiếm sản phẩm mà anh có thể bán trong buổi phát sóng trực tuyến.
Hầu hết cửa hàng nào ở Beixiazhu cũng đề biển hiệu bắt mắt với những dòng chữ như “sản phẩm bán chạy trên livestream” hoặc “cung ứng nguồn hàng”.
“Những người lái xe lam ở đây có thể sở hữu tài sản ròng lên đến hàng triệu NDT. Ban ngày họ lái xe ba bánh, nhưng đến đêm, họ ngồi trên những siêu xe thể thao”, Xiang nói, chỉ tay về phía những người đàn ông đang tụ tập trên phố.
Đó cũng chính là cuộc sống mà Xiang mong muốn. Chia sẻ với SCMP, người đàn ông 32 tuổi này cho biết anh muốn trở thành ngôi sao mạng như “nữ hoàng livestream” Huang Wei hoặc “ông hoàng livestream” Xinba.
Lượng hàng hóa những người này bán được trong vài giờ đồng hồ có thể tương đương số sản phẩm mà một trung tâm mua sắm bình thường bán trong cả một năm.
Nghề bán hàng trực tuyến là lĩnh vực đầy hứa hẹn đối với nhiều người Trung Quốc. Kể cả không thể làm giàu, họ cũng kiếm đủ nuôi sống bản thân.
Trong nửa đầu năm 2020, những người livestream bán hàng ở Nghĩa Ô đã tổ chức hơn 72.000 buổi phát sóng với doanh thu vượt 9,8 tỷ NDT (1,5 tỷ USD), theo đài truyền hình quốc gia Trung Quốc đưa tin.
Xiang, xuất thân từ một thị trấn nghèo ở tỉnh Quý Châu, thậm chí đã cải trang thành một cụ bà tóc bạc trên sóng livestream để bán hàng.
“Đôi khi bạn cần phải làm trò để thu hút người người xem”, anh chia sẻ. Tuy nhiên, chưa có mánh khóe nào giúp Xiang lặp lại vận may hồi mùa hè 2020 – khi nhóm của anh bán được hơn 200.000 NDT (30.000 USD) giá trị sản phẩm chỉ trong một đêm.
“Tối hôm đó, tôi rao một loạt đồ sành sứ và bất ngờ bán được 7 bộ trong số đó chỉ trong 10 giây”, người đàn ông nhớ lại.
Số lượng đơn đặt hàng cao đến nỗi Xiang lo lắng không biết có đủ tiền mặt để lấy sản phẩm từ nhà máy, cũng như trang trải phí giao hàng hay không.
Thế nhưng, ở các tháng tiếp theo, anh chỉ kiếm được vài nghìn NDT – hầu như không đủ trang trải chi phí sinh hoạt của Xiang. Tuy nhiên, anh vẫn không từ bỏ sự nghiệp bán hàng online.
“Ai cũng mơ làm giàu mà”, anh nói.
Không từ bỏ vận may
Thành phố Thương mại Quốc tế Nghĩa Ô, một khu chợ khổng lồ với hơn 70.000 gian hàng cung cấp 1.700 chủng loại hàng hóa, đã chứng kiến sự gia tăng thương mại ở Trung Quốc trong 2 thập kỷ qua khi nó thu hút người mua từ khắp nơi trên thế giới đến tìm nguồn cung.
Tuy nhiên, khi Covid-19 bùng phát, việc kinh doanh bị chững lại. Những quy định mới ở xứ tỷ dân cũng khiến người nước ngoài không thể nhập cảnh. Do đó, nhiều thương gia đã tập trung vào thị trường nội địa.
Zheng Xiaoping, xuất thân từ một ngôi làng nhỏ ở thành phố Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang), là một trong số những người trẻ tuổi tìm kiếm cơ hội đổi đời ở Nghĩa Ô cách đây 20 năm. Cô mở một cửa hàng chuyên bán thắt lưng tại khu chợ khổng lồ của thành phố.
Cửa hàng đã đem lại cho gia đình người phụ nữ 42 tuổi này nguồn thu nhập ổn định trong nhiều năm, cho đến khi đại dịch xảy ra.
“Chúng tôi không có nổi một đơn đặt hàng nào trong năm 2020. Thật khủng khiếp”, Zheng cho biết.
Năm 2020, công việc kinh doanh của Zheng sa sút đáng kể, khiến cô phải mở thêm một cửa hàng bán buôn quần áo ở làng Beixiazhu. Tại đây, cô bán quần áo với giá từ vài NDT đến hàng chục NDT. Zheng vẫn chưa có lãi bởi giá thuê nhà 300.000 NDT/năm làm tăng đáng kể chi phí của cô.
Tuy nhiên, người phụ nữ 42 tuổi vẫn tiếp tục quyết định thử vận may của mình trong lĩnh vực livestream bán hàng.
Trước khi chuyển đến Nghĩa Ô, Zheng Liuping, người đàn ông 36 tuổi quê ở tỉnh An Huy, đã thử sức nhiều công việc khác nhau từ khi học xong cấp 2 – từ làm thợ mộc đến bán hàng ven đường ở Hồ Châu (tỉnh Chiết Giang).
Hiện Liuping bán hàng trực tuyến mỗi tối từ 19h đến nửa đêm trên nền tảng Jinri Toutiao. Anh bán các mặt thiết bị gia dụng như nồi và chảo.
“Có nhiều cơ hội làm việc ở Nghĩa Ô. Kể cả nếu không livestream nữa, tôi vẫn có thể kiếm được 700-800 NDT/ngày nhờ việc đóng gói bưu kiện cho các cửa hàng”, anh chia sẻ.
Wang Lei, một người đàn ông ngoài 30 tuổi bỏ công việc tại nhà máy để chuyển đến Beixiazhu, cho biết thành công trong lĩnh vực bán hàng trực tuyến đầy rẫy những điều không chắc chắn.
“Có thể bạn sẽ không kiếm được một xu nào trong tháng này và lặp lại tình trạng đó vào tháng sau. Nhưng khi bạn chuẩn bị về nhà đón Tết Nguyên đán, bạn có thể sẽ kiếm được số tiền khổng lồ tương đương 1-2 năm làm việc”, Wang chia sẻ.
Anh so sánh cơ may thành công trong nghề livestream bán hàng với việc chơi xổ số, đương nhiên tỷ lệ cược ở ngành thương mại điện tử trực tuyến vẫn tốt hơn.
“Mọi người vẫn mua vé số hàng ngày dù khả năng trúng thưởng thấp đấy thôi”, Wang nói.
Thế nhưng, cả Liuping và Wang đều chưa “trúng xổ số” trong nghề bán hàng trực tuyến. Liuping cho biết số tiền anh kiếm được chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt của anh ở Nghĩa Ô, còn Wang chỉ thu hút một lượng khán giả nhỏ.
“Tuy nhiên, ngành thương mại ở Nghĩa Ô sẽ chẳng thể suy thoái. Chỉ có lẻ tẻ những cá nhân rời đi vì không thể bám trụ với nghề mà thôi”, Liuping khẳng định.
Theo Zing