“Đáng lo ngại” là cụm từ Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dùng khi đề cập đến số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong Quý I/2020 giảm 1,6% so với cùng kỳ, trong khi tỷ lệ này của Quý I/2019 so với Quý I/2018 tăng đến 78,1%. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là gần 35.000, tức trung bình mỗi tháng có 11.600 doanh nghiệp quyết định rút lui…
Xem thêm:
- GDP quý I/2020 tăng 3,82%, thấp nhất so với cùng kỳ trong giai đoạn…
- VinFast tạm đóng cửa hệ thống showroom tại Vincom từ hôm nay
“Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong tháng 3 năm nay đã ảnh hưởng toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, trong đó, cộng đồng doanh nghiệp là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề“, Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cho biết.
Trong tháng 3/2020, tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 6.553, tăng 55,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung cả Quý I, có gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 2% so với cùng kỳ 2019). Trong đó:
18.596 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 26,0%).
Đây là mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong Quý I giai đoạn 2015-2020, thể hiện sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 đến việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp.
12.178 doanh nghiệp chờ giải thể (giảm 20,6%). Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể trong Quý I/2019 trước đó tăng cao bởi hơn một nửa số đó ( 8.404 doanh nghiệp) bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu năm 2018 để loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập trước đây nhưng trên thực tế không còn hoạt động.
4.115 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 0,02%).
Tính trung bình, mỗi tháng có 11.630 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, tình hình doanh nghiệp rút khỏi thị trường thể hiện rõ xu hướng của doanh nghiệp hiện nay – tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, “đóng băng” hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng “ngủ đông” để xem xét tình hình tiến triển của dịch bệnh, rồi quyết định tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa doanh nghiệp, chứ chưa đóng cửa doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này.
Điều này thể hiện ở sự gia tăng mạnh về số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn và giảm về số doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể.
Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong Quý I/2020 có xu hướng chững lại. Cả nước có 29.711 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là một trong những mức gia tăng số doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất của Quý I giai đoạn từ 2015-2019 (so với mức tăng trung bình là 10,9%). Điều này cho thấy những ảnh hưởng đang ngày một rõ rệt của dịch viêm phổi cấp Covid-19 đến tình hình đăng ký doanh nghiệp trong nước.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong Quý I/2020 là 14.810 doanh nghiệp, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi tỷ lệ này của Quý I/2019 so với Quý I/2018 tăng đến 78,1%.
“Đây là điều đáng lo ngại bởi theo ghi nhận hàng năm thì khoảng thời gian Quý I thường là lúc các doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh cho một năm tài chính mới, do đó, tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thời gian này sẽ nhiều nhất. Tuy nhiên, do dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát nên doanh nghiệp vẫn đang chần chừ, nghe ngóng thông tin để có phương án tối ưu nhất“, Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh cho biết.
Theo: Trí Thức Trẻ